Ông Phạm Tiến (phamtien1394@...) phản ánh, ngày 27/1/2013, thôn của ông tổ chức bầu cử Trưởng thôn, nhưng kết quả là không bầu được Trưởng thôn. Ngày 31/1/2013, chính quyền xã tổ chức bầu cử lần thứ hai.
Tổng số cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn là 361 cử tri, tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu là 314, số phiếu hợp lệ là 308. Kết quả cho các ứng cử viên Trưởng thôn như sau: Ông Nguyễn Văn A được bầu 159 phiếu, đạt 44,04%. còn ông Nguyễn Văn B được bầu 149 phiếu, đạt 41,27%. Kết quả không có người trúng cử. Ông Tiến hỏi cách tính kết quả bầu cử của Tổ bầu cử như vậy có đúng quy định không?
Luật sư Trần Văn Toàn, văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời:
Tại Điều 8, Văn bản hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (Ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTUMTTQVN ngày 17/4/2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) hướng dẫn việc bầu cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tại hội nghị thôn, tổ dân phố như sau:
Hội nghị bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố được tiến hành khi có trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tham dự.
Hình thức bầu cử Trưởng thôn
Việc bầu cử có thể bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định;
Nếu bầu bằng hình thức giơ tay, Tổ bầu cử trực tiếp đếm số biểu quyết. Nếu bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín, Tổ bầu cử làm nhiệm vụ kiểm phiếu.
Tổ bầu cử tiến hành kiểm phiếu tại nơi bỏ phiếu ngay sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu; mời đại diện cử tri không phải là người ứng cử có mặt tại đó chứng kiến việc kiểm phiếu.
Kiểm phiếu xong, Tổ bầu cử lập biên bản kiểm phiếu. Biên bản kiểm phiếu phải ghi rõ: Tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình của thôn, tổ dân phố; số cử tri tham gia hội nghị; số phiếu phát ra; số phiếu thu vào; số phiếu hợp lệ; số phiếu không hợp lệ; số phiếu và tỷ lệ bầu cho mỗi người ứng cử so với tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình toàn thôn, tổ dân phố.
Người ứng cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là người đạt trên 50% số phiếu bầu hợp lệ so với tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong toàn thôn, tổ dân phố.
Biên bản kiểm phiếu lập thành 3 bản, có chữ ký của các thành viên Tổ bầu cử.
Tổ trưởng tổ bầu cử lập báo cáo kết quả bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, kèm theo Biên bản kiểm phiếu gửi ngay đến UBND, UBMTTQ Việt Nam cấp xã.
Ảnh minh họa
Trường hợp kết quả bầu cử không có người nào đạt trên 50% số phiếu bầu hợp lệ so với tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong toàn thôn, tổ dân phố thì tiến hành bầu cử lại. Ngày bầu cử lại do UBND cấp xã quyết định, nhưng chậm nhất không quá 15 ngày, kể từ ngày tổ chức bầu cử lần đầu.
Nếu tổ chức bầu lần thứ hai mà vẫn không bầu được Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời để điều hành hoạt động của thôn, tổ dân phố cho đến khi bầu được Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố mới.
Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời, UBND cấp xã phải tổ chức bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố mới.
Vấn đề ông Phạm Tiến hỏi, căn cứ hướng dẫn nêu trên, người đạt trên 50% số phiếu bầu hợp lệ so với tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong toàn thôn mới được công nhận trúng cử. Trường hợp kết quả bầu cử không có người nào đạt trên 50% số phiếu bầu hợp lệ so với tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong toàn thôn, tổ dân phố thì tiến hành bầu cử lại.
Theo phản ánh của ông Tiến, kết quả bầu cử lần thứ 2:
Ứng cử viên Nguyễn Văn A được bầu 159 phiếu hợp lệ, đạt 44,04% so với tổng số 361 cử tri đại diện (159/361 = 44,04%).
Ứng cử viên Nguyễn Văn B được bầu 149 phiếu hợp lệ, đạt 41,27% so với tổng số 361 cử tri đại diện (149/361= 41,27%)
Cách tính kết quả bầu cử của Tổ bầu cử như trên là đúng quy định. Theo kết quả bầu cử lần 2 không có người nào đạt trên 50% số phiếu bầu hợp lệ so với tổng số cử tri đại diện hộ gia đình trong toàn thôn nên không ai được công nhận trúng cử Trưởng thôn là đúng quy định.
Do đã tổ chức bầu lần thứ hai mà vẫn không bầu được Trưởng thôn, Chủ tịch UBND xã phải quyết định cử Trưởng thôn lâm thời để điều hành hoạt động của thôn cho đến khi bầu được Trưởng thôn mới. Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Chủ tịch UBND xã quyết định cử Trưởng thôn lâm thời, UBND cấp xã phải tổ chức bầu Trưởng thôn mới.
Theo Chinhphu.vn