Phát biểu tham luận tại Hội thảo góp ý dự thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại (Luật TTTM) do Hội Luật gia Việt Nam, Tạp chí Đời sống và Pháp luật tổ chức ngày 29/11, ông Huỳnh Đăng Hiếu - Phó Trưởng phòng Ban Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng sự phát triển hoạt động tố tụng trọng tài trong giai đoạn tiếp theo phải gắn liền với dự báo phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và bắt kịp với xu hướng phát triển của hoạt động trọng tài quốc tế.
Do đó, sự thành lập và phát triển của các tổ chức trọng tài cũng phải được quy hoạch và quản lý một cách hiệu quả, tránh tình trạng chất lượng không đi đôi với số lượng, gây ảnh hưởng đến uy tín của hoạt động tố tụng trọng tài nói chung.
Để làm được điều này, các cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan quản lý cần có quy hoạch và định hướng đối với việc hoạt động của các trung tâm trọng tài. Việc quản lý các tổ chức trọng tài có thể tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia có nền trọng tài phát triển như Anh, Hồng Kông, Singapore,…
Về nội dung cụ thể của Luật TTTM, đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản tại Việt Nam, đại diện VIAC nhấn mạnh quan điểm “không phải nhằm phân biệt thẩm quyền giữa Tòa án và Trọng tài ở trong nước”.
Do đó, để khắc phục sự giải thích, áp dụng khác nhau như trong thực tế thời gian qua, tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật trong tương lai, ông Huỳnh Đăng Hiếu đề xuất cách hiểu đó cần được luật hóa và có giá trị áp dụng rõ ràng.
Ở khía cạnh nội dung phán quyết trọng tài, đại diện VIAC cho rằng việc công khai thông tin địa chỉ của trọng tài viên vào phán quyết trọng tài là không cần thiết, thậm chí có thể tạo điều kiện cho các Bên gây ảnh hưởng đến sự vô tư, độc lập, khách quan của Trọng tài viên.
Do đó, chuyên gia này đề xuất bỏ nội dung về địa chỉ của trọng tài viên trong phán quyết trọng tài để phù hợp hơn với thực tiễn và tiệm cận với pháp luật trọng tài quốc tế.
Ngoài ra, theo Hiếu, hiện nay Luật Trọng tài thương mại chỉ quy định về việc phán quyết trọng tài được biểu quyết theo đa số, trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài; nhưng không đề cập đến trường hợp Trọng tài viên bảo lưu quan điểm.
“Ý kiến bảo lưu của Trọng tài viên có nên được ghi vào phán quyết hay không? Và trong trường hợp ý kiến bảo lưu của Trọng tài viên được ghi vào phán quyết thì việc này có vi phạm thủ tục tố tụng hay không, do vấn đề này không được quy định trong nội dung phán quyết?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, nguyên tắc biểu quyết theo đa số cũng được áp dụng ở quy trình tố tụng của Tòa án, tuy nhiên việc bảo lưu ý kiến của các thành viên trong Hội đồng xét xử cũng không được nêu trong bản án. Trên thực tế, nhiều Trọng tài viên bảo lưu ý kiến và đề nghị ý kiến bảo lưu phải được ghi nhận vào phán quyết, sau đó lại có Trọng tài viên phản bác ý kiến bảo lưu ngay bên dưới, dẫn đến việc Hội đồng Trọng tài tranh luận ngay tại Phán quyết Trọng tài.
Do đó, đại diện VIAC vấn đề này cần phải được nghiên cứu sâu hơn để tạo sự thống nhất trong hoạt động tố tụng, đặc biệt là đối với phán quyết trọng tài - kết quả quan trọng nhất của cả quá trình tố tụng.
Về việc xem xét lại quyết định của Tòa án về việc hủy Phán quyết Trọng tài, ông Huỳnh Đăng Hiếu cần có một cơ chế để xem xét lại quyết định về việc hủy/không hủy phán quyết trọng tài của Tòa án, hạn chế trường hợp quyết định hủy thiếu căn cứ pháp lý, gây tranh cãi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của các bên trong tranh chấp. Cùng với vấn đề xem xét lại quyết định của Tòa án, vấn đề tạm hoãn thi hành đối với quyết định này cũng cần được đặt ra.
Đối với hoạt động thi hành án, ông Hiếu cho rằng hiện nay còn tồn tại một số vướng mắc hiện nay trong việc thi hành phán quyết trọng tài, dẫn đến việc không thể thi hành, tồn đọng, tạo bức xúc của xã hội lên cơ quan thi hành án dân sự. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc quyết định của Hội đồng Trọng tài tuyên có nội dung chưa rõ ràng.
Liên quan tới việc giải thích phán quyết trọng tài, đại diện VIAC đặt vấn đề trường hợp Hội đồng Trọng tài có thành viên không còn là Trọng tài viên hoặc đã chết; Trung tâm trọng tài đã chấm dứt, giải thể thì việc giải thích Phán quyết trọng tài sẽ do ai thực hiện?
“Bộ luật Tố tụng Dân sự đã có quy định trong cơ chế giải thích bản án của Tòa án như sau: “Thẩm phán đã ra quyết định hoặc Thẩm phán là chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp họ không còn là Thẩm phán của Tòa án thì Chánh án Tòa án đó có trách nhiệm giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án”.
Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn đang bị bỏ ngỏ trong Luật Trọng tài thương mại, đồng thời cũng không thể áp dụng tương tự như Bộ luật Tố tụng Dân sự do cơ chế tổ chức của tòa án và trọng tài là khác nhau. Do đó, chúng tôi đề xuất bổ sung vấn đề này vào Dự thảo để có cơ sở thảo luận và tìm ra giải pháp hoàn thiện Luật Trọng tài thương mại trong tương lai”, ông Huỳnh Đăng Hiếu nói.