Thông tin có nhà đầu tư muốn mời một đơn vị nghiên cứu, lập quy hoạch 2 bờ sông Hồng đến từ Trung Quốc lập tức khiến dư luận đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.
Dù Hà Nội đã lên tiếng phủ nhận thông tin trên nhưng giới chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm và không quên cảnh tỉnh việc chọn đối tác nào tham gia nghiên cứu, lập quy hoạch là hợp lý nhất, đặc biệt việc quy hoạch 2 bờ sông Hồng không còn riêng là câu chuyện về kinh tế.
Nhấn mạnh yếu tố đặc thù về thủy văn, thổ nhưỡng của sông Hồng, chuyên gia về kiến trúc - GS.TS Hoàng Đạo Kính nói: “Điều đầu tiên, sông Hồng khi vào lãnh thổ Việt Nam, đoạn chảy qua Hà Nội là một đối tượng rất khó trị thủy, điều hành dòng chảy, khó trong việc ứng xử với triền đất dọc sông, bởi vì đó là dòng chảy rất biến động. Không phải tình cờ mà ông cha ta ngày xưa xây dựng Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội không trực tiếp sát bờ sông.
Bức tranh Hà Nội thời cận đại so với dòng sông luôn chuyển dịch. Tính đến giờ phút này, hầu như Hà Nội vẫn quay lưng ra sông Hồng. Thông thường, các thành phố gần sông bao giờ cũng quay mặt ra sông. Dù có thế nào đi chăng nữa, cũng không thể nghĩ sông Hồng có thể biến thành sông Seine (Pháp), thậm chí cũng không thể giống sông Hương ở Huế. Bởi các dòng sông đó có thể khống chế được, có thể bao bọc, “đai nịt” được. Chính vì vậy, phải ứng xử với sông Hồng khác”.
Từ thực tế trên, nói về việc ứng xử đại cục với sông Hồng, GS. Hoàng Đạo Kính nêu ý kiến: “Quan điểm của tôi là ứng xử với sông Hồng phải là thành phố mở ra sông Hồng chứ không phải quay mặt ra sông. Tức là, một mặt có thể “khống chế mềm” dòng chảy của sông. Không thể bê tông hóa hay granite hóa hai bờ sông, phải giữ ở một mức nhất định dòng chảy khá tự nhiên, có sự biến động ở chừng mực nào đó. Hai bên bờ sông phải tạo ra dải không gian xanh để thành phố có sự chuyển tiếp mở ra dòng sông”.
Theo ông Kính, không nên tính đến chuyện “đai nịt”, xây dựng mật độ cao 2 dải bờ sông khi bảo vệ khỏi dòng chảy tùy tiện. Hai bên bờ sông Hồng phải là 2 dải không gian xanh, hai công viên xanh. Nó sẽ tạo ra một không gian kiến trúc vừa là sông, vừa là triền sông, vừa chuyển hóa mềm sang đô thị mà không ở đâu có cả, chỉ có ở Hà Nội. Một sự “chuyển hóa mềm” như vậy vừa cho phép chúng ta ứng xử thích ứng với dòng sông Hồng bất trị đồng thời góp phần tạo ra một đô thị xanh. Đô thị có sự “chuyển hóa mềm” của các không gian khác nhau và sông Hồng có thể sẽ trở thành một cảnh quan được nhấn mạnh trong đô thị nói chung.
Về việc đã có 2 trong số 3 nhà đầu tư tài trợ lập quy hoạch 2 bờ sông Hồng giới thiệu đối tác nước ngoài, GS.Hoàng Đạo Kính cho rằng: “Quan điểm thuần túy là chọn đối tác rẻ không phải tối ưu. Bởi vì tỉ trọng về khảo sát quy hoạch chiếm rất nhỏ so với tỉ trọng đầu tư toàn cục cho công trình. Vì thế, nên chọn đối tác khảo sát, tư vấn, quy hoạch, thiết kế phải là đơn vị có thương hiệu, được công nhận, có giải pháp, ý tưởng tiên tiến và đã thực hiện trong thực tế. Chúng ta chọn đối tác nước ngoài trả tiền đắt phải mua được ý tưởng đắt. Nếu lại chọn các đối tác cũng giống chúng ta, na ná chúng ta thì dùng chính lực lượng trong nước còn hơn”.
GS. Kính cũng chỉ rõ: "Cái đắt về khảo sát tư vấn, thiết kế, quy hoạch bao giờ cũng rẻ hơn rất nhiều so với cái rẻ trong việc đó. Bởi rẻ trong việc tư vấn, quy hoạch dễ dẫn đến tai hại sau này rất nhiều. Tư tưởng, ý tưởng mà rẻ sẽ phải trả giá đắt sau này khi triển khai thực tế. Quan điểm của tôi là phải nhắm vào các hãng, công ty, đối tác có thương hiệu, kinh nghiệm, tiên tiến. Việc này là làm cho muôn đời. Đặc biệt là làm cho một dòng sông có điều kiện thủy văn, thổ nhưỡng cực kỳ phức tạp”.
Đỗ Thơm