Với mục tiêu phát triển thủy sản từ nay đến năm 2030 thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc. Chiều ngày 14/4, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã tham dự hội nghị báo cáo về công tác quy hoạch cảng cá, khu neo đậu của Tổng cục Thủy sản.
4 mục tiêu thủy sản Việt Nam phấn đấu đạt đến trong năm 2030
Tại Hội nghị, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản và đại diện liên danh tư vấn quy hoạch, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam – Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình thủy, đã báo cáo lãnh đạo Bộ NN-PTNT về tiến độ quy hoạch hệ thống cảng cả, khu neo đậu tránh trú bão giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch được Tổng cục Thủy sản xây dựng, đến năm 2030, toàn ngành phấn đầu đạt 4 mục tiêu chính, đó là, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt từ 3 đến 4,0%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước xấp xỉ 9,8 triệu tấn, tương đương với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14-14 tỷ USD. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 7,0 triệu tấn còn lại là sản lượng khai thác thủy sản, 2,8 triệu tấn. Số lượng lao động toàn ngành trên 3,5 triệu lao động, tập trung vào mục tiêu tăng thu nhập bình quân cho người lao động tương đương với cả nước. Xây dựng hệ thống các làng cá ven biển - đảo, gắn với xây dựng nông thôn mới, thành các cộng đồng dân cư văn minh có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, đậm đà bản sắc. Đóng góp vào mục tiêu chung, đưa thủy sản là ngành có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, hiện đại đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, đủ khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, góp phần đóng góp vào công cuộc bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.
Đến năm 2045, sẽ hoàn thiện cơ cấu, quy hoạch ngành, thành công áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Thương mại hóa thủy sản thành ngành kinh tế hiện đại, phát triển bền vững theo xu thế toàn cầu. Từ đó, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến thủy sản, nằm trong top 3 của khu vực và thế giới.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, muốn đạt được những mục tiêu đã đề ra, việc triển khai quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền là vô cùng quan trọng.
Đây là những công trình thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng thủy sản, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững ngành thủy sản, đặc biệt là lĩnh vực khai thác thủy sản, góp phần quan trọng để Việt Nam gỡ Thẻ vàng của EC trong khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).
“Đó không chỉ là nơi tàu thuyền đánh bắt và dịch vụ hậu cần của ngư dân neo đậu, bốc dỡ hàng hóa và cung cấp nhu yếu phẩm cho tàu thuyền khai thác hải sản, tránh trú bão… mà còn có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế biển, có đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, là tiền đề quan trọng trong việc chống hoạt động khai thác bất hợp pháp”, ông Luân nhấn mạnh.
Thực trạng hạ tầng cảng cá, khu neo đậu hiện nay của Việt Nam
Theo ông Nguyễn Văn Bộ - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng công trình thủy (đại diện Liên danh tư vấn), hiện nay Việt Nam đã chính thức công bố mở 3 cảng cá loại I, 54 cảng loại II và 11 cảng loại III, còn lại 3 tỉnh thành không có hoặc chưa được mở, xây dựng là Quảng Ninh, Ninh Bình và Tp.HCM.
Năm 2021, tại quyết định số 1404/QĐ-BNN-TCTS, Bộ NN-PTNT đã công bố 71 khu neo đậu với tổng sức chứa là 47.882 tàu. Tuy nhiên, hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão của Việt Nam hiện nay còn nhiều tồn tại cần sớm khắc phục.
“Gần như 100% các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão hiện nay không đáp ứng được tiêu chuẩn thiết kế, quy hoạch tại quyết định1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ”, ông Bộ chia sẻ.
Công tác đầu tư, xây dựng cảng cá trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến số lượng công trình xây mới, nâng cấp còn hạn chế so với quy hoạch chung. Công tác duy tu , bảo dưỡng cũng không được thực hiện thường xuyên dẫn đến thực trạng, một số cảng cá có luồng lạch bị bồi lắng, lòng cảng cạn khiến quá trình hoạt động của tàu thuyển gặp nhiều khó khăn, rủi ro.
Bên cạnh đó, mô hình tổ chức, năng lực và trình độ cán bộ của bộ máy quản lý tại nhiều nơi vẫn còn rất thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn.
“Đây là tồn tại chính dẫn đến việc điều hành, vận hành cảng hiện nay còn nhiều bất cập, chưa phù hợp và phân bổ đồng đều”, ông Bộ nhấn mạnh.
Nhận định về nguyên nhân, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng công trình thủy cho biết, quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa theo kịp sự phát triển của số lượng đội tàu khai thác hải sản, việc dự báo thiên tai trên biển và tình hình biến đổi khí hậu chưa đạt hiệu quả cao. Nguồn vốn đầu tư thấp khiến công tác duy tu bảo dưỡng không được thực hiện thường xuyên, dẫn đến công trình nhanh xuống cấp, luồng lạch bị bồi lắng.
Một nguyên nhân nữa là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ cho công tác thiết kế, xây dựng, khai thác, bảo trì các công trình cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa được hoàn thiện, khiến nhiều nơi lúng túng trong việc áp dụng.
Từ những tồn tại vừa nêu, căn cứ vào thực trạng và công tác khảo sát thực tế, trong đề án quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão của Việt Nam, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng cục Thủy sản đệ trình 6 giải pháp thực hiện xin ý kiến chỉ đạo của Bộ NN-PTNT để hoàn thiện.
Quy hoạch cũng là một sản phẩm tiếp thị để phát triển
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao cố gắng của Tổng cục thủy sản trong nỗ lực xây dựng đề án quy hoạch nhưng ông đề nghị, cần tập trung vào các công tác trọng tâm hơn nữa. Đưa vào đó những tư duy quản trị thực tế, theo sát diễn biến của tình hình chung.
Bộ trưởng chỉ đạo, khi xây dựng tầm nhìn trong tương lai cho một đề án, cần phải đưa vào đó tính sáng tạo và óc tưởng tượng phong phú để hình dung lên một mô hình phát triển tổng thể, đi từ tổ chức sản xuất đến mô hình trực tiếp.
Để hoàn thiện hơn nữa, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Thủy sản tổ chức hội thảo, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia hoạch định và phát triển kinh tế, tham khảo thêm các mô hình trên thế giới, từ đó xây dựng hạ tầng nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão trở thành một hệ thống có tính liên kết chặt chẽ, tích hợp nhiều thông tin từ bản đồ ngư trường, sản lượng khai thác từng vùng… trở thành một nguồn dữ liệu quốc gia nói chung và của ngành Thủy sản nói riêng. Bộ trưởng yêu cầu, quy hoạch phát triển hệ thống cảng cá phải gắn liền với công tác bảo vệ và làm sạch môi trường.
“Vẫn còn có tư duy, coi quy hoạch, tổ chức một ngành theo hình thái “hộp đựng”. Tức là chỉ quan tâm đến tổng thể, vẻ bề ngoài chứ chưa đặt trọng tâm vào chi tiết vận hành, các tồn tại bên trong. Phải thay đổi và chấm dứt ngay tư duy này, đưa vào đó một mô hình thực sự hiệu quả”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cho rằng, trong thời đại hiện nay, mọi quy hoạch phải tính đến phương án huy động nguồn lực, thu hút đầu tư xã hội. Kết hợp nguồn lực Nhà nước với tư nhân, đa hình thái đầu tư, quy hoạch tương lai gắn liền với thực tiễn hoạt động và tiến trình phát triển của nền kinh tế.
Đừng xem quy hoạch là công cụ duy nhất để phát triển hạ tầng, đó cũng là một sản phẩm tiếp thị để phát triển. Quan trọng nhất là quy hoạch phải có tính thực tiễn chứ không chỉ tồn tại trên giấy”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra một khái niệm vô cùng mới mẻ.