Ngày 22/2, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đến dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có các đồng chí là lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, lãnh đạo TPHCM, TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp lựa chọn phát triển hài hòa 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Quy hoạch tỉnh đã định hình không gian phát triển thông qua cấu trúc: 4 vùng kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế, 4 đô thị trung tâm. Đây được xem là cấu trúc phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực trung tâm và biên giới, giữa đô thị và nông thôn, lấy kinh tế nông nghiệp làm động lực để tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ.
Đồng Tháp là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước. Đất Sen hồng đứng thứ 3 cả nước về tổng sản lượng lúa của cả nước với 3,3 triệu tấn/năm, sau Kiên Giang 4,3 triệu tấn/năm, An Giang 4,1 triệu tấn/năm; đứng thứ 4 cả nước về xuất khẩu thủy sản với tổng kim ngạch khoảng 900 triệu USD, trong đó riêng cá tra đứng đầu cả nước về sản lượng xuất khẩu.
Đồng Tháp là trung tâm giao lưu kinh tế, trung tâm du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL và cả nước. Đây còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng. Người dân Đồng Tháp hiền hòa, mến khách, nghĩa tình, yêu quê hương, đất nước, có ý chí vượt khó vươn lên. Tỉnh có vị trí chiến lược với gần 50 km đường biên giới, 2 cửa khẩu quốc tế với Campuchia, nằm trên các tuyến giao thông thuận lợi kết nối với Tp.HCM, Tp.Cần Thơ và các tỉnh lân cận; là địa danh nổi tiếng với nhiều khu di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội mang nét độc đáo và riêng biệt của vùng sông nước ĐBSCL.
Năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh Đồng Tháp đã phục hồi và có chuyển biến tích cực, mặc dù tăng trưởng kinh tế, huy động nguồn lực chưa đạt kỳ vọng nhưng ghi nhận sự lớn mạnh về quy mô kinh tế đạt mốc trên 110.000 tỉ đồng, xếp thứ 6 trong khu vực ĐBSCL. GRDP bình quân đầu người đạt gần 69 triệu đồng, tăng 12,16% so với năm 2022. Đây là mức cao trong vùng ĐBSCL.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp đã đạt được trong thời gian qua.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng. Quy hoạch xác định tư duy tầm nhìn, mô hình, kịch bản, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển. Quy hoạch cũng tạo ra cơ hội mới, năng lực sản xuất và giá trị cho từng quốc gia, từng vùng, từng địa phương trong thời kỳ quy hoạch.
Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp là sự kiện rất quan trọng để các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn, tổng thể hơn về tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng phát triển của tỉnh Đồng Tháp, cũng như đóng góp và đề xuất những kiến nghị, giúp tỉnh Đồng Tháp phát triển trong tương lai.
“Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Đồng Tháp phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội với các trụ cột: Phát triển công nghiệp chế biến ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo; Phát triển mạng lưới giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đồng bộ, hiệu quả; Phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững; nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm; Phát triển du lịch gắn với truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, phù hợp điều kiện tự nhiên, các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Quy hoạch tỉnh đã xác định mục tiêu phát triển đến 2030: Đồng Tháp là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Tháp thực hiện tốt 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đảng bộ và chính quyền các cấp của tỉnh Đồng Tháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt là Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị. Đồng Tháp tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Chính phủ cùng các Bộ, ngành trung ương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng với chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiền đề, là dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển tiếp theo của Đồng Tháp.
Sáng cùng ngày, đồng chí Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã đến viếng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (TP Cao Lãnh).
Trọng Nghĩa