Tôi được biết, trong tháng 11 này, các cấp bộ Đảng sẽ có nhiệm vụ giới thiệu lớp cán bộ chiến lược để quy hoạch nguồn cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Đây có thể được xem như một nhiệm vụ vô cùng quan trọng cần làm khẩn trương.
Để nhận diện “người cơ hội chính trị, lươn lẹo” trong bộ máy Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đề cập, tôi nghĩ quả thật rất khó, không hề dễ chút nào. Nhiều lúc chỉ là hiện tượng kiểu như có một số người luôn muốn tròn vo trong công việc, chỉ thu mình trong vỏ ốc, không muốn đổi mới mạo hiểm, không muốn bày tỏ chính kiến và né tránh đấu tranh, tìm chân lý, né tránh tìm tòi cách làm mới vì tâm lý sợ sai sẽ dễ “mất điểm” khi vào thời điểm tổ chức đánh giá, quy hoạch cán bộ.
Tóm lại, đây là “type” người chỉ muốn sắm “tròn vai”, muốn “an toàn” để còn có thể thăng tiến, không để ai biết mình đang nghĩ gì trong đầu, về tư tưởng có những quan điểm trái chiều mang tính chính kiến riêng (dù chưa phải là bất đồng chính kiến đến mức đánh mất bản lĩnh chính trị). Làm vậy, họ sẽ không sợ mất lòng bất kỳ ai, kể cả trên lẫn dưới. Rồi thì khi họ “ có vấn đề” về ý thức hệ, vì khéo che đậy nên cũng không ai biết.
Với những người như thế, tuy chưa phải diện bất đồng chính kiến thì cũng rất nên cẩn trọng khi lựa chọn họ đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Có những cán bộ lãnh đạo mà tôi biết, khi đương chức, có cạy răng họ cũng không bộc lộ tư tưởng trái chiều với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Nhưng khi nghỉ hưu rồi thì nói bạt mạng, quên cả việc mình đang còn là một Đảng viên trong một tổ chức. Họ nói mà cứ như người lâu nay bị kìm nén nên có những ẩn ức chất chứa trong người, bây giờ mới có thời cơ bộc phát ra.
Theo tôi, những người như thế đâu có đáng lưu tâm. Chỉ những ai dám bày tỏ chính kiến của mình khi họ còn đương chức (nếu họ dám nói và nói đúng nơi cần nghe) mới đáng trân trọng. Tất nhiên, cần hiểu loại “chính kiến” này không phải là thứ “bất đồng chính kiến” mà chúng ta từng đề cập, phê phán...
Nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh niên và cũng là thủ trưởng của tôi gần 20 năm, vừa rồi anh có gọi cho tôi, bảo tôi ghé Facebook của anh mà đọc khi anh đề cập đến những chính khách mà anh rất nể trọng. Theo anh, đây là những người luôn có chính kiến, dù bản lĩnh chính trị, sự trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam của họ thì đương nhiên cũng miễn bàn.
Kể về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhà báo Nguyễn Công Khế viết: “Ông Võ Văn Kiệt, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh lúc đó, người có cái nhìn nhân văn của một con người luôn muốn mọi sự thay đổi phải có lợi cho Dân cho Nước, không bao giờ ông bị bó buộc trong những mớ giáo điều xa thực tế, làm khổ dân. Ông từng nói, đối với người dân thành phố Hồ Chí Minh, ta đừng quản lý theo cách của chúng ta, mà cứ để cho họ làm thì GDP của thành phố này sẽ tăng đến 2 con số “mập” dễ dàng.
Trong một cuộc họp với giới trí thức Sài Gòn sau 1975, giáo sư Nguyễn Trọng Văn, một người trong chiến tranh vốn là trí thức yêu nước, dám dấn thân, đã phản bác một ý kiến của ông Kiệt, khi nghe ông Kiệt nói: “Các anh, chị không nên đi vượt biên bằng thuyền, nguy hiểm lắm! Các anh, chị nên ở lại vài ba năm nữa, xem chúng tôi làm ăn ra sao, được - không như thế nào, khi đó, nếu không xong thì hãy đi”.
Giáo sư Nguyễn Trọng Văn bật dậy, nói khẳng khái: “Nếu lúc đó mà không ra gì thì người ra đi không phải là chúng tôi, mà là các anh!”.
Câu nói như tát vào mặt người có quyền lực như ông Kiệt. Nhưng khi vào họp với Thường vụ Thành ủy, ông Kiệt ôn tồn giải thích với các đồng chí mình: “Mới nghe nói thì mình cũng giận, nhưng suy nghĩ kỹ lại, anh em người ta nói đúng. Nếu như tới lúc nào đó, ta không làm được những gì ta hứa, có lẽ người ra đi không phải là họ mà là chúng ta. Đúng quá còn gì nữa”.
Trong Thường vụ Thành ủy lúc đó có người đã không chịu nổi sự “tát nước vào mặt” ấy , đã có ý kiến cực đoan tới mức đòi bắt giáo sư Trọng Văn...”.
Từ câu chuyện kể trên, tôi cho rằng, lãnh đạo tôn trọng ý kiến cá nhân người khác, dù có thể hơi khó nghe, là rất cần thiết. Tìm người lãnh đạo nằm trong diện quy hoạch chiến lược của Đảng trong nhiệm kỳ tới(2021-2026) , theo tôi vì thế cũng cần lưu ý những hiện tượng nói trên. Một đất nước muốn phát triển và có thể có những bước đi táo bạo, thần tốc, tôi nghĩ phải tìm cho được những con người ngoài yêu cầu tối thượng là trung thành, có bản lĩnh chính trị vững vàng thì cũng cần có tư tưởng Đổi mới, không ngại va chạm, có chính kiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân dù có thể có cái sai nhất định khi làm (dĩ nhiên là nếu cái sai đó không lớn, không nguy hại và hoàn toàn không phải dạng người suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống).
Ở một góc nhìn của riêng mình, tôi nghĩ “những người cơ hội chính trị, lươn lẹo”... còn đáng sợ và nguy hiểm cho chế độ hơn cả những người có tư duy độc lập, khác lạ, mới mẻ, dám nói, dám bày tỏ dù có thể cũng “ nghịch nhĩ” với người nghe đôi chút.
Họ có thể phản biện cùng chúng ta để mong tìm ra chân lý. Cũng có thể là họ đúng nhưng chưa phù hợp trong giai đoạn lịch sử hiện nay, hoặc có đúng chút ít, hoặc không hề đúng.
Trách nhiệm của chúng ta là làm sao chỉ ra được để họ thấy, họ chia sẻ, cảm thông và thay đổi nhận thức nếu họ chưa thật đúng. Mà nhận thức thì lại là cả một quá trình, dễ gì đổi thay ngay.
Nói ở một khía cạnh khác mà theo cảm nghĩ của tôi, có lẽ cũng cần đề cập, đó là khát vọng phấn đấu ở người cán bộ trong diện quy hoạch chiến lược. Thứ khát vọng mà tôi muốn nêu hoàn toàn không phải là thứ khát vọng quyền lực cần cảnh giác loại khỏi bộ máy chính trị.
Khát vọng ở đây là khát vọng được làm việc, khát vọng được dấn thân, bất chấp khó khăn, hiểm nguy (nhiều khi chỉ là sự biết trước có thể sai vì không thành công nhưng hy vọng mở ra một hướng đi tích cực sau đó). Để cống hiến cho đất nước thì khát vọng đó là thứ phẩm chất vô cùng cần thiết ở người lãnh đạo.
Nếu không có khát vọng ấy thì không thể làm được bất cứ việc gì lớn cho đất nước, cho dân tộc khi mà nguy cơ tụt hậu vì sự bảo thủ luôn rình rập với bất cứ quốc gia nào.
Theo Quyết định số 147-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị, ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm 6 vị trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư tham gia, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Bên cạnh đó còn có tổ công tác, tham mưu giúp việc cho ban Chỉ đạo là một cách làm chặt chẽ, nghiêm cẩn và khoa học. Vì thế, tôi nghĩ lần này chúng ta sẽ làm tốt hơn lâu nay khi trong thực tế, Đảng ta đã và đang làm được rất nhiều việc đáp ứng được lòng tin của nhân dân.
Việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhằm chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, làm cơ sở cho công tác nhân sự tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới sẽ được triển khai trong tháng 11 này để sau đó trình ra Hội nghị ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9. Như vậy là đủ hiểu thời gian cũng khá gấp. Song, không vì thế mà có cách làm vội vàng. Kinh nghiệm của nhiều khoá Đại hội trước sẽ là những bài học bổ ích để lần này Đảng có thể làm tốt hơn, bài bản hơn, lớp lang hơn... bởi đây là nhiệm vụ chiến lược mang tính sống còn của Đảng, một tổ chức chính trị có sứ mệnh lãnh đạo đất nước và phụng sự đất nước.
Quốc Phong
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả