Bạn Trần Văn Nguyên- Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội-Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội có gửi đơn thư đến báo Nguoiduatin.vn hỏi về một số quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động như sau: Ngày 26/6/2012 tôi đã bàn giao công việc cho công ty để xin nghỉ việc, đến ngày 10/9/2012 tôi đã làm đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động. Nhưng đến nay công việc của tôi chưa được công ty giải quyết. Tôi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với công ty hay không? Tôi phải làm những thủ tục gì? Công ty có được phép cản trở tôi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không? Khi tôi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, công ty có quyền quản lý và giữ hồ sơ liên quan đến sổ bảo hiểm, hồ sơ Đảng, đoàn thể của tôi hay không?
Trả lời: Theo quy định trong Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2007 thì bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (trong trường hợp bạn phải có các lý do theo quy định tại Điều 37 -BLLĐ). Trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì bạn phải báo trước cho người lao động ít nhất 45 ngày (báo bằng văn bản).
Theo khoản 3 Điều 37, BLLĐ quy định: Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày; người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị sáu tháng liền thì báo trước ít nhất ba ngày.
Trong trường hợp đó, công ty không được phép cản trở bạn thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động dưới mọi hình thức. Đồng thời, công ty không có quyền quản lý và giữ hồ sơ liên quan đến sổ bảo hiểm, hồ sơ về Đảng, đoàn thể của bạn.
Trong thời hạn quy định của pháp luật, hai bên có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ các khoản chi phí có liên quan. Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả sổ lao động cho người lao động. Điều 43 BLLĐ có quy định: Người lao động có quyền làm việc bất cứ ở đâu nếu được đơn vị sử dụng lao động tiếp nhận và có thể tham gia làm việc cùng một lúc tại nhiều nơi.
Trong trường hợp đó, công ty cũ hoàn toàn không có quyền khiếu kiện, khiếu nại về việc tuyển dụng của bạn đối với tổ chức tuyển dụng bạn. Trong trường hợp có khiếu nại thì bạn có thể khiếu nại trực tiếp đến người sử dụng lao động (công ty) và sau đó thực hiện việc khiếu nại theo trình tự được quy định trong Nghị định số 04/2005 ngày 11/1/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về khiếu nại, tố cáo lao động. Hoặc bạn có quyền khởi kiện bằng một vụ kiện tại Tòa án nhân dân.
P.V