Thảo luận tại hội trường sáng 21/11, Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Quy hoạch. Nhiều đại biểu nhất trí, việc ban hành Luật Quy hoạch là rất cần thiết nhằm bảo đảm tính pháp lý cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bám sát nhu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước và là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, một số ý kiến nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng dự án Luật này cần đáp ứng yêu cầu: tạo sự thống nhất của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động quy hoạch đang thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
ĐB Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về sự cần thiết ban hành luật này. ĐB Thắng cho rằng: "Do chưa có quy hoạch đúng nghĩa nên dẫn đến tình trạng quy hoạch “trăm hoa đua nở” như thời gian qua".
ĐB Thắng đưa quan điểm về vấn đề dự báo trong quy hoạch: “Để thực hiện quy hoạch cần lập kế hoạch. Tuy nhiên, dự thảo luật không quy định về vấn đề dự báo trong kế hoạch thực hiện. Trong quá trình thực hiện cần phải có hoạt động dự báo hàng năm. Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm dự báo nhu cầu hàng năm, trả lời chất vấn về vấn đề này mới đây trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, Bộ có dự báo nhu cầu đào tạo hàng năm nhưng chưa được thực hiện tốt”.
Về phản biện trong lập quy hoạch, ĐB Thắng cho rằng: “Mọi quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên đều phải có hội đồng thẩm định, cơ quan lập quy hoạch hoàn chỉnh quy hoạch, trên cơ sở kết luận của hội đồng thẩm định rồi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Cả cơ quan lập quy hoạch và cơ quan thường trực của hội đồng thẩm định đều phải lấy ý kiến hoặc tham vấn ý kiến của nhiều đối tượng khác nhau. Tôi nhấn mạnh đến ý kiến tham luận, phản biện phải độc lập và tham vấn ý kiến của nhiều thành phần khác nhau, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật”.
Đồng quan điểm, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) thống nhất quan điểm mục tiêu xây dựng Luật Quy hoạch đã được nêu trong tờ trình của Chính phủ. “Tổ chức quy hoạch có sự chồng chéo, chưa thống nhất cơ sở hạ tầng nên dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Quá trình quy hoạch hạ tầng có hiện tượng xây rồi lại phá dẫn đến lãng phí. Tôi đề nghị quy định lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư có liên quan trong quy hoạch".
ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) khẳng định sự phát triển của đất nước có một phần đóng góp không nhỏ của quy hoạch đi trước. Tuy nhiên, tình trạng quy hoạch lập quá nhiều, chất lượng hạn chế là một trong những điều cần khắc phục. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo gây khó khăn cho quy hoạch...
Liên quan đến việc phê duyệt quy hoạch, ĐB Hằng đưa quan điểm: “Cần phân tích, làm rõ những vấn đề mang tầm quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia… có tính chất vô cùng quan trọng đến kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định để phù hợp tinh thần Hiến pháp về thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định chỉ tiêu, mục tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội và vấn đề quan trọng của đất nước”.
ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đưa ý kiến: “Thống nhất quy hoạch được làm từ trên xuống dưới, tạo điều kiện cho quy hoạch và phát huy hệ thống chính sách để phát triển đất nước. Một số quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn xa hơn, tránh lãng phí, phí hủy không gian, có thể ảnh hưởng đến các giai đoạn sau”.
Nhiều ĐB cũng đưa ý kiến cho rằng, cần tính toán đến tác hại biến đổi khí hậu khi xây dựng quy hoạch.
Thu Dương - Đỗ Thơm