Quy hoạch cửa khẩu đang tách rời
Sáng 6/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã rất công phu, khoa học khi xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Quy hoạch đề cập đến không gian biển cho các ngành lĩnh vực có nhu cầu sử dụng không gian biển. Tuy nhiên, lại không đề cập đến ngành công nghiệp điện (điện gió, điện nắng).
Theo ông Trí, thực tế ở Việt Nam có rất nhiều đảo có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp điện này. Vì thế, trong Quy hoạch cần chú trọng đến việc xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện ra sao, quy hoạch thế nào?
Đồng thời, có quy hoạch tổng thể để phát triển ngành thủy hải sản; quy hoạch không gian phát triển của các đảo, hải đảo không chỉ để phát triển kinh tế mà còn bảo đảm an ninh quốc phòng. Đồng thời, làm thế nào để hậu cần nghề cá phát triển tại các đảo để giúp ích cho phát triển lĩnh vực này.
Cùng với đó, theo đại biểu đoàn Hà Nội, việc quy hoạch biên giới quốc gia cũng như định hướng phát triển cửa khẩu biên giới có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, Quy hoạch cần hướng đến việc tạo điều kiện cho người dân sinh sống, làm việc gần biên giới càng tốt, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Điều quan trọng nhất là giúp người dân sống đoàn kết và cùng nhau bảo vệ chủ quyền biên giới hòa bình, an toàn. Để làm được điều đó, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan cần dành nhiều nguồn lực ưu tiên hơn nữa cả về đầu tư cơ sở hạ tầng đến cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển về mọi mặt cho người dân sinh sống tại các vùng biên.
Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Tạ Đình Thi cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm việc rất công phu, khoa học.
Tuy nhiên, theo đại biểu việc triển khai thực hiện Quy hoạch ra sao cho hiệu quả mới là vấn đề được người dân quan tâm. Đồng thời, Quy hoạch cần chú trọng đến việc phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, hướng đến phát triển “nền kinh tế số”, “nền kinh tế xanh”; định hướng phát triển không gian biển…
“Việt Nam là một quốc gia biển nhưng trong Quy hoạch chưa làm rõ những tiềm năng, thế mạnh cũng như chiến lược phát triển các ngành kinh tế biển của nước ta. Vì thế, cần phải bổ sung và làm rõ quan điểm này, trong đó nhấn mạnh đến bảo đảm an ninh kinh tế và môi trường biển”, đại biểu Tạ Đình Thi nói.
Cũng đánh giá cao các nội dung được đề cập trong Quy hoạch, song đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng đây là "quy hoạch quốc gia nhưng vẫn mang “hình hài” của một tỉnh, thành nào đó và chưa cụ thể hóa được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tầm quốc gia".
Cụ thể, các thành phần kinh tế “độc lập, tự chủ, tự cường” thì dựa vào đâu để phát triển, chủ thể tham gia ở đây là ai? Định hướng phân bổ các thành phần kinh tế và tham gia vào nền kinh tế quốc gia như thế nào?...Những vấn đề này chưa được đề cập trong Quy hoạch nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ.
Đại biểu cũng cho rằng, trong Quy hoạch cần làm rõ từng ngành kinh tế thì các sản phẩm cần phát triển cụ thể là gì, ngành nào là xương sống của nền kinh tế và chúng ta cần ưu tiên cho ngành nào, việc phân bổ nguồn lực ra sao để hình thành các vùng trọng điểm kinh tế.
Về vấn đề kinh tế biển, đại biểu Hoàng Văn Cường quan tâm đến việc phát triển ngành du lịch biển của Việt Nam, theo đó cần tạo sự khác biệt so với các quốc gia trong khu vực để thu hút khách du lịch. Cùng với đó, cần chú trọng quy hoạch các cảng – hải cảng ven biển để trở thành nơi thu hút phát triển kinh tế, du lịch.
Hoàng Bích - Thu Huyền