Giao thông chạy theo quy hoạch xây dựng
Đó là nhận xét của ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT khi nhắc đến quy hoạch ở Hà Nội hiện nay trong cuộc trao đổi với PV báo Người Đưa Tin xung quanh câu chuyện quy hoạch “băm nát” Thủ đô.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT chia sẻ: Theo quy hoạch chung đã được phê duyệt, hiện nay, lưu lượng giao thông dự báo ở Thủ đô chỉ đáp ứng đúng quy hoạch này.
“Tuy nhiên, khi quy hoạch chung được phê duyệt thì một số điều chỉnh cục bộ, một số quy hoạch đô thị dẫn đến mật độ chung cư ở các đường xuyên tâm bị điều chỉnh sai về phân bố dân cư, khiến giao thông khó để đáp ứng nổi, đây là vấn đề lo ngại lớn”, ông Mười nhấn mạnh.
Cũng theo ông Mười, thực ra, trong quy hoạch trước đây và quy hoạch chung khi quỹ đất của cơ quan, tổ chức nhà nước di chuyển ra, đáng lẽ để trồng cây xanh, công viên, bãi đỗ xe thì nay lại bị thay đổi biến tấu thành nhà chung cư.
“Ví dụ, như trục đường Lê Văn Lương kéo dài có biết bao nhiêu nhà cao tầng mọc san sát ra cả vỉa hè như thế thì giao thông sao không áp lực, làm sao chịu nổi”, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT chia sẻ.
Ông Lê Đỗ Mười cũng nhấn mạnh: “Hiện nay, ở Hà Nội giao thông đang phải chạy theo quy hoạch xây dựng”.
Theo ông Mười, ở Hà Nội khu vực từ vành đai 3 đổ vào, chỗ đất nào trống đều mọc chung cư, nhà cao tầng và quy hoạch chung đã bị thay đổi khiến giao thông phải căng mình đáp ứng.
Cùng nhận định trên, PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, hiện nay, quy hoạch TP. Hà Nội đang rất có vấn đề khi hầu như các tuyến đường đã mọc lên những khu nhà, chung cư cao tầng san sát trong khi đó những con đường còn rất nhỏ.
Kể ra những bất cập trong quy hoạch TP hiện nay, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng cho rằng, nói quy hoạch dễ nhưng thực hiện là cả một vấn đề khi bài toán về vốn, về kinh phí, đặc biệt là tâm lý người dân.
“Tôi ví dụ nói di dời bệnh viện nhưng đã di dời được là bao, chủ yếu là xây thêm, hơn nữa nếu di dời thì vốn đâu? Nhu cầu người dân ai cũng muốn gần trung tâm, mong mỏi con cái được học ở nơi điểm, nơi tốt nhất vì thế không lạ gì khi có nơi thưa nơi vẫn đông đúc”, PGS Nguyễn Văn Hùng nêu.
Chỉ ra bất cập, PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, ở Hà Nội hiện nay còn tồn tại tình trạng biến đất vàng mà quên giá trị hiệu quả để thành đô thị thông minh, vì cái nhìn trước mắt mà không tính lâu dài.
“Nhiều nơi từng nói giải tỏa ra để giải quyết tắc đường, như di chuyển nhà máy, công trường, trường học chuyển ra ngoài, tiền đâu để chuyển, người ta đầu tư cơ sở vật chất cả ngàn tỷ sao dễ được. Hoặc như nhiều nơi bảo xây trung tâm thương mại. Bản thân quy hoạch ngày xưa không phải chưa tốt mà là quy hoạch bị phá vỡ. Ví dụ như đường Lê Văn Lương, vành đai 2 trong khi đường chỉ 2, 3 làn mà 2 bên lại toàn những chung cư, cao ốc mọc lên san sát”.
Giải pháp nào cho Hà Nội?
Đề cập đến giải pháp hiện nay cho TP, ông Lê Đỗ Mười cho rằng, cần khắc phục ngay những bấp cập và tuyệt đối tuân thủ quy hoạch chung.
“Người ta cứ đổ lỗi do giao thông nhưng mấu chốt là quy hoạch. Phải tuân thủ tuyệt đối quản chế lại quy hoạch, không cho phát sinh quy hoạch thêm”, ông Mười nói.
TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, cần thay đổi đầu tiên từ chính những người làm quy hoạch ở Thủ đô. Đặc biệt, Hà Nội cần công khai, minh bạch các quy hoạch để người dân cũng như các cơ quan chức năng giám sát.
Bên cạnh đó, TS. Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cần mạnh mẽ hành động, vào cuộc để xử lý những tồn tại này.
Nhất Nam