Ngày 12/8, đoàn công tác Bộ NN&PTNT đã làm việc tại tỉnh Khánh Hòa về một số vấn đề. Trong đó có nội dung liên quan đến việc san hô chết trong vịnh Nha Trang.
Nhìn thẳng sự thật san hô chết để có giải pháp bảo tồn
Trong sáng cùng ngày, đoàn công tác do ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT dẫn đầu đã làm việc với Ban quản lý Vịnh Nha Trang về công tác thành lập, quản lý khu bảo tồn vịnh Nha Trang. Sau đó, đoàn đi khảo sát vịnh Nha Trang kiểm tra san hô chết ở khu vực Hòn Mun và kiểm tra rạn san hô đang phục hồi ở khu vực Hòn Chồng (Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Trao đổi với đoàn trong buổi làm việc, ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban quản lý Vịnh Nha Trang cho biết Ban quản lý Vịnh Nha Trang gồm có đội vệ sinh môi trường, phòng bảo tồn, đội cứu hộ, đội tuần tra bảo vệ và một số ngành có liên quan trên vịnh Nha Trang.
Đơn vị có chức năng giúp việc cho UBND Tp.Nha Trang trong việc quản lý, khai thác các giá trị trên vịnh cũng như bảo vệ, bảo tồn danh lam thắng cảnh, vẻ đẹp sinh học. Đồng thời, làm đầu mối cho các cơ quan chức năng để tổng hợp các công tác liên quan đến vịnh Nha Trang.
Ông Thái cho biết Ban quản lý vịnh Nha Trang là đơn vị sự nghiệp, tự thu tự chi. Nguồn thu chính là thu phí danh lam thắng cảnh (phí lặn tại khu vực bảo tồn biển là 60.000 đồng/người, phí tham quan đảo khu vực Hòn Mun trong khu bảo tồn là 20.000 đồng/người) và thu giá dịch vụ qua bến tàu du lịch Nha Trang (3.000 đồng/người).
Trong công tác bảo tồn biển, theo ông Thái, trong thời gian qua Ban quản lý đã phát huy hết thế mạnh của mình. Trong đó, đặc biệt thực hiện xã hội hóa cùng với các doanh nghiệp và người dân để bảo vệ, bảo tồn các khu vực.
Đối với vấn đề san hô trong vịnh Nha Trang chết, ông Thái cho biết có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính được đánh giá là do các tác động thiên nhiên của 2 cơn bão (cơn bão số 12 năm 2017 và cơn bão số 9 năm 2021) đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc suy giảm rạn san hô khu vực ven bờ. Khu vực ven bờ có những rạn san hô cách mực nước chỉ khoảng 0,5-1m nên khi sóng đánh thì tất cả các rạn san hô bay hết lên bờ.
Bên cạnh đó, cũng có một số tác nhân khác gây ảnh hưởng đến rạn san hô trong vịnh. Theo đánh giá của các nhà khoa học và UBND tỉnh Khánh Hòa thì có những yếu tố do con người.
“Ban quản lý vịnh Nha Trang đang quản lý diện tích 249,6km2 trong vịnh, chỉ có một phương tiện tuần tra với quân số là 13 người thì rất khó để bảo vệ hết toàn bộ khu vực, mà chúng tôi chỉ tập trung vào khu vực biển Hòn Mun. Chúng tôi đã thành lập đội tuần tra 24/24 giờ và kết hợp với lực lượng biên phòng để tổ chức hoạt động. Tuy nhiên, cũng không thể tránh được các tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép”, ông Thái cho biết.
Còn đối với công tác bảo tồn, ông Thái cho rằng không chỉ giữ các rạn san hô mà theo chỉ đạo của tỉnh Khánh Hòa và Tp.Nha Trang, Ban quản lý cũng đã quyết liệt thực hiện từ gốc. Trong đó có việc phục hồi các khu vực rừng ngập mặn. Riêng tại khu vực Đầm Bấy đã phục hồi được 8ha rừng ngập mặn. Về công tác vệ sinh môi trường, vấn đề xử lý rác cũng được triển khai các giải pháp cụ thể.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những hạn chế nên Ban quản lý đã xây dựng các giải pháp ngắn hạn, dài hạn theo chỉ đạo của tỉnh và thành phố. Trong đó, có việc khảo sát, đánh giá và thực hiện việc phân vùng chức năng tại các khu vực biển. Chỉ khi có phân vùng chức năng thì mới có những quy chế quản lý phù hợp.
Cũng theo ông Thái, hiện nay trong vịnh Nha Trang đã khôi phục được một rạn san hô khoảng 10ha ở khu vực Hòn Chồng. Đây là tín hiệu rất mừng với công tác bảo tồn và sắp tới sẽ có phân vùng bảo vệ khu vực này. Hiện nay, 6/7 khu vực lặn biển ở đảo Hòn Mun đã đóng cửa hoạt động lặn và ngắm san hô.
Ban quản lý cũng đã đề xuất với tỉnh và thành phố phải triển khai thêm việc xử lý các hành vi vi phạm trong vùng mặt nước của Tp.Nha Trang. Việc này phải gắn trách nhiệm của các sở, ngành cụ thể vào cùng thực hiện vì chỉ nếu một mình Ban quản lý Vịnh Nha Trang thì không đủ lực để thực hiện.
Trong quá trình thị sát vịnh Nha Trang, đoàn đã đến khu vực Hòn Mun, nơi có nhiều rạn san hô bị chết trắng. Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến về nguyên nhân san hô bị tẩy trắng và thời gian để phục hồi lại, ông Đàm Hải Vân, Phó Trưởng Ban quản lý Vịnh Nha Trang cho biết san hô bị tẩy trắng có 2 nguyên nhân. Một là do biến đổi khí hậu, hai là do sao biển gai gây nên. Trong đó có một số bị tẩy trắng tạm thời, sau một thời gian sẽ phục hồi lại (mất khoảng 6 tháng đến 1 năm). Còn san hô bị chết thì không thể phục hồi.
Nói về các chỉ tiêu của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến việc san hô chết, ông Vân cho biết nhiệt độ nước biển tăng cùng với bị ngọt hóa cũng ảnh hưởng đến việc này. Vịnh Nha Trang có 2 con sông gồm sông Cái và sông Quán Trường đổ ra biển. Vào những đợt mưa lũ nước ngọt đều đổ ra đây. Tuy nhiên, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi có dòng hải lưu chảy nên làm trung hòa nước ngọt nên san hô cũng đỡ bị thiệt hại.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, việc sản hô chết cần có nghiên cứu đánh giá cụ thể, chứ không thể đổ thừa hết do biến đổi khí hậu. “Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá vào sự thật, chứ không đổ thừa do bão, do biến đổi khí hậu. Tất cả dồn vào do biến đổi khí hậu, chúng ta không thấy cái nào chủ quan, khách quan thì làm sao khắc phục được”, Thứ trưởng nói.
Bàn giải pháp phục hồi san hô trong vịnh Nha Trang
Chiều cùng ngày, đoàn công tác tiếp tục làm việc với tỉnh Khánh Hòa về một số vấn đề, trong đó có nội dung liên quan đến việc bảo tồn và phục hồi các rạn san hô chết.
Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết tỉnh này có 385 km đường bờ biển và hơn 200 đảo lớn nhỏ, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Theo đánh giá nguồn lợi, vùng biển Khánh Hòa có tổng trữ lượng hải sản khoảng 150.000 tấn, cho phép khai thác ở mức 70.000-80.000 tấn/năm, trong đó chủ yếu là cá nổi.
Tại vùng biển Khánh Hòa, các nhà khoa học đã phát hiện được 350 loài san hô, chiếm 40% tổng số loài san hô trên thế giới; có gần 400 loài cá rạn san hô… Đến nay, toàn tỉnh có một khu Bảo tồn Hòn Mun đã được thành lập; 3 khu bảo tồn biển cấp gia được đưa vàokế hoạch như Nam Yết, Thuyền Chài, Song Tử…
Tại buổi làm việc, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản đánh giá tỉnh Khánh Hòa được thiên nhiên ưu đãi với đường bờ biển dài, các đảo có nhiều san hô và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, rất tiếc trong thời gian dài dù nỗ lực nhưng công tác bảo tồn chưa đạt kết quả tốt. Vì vậy, phải tìm hiểu, xác định được các nguyên nhân như hệ sinh thái môi trường bị ảnh hưởng bởi các dự án xây dựng trong vịnh Nha Trang; hoạt động du lịch, lặn biển; vấn đề về tài chính… đến công tác bảo tồn.
Theo ông Hùng, cần phải thực hiện tốt nhiệm vụ và quyền của Ban quản lý trong công tác bảo tồn cũng như phải thành lập các phân khu, điều chỉnh các phân khu để quản lý tốt.
“Về mặt tổ chức hành chính, cần có một ban quản lý riêng về bảo tồn để thực hiện tốt công tác này chứ chỉ có một phòng trong một ban, ban thuộc thành phố thì rất khó thực hiện. Đồng thời, cần phải bố trí lực lượng kiểm ngư cùng với Ban quản lý thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khu bảo tồn”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Bát, Viện trưởng Viện Hải sản, Bộ NN&PTNT đề xuất cần phải điều tra tổng thể tình trạng san hô trong vịnh Nha Trang và đánh giá nguyên nhân suy giảm để có phương án quản lý, bảo tồn, kế hoạch phục hồi. Từ kết quả điều tra, cần tiến hành quy hoạch, phân vùng bảo tồn và vận hành theo quy chế của khu bảo tồn biển.
Bên cạnh đó, tại tỉnh Khánh Hòa có Viện Hải dương, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga nên cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị này về nghiên cứu khoa học để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Còn PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho hay nếu để san hô tự phục hồi thì rất lâu, vì vậy cần phải dùng thêm các phương pháp khác như dùng giá thể, dịch chuyển rạn, làm rạn nhân tạo…
Theo ông Hồi, việc phục hồi san hô trong vịnh Nha Trang cần có sự chung tay, giúp sức của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp từ khắp mọi nơi chứ không riêng gì trong tỉnh Khánh Hòa.
Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp của đoàn công tác. Ông Thiệu cho hay cuối tháng 8, UBND tỉnh sẽ có báo cáo với Ban thường vụ Tỉnh ủy về kế hoạch tổng thể để khôi phục vịnh Nha Trang. Trong đó có nhiều đầu việc và tỉnh sẽ giao cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện ngay. Song song đó, tỉnh cũng thực hiện tìm hiểu, đánh giá nguyên nhân suy giảm của san hô trong vịnh Nha Trang để tìm cách khắc phục.
Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết công tác bảo tồn có vai trò rất quan trọng để phát triển ngành thủy sản một cách bền vững. Bởi vì có bảo tồn mới có trữ lượng, có trữ lượng thì khai thác mới bền vững được. Tuy nhiên, công tác bảo tồn chưa được quan tâm chú trọng. Về văn bản chỉ đạo đã tương đối đầy đủ, vấn đề ở đây là việc tổ chức thực hiện.
“Nếu chúng ta không phân định được các khu bảo tồn nghiêm ngặt, khu bảo vệ, khu hành chính phát triển thì chúng ta không thể nào bảo tồn và kiểm soát được. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức thực hiện phải có cấp quản lý phù hợp để đạt hiệu quả; bộ máy và đội ngũ phải đảm bảo cùng với trang thiết bị, công cụ hỗ trợ để tuần tra, canh gác các khu theo quy định. Đồng thời, đảm bảo nguồn kinh phí cho các hoạt động này”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng cần triển khai một cách đồng bộ việc phối hợp giữa lực lượng kiểm ngư, các lực lượng khác và khu bảo tồn trong công tác tuần tra, bảo vệ. Các sở ngành cũng cần thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ đối với công tác này. Các dự án xây dựng trong vịnh cũng phải tham gia vào để thực hiện bảo tồn bền vững...
Clip: Đoàn công tác Bộ NN&PTNT làm việc với tỉnh Khánh Hòa
Ngoài ra, đoàn công tác còn làm việc với tỉnh Khánh Hòa về các nội dung khác như công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản; tình hình đánh bắt thủy sản; việc thành lập và quy chế hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa; công tác chống khai thác bất hợp pháp (IUU)…
Châu Tường