Theo số liệu của Hải quan, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam trong quý I/2022 đạt trên 156 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong cơ cấu các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu, mực chiếm 54,6%, còn lại bạch tuộc chiếm 45,4%. Quý I/2022, giá trị xuất khẩu mực tăng 40% trong khi bạch tuộc tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021. Nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm mực và bạch tuộc chế biến có xu hướng tăng mạnh trong quý đầu năm.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm mực đều tăng trong đó mực khô/nướng và mực sống/tươi/đông lạnh tăng lần lượt 33% và 38%. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu mực chế biến tăng mạnh nhất 99% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất lần lượt gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông, Thái Lan, EU, Mỹ, Malaysia, Đài Loan ( Trung Quốc), Israel, chiếm 98,4% tổng giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam.
Trong đó, quý I/2022, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông tăng trưởng mạnh nhất 143%. Xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 50%, xuất khẩu sang Hàn Quốc và EU tăng lần lượt 16% và 47%, tuy nhiên xuất khẩu sang Thái Lan giảm nhẹ 0,4%.
Theo báo Công thương, hiện Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu. Quý I/2022, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này đạt trên 55 triệu USD, tăng 16%. Trong cơ cấu các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu sang Hàn Quốc, giá trị xuất khẩu mực chế biến tăng tốt nhất 123%, tuy nhiên xuất khẩu bạch tuộc chế biến giảm 7%.
Nhật Bản đứng thứ hai về nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu. Quý I/2022, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật Bản đạt 36 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu sang Nhật Bản, giá trị xuất khẩu bạch tuộc chế biến tăng mạnh nhất 151%, tuy nhiên xuất khẩu mực khô/nướng giảm 97%.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, xuất khẩu mực, bạch tuộc trong quý tới dự kiến vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Tuy nhiên, thiếu nguyên liệu, hoạt động khai thác của ngư dân bị ảnh hưởng do giá xăng dầu tăng cao…vẫn là những thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải.
Hướng đến khai thác sản lượng bền vững
Tại hội nghị về giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản năm 2022 do Tổng cục Thủy sản tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng nhìn vào sản lượng khai thác thủy sản lớn chưa hẳn là điều đáng mừng, cần có kế hoạch cụ thể để khai thác được bền vững hơn.
Thống kê Tổng cục Thủy sản cho thấy tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2021 đạt 3,886 triệu tấn (tăng 0,9% so với năm 2020). Trong đó khai thác biển đạt 3,691 triệu tấn (tăng 1% so với cùng kỳ), khai thác nội địa 196 nghìn tấn (tăng 0,2% cùng kỳ). Tuy nhiên, Trong năm 2021 nhờ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quản lý tốt hạn ngạch về giấy phép khai thác thủy sản, tổng số tàu khai thác thủy sản giảm 3,07%, trong đó tàu xa bờ giảm 2,9%.
Ông Phùng Đức Tiến cho rằng việc khai thác với sản lượng bao nhiêu cần căn cứ theo trữ lượng để đặt hạn mức khai thác nằm trong ngưỡng an toàn, tránh tình trạng tận diệt nguồn lợi thủy sản. Đây là điều mà nhiều địa phương hiện nay chưa quán triệt và thực hiện nghiêm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc khắc phục thẻ vàng EC.
Trên tinh thần phát triển bền vững ngành thủy sản, Tổng cục Thủy sản đã đề nghị 4 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Khánh Hoà, TPHCM, Tiền Giang khẩn trương làm tham mưu trình UBND tỉnh, thành phố sớm ban hành tiêu chí đặc thù về quản lý và cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng bờ.
Năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng đạt khoảng 8,7 triệu tấn. Trong đó sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 4,95 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,7 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương cần tổ chức đăng ký, cấp giấy phép, nhập thông tin tàu cá vào cơ sở dữ liệu tàu cá VNFISBASE theo quy định; Có biện pháp quản lý tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, ngăn chặn tàu này đi hoạt động khai thác; xử lý triệt để, đúng quy định tàu cá bị mất kết nối.
Các địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý tàu cá, quản lý ngư trường nguồn lợi trên địa bàn, rà soát xóa đăng ký đối với tàu đã bị mất tích, chìm, mục nát không còn khả năng khắc phục; công khai hạn ngạch giấy phép khai thác tại địa bàn của mình.
Hương Anh (tổng hợp)