Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu USD cá tra sang Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), tăng 62% so với tháng 3/2024. Lũy kế xuất khẩu cá tra 3 tháng đầu năm nay sang thị trường này đạt hơn 7 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, tháng đầu năm nay, thị trường này tăng ấn tượng gấp gần 2,5 lần nhập khẩu cá tra Việt Nam với gần 4 triệu USD. Tuy nhiên, tháng ngay sau đó giá trị xuất khẩu lập tức giảm 31% và chỉ đạt hơn 1,2 triệu USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, UAE chủ yếu nhập khẩu sản phẩm phile đông lạnh mã HS 0304 từ Việt Nam với hơn 2 triệu USD trong tháng 3/2024, tăng 51% so với tháng 3/2023 và tăng 81% so với tháng trước đó, nhưng giảm 33% so với tháng 1/2024. Sản phẩm này chiếm đến 93% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang UAE.
Quý I/2024, thị trường này nhập khẩu gần 7 triệu USD cá tra phile đông lạnh của Việt Nam, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, 3 tháng đầu năm 2024, UAE cũng nhập khẩu cá tra tươi/đông lạnh/khô (thuộc mã 03) và cá tra giá trị gia tăng với giá trị lần lượt là 517 nghìn USD, tăng gấp 15 lần và 152 nghìn USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, vào tháng 3 hàng năm trong 2 năm trở lại đây từ năm 2022, thị trường này hầu như không tiêu thụ các sản phẩm cá tra đông lạnh và cá tra giá trị gia tăng từ Việt Nam. Tuy nhiên tháng 3/2024, UAE nhập khẩu trở lại 2 sản phẩm này với giá trị lần lượt là 79.000 USD và 75.000 USD.
UAE là nhà nhập khẩu ròng thủy hải sản và 90% lượng thực phẩm tiêu thụ của thị trường này đến từ việc nhập khẩu. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), UAE tiêu thụ hơn 220.000 tấn thủy sản mỗi năm và có mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người là 28,6 kg/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Dư địa xuất khẩu cá tra sang khu vực này vẫn tốt khi dân số tại UAE ngày càng tăng, thu nhập của người dân cao và tốc độ đô thị hóa nhanh. Thu nhập khả dụng tăng và giới trẻ ưa chuộng protein thủy hải sản cùng với các chuyến du lịch dự báo sẽ thúc đẩy tiêu thụ thủy hải sản ngày càng tăng. Hơn thế nữa, Ngân hàng Trung ương UAE đã tăng dự báo tăng trưởng năm 2024 cho nền kinh tế nước này lên 5,7%, từ mức 4,3% trước đó.
Ngoài ra, dự kiến ngành du lịch và lữ hành của UAE dự kiến sẽ tạo thêm 23.600 việc làm vào năm 2024 để đạt tổng số khoảng 833.000 việc làm trong năm nay. Căng thẳng địa chính trị giữa Israel và Iran không làm giảm nhu cầu của người dân khắp thế giới du lịch đến các khu vực lân cận. Việc du lịch được phát triển, kéo theo các dịch vụ liên quan đến nhà hàng, ăn uống gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành xuất khẩu thủy sản trong đó có cá tra tiến sâu hơn vào thị trường này.
Nhiều dư địa cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường UAE
Theo các chuyên gia kinh tế, UAE với dân số khoảng 9,35 triệu người, quy mô GDP của UAE hiện nay vào khoảng 415 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 44.315 USD/người/năm, đây là một con số tương đối cao. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 1% (chủ yếu là chăn nuôi và trồng cây chà là) nên UAE phải nhập khẩu hầu hết các loại lương thực, thực phẩm để phục vụ nhu cầu của người dân.
Do đó, UAE hầu như không có rào cản thương mại đối với việc nhập khẩu các sản phẩm nói trên. Tuy nhiên, các sản phẩm khi nhập khẩu vào UAE phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là về hàm lượng hóa chất, thuốc trừ sâu trên sản phẩm không được phép vượt quá mức quy định. Ngoài ra, đối với nhóm thực phẩm và đồ uống, mỹ phẩm … cần phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn Halal.
Mặt khác, UAE là thị trường mở, nên có thuận lợi là nhu cầu nhập khẩu nhiều loại sản phẩm để phục vụ tiêu dùng trong nước mà không bị hạn chế hay cấm. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức đối với sản phẩm của Việt Nam là cạnh tranh về giá rất cao.
Thông tin trên BĐT Chính phủ, các nhà nhập khẩu, phân phối và hệ thống siêu thị tại UAE hiện có nhiều nhà cung cấp từ nhiều quốc gia khác nhau cho cùng một loại sản phẩm, do đó, những sản phẩm như xoài, cà phê, chè của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại của Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Thái Lan,…
Qua trao đổi với các nhà nhập khẩu, Thương vụ Việt Nam tại UAE lưu ý, khi xem báo giá cho cùng một sản phẩm từ các nhà cung cấp khác nhau, họ sẽ chỉ chọn nhà cung cấp có báo giá thấp nhất. Do đó, nếu nhà cung cấp nào báo giá cao là bị loại ngay. Hàng hóa Việt Nam cũng gặp thách thức bởi chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang UAE cao hơn so với cước phí từ các nước có vị trí địa lý gần UAE hơn.
Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại UAE cũng khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường UAE cần thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để đảm bảo an toàn. Trước khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp cần tìm hiểu và xác minh danh tính khách hàng.
Minh Hoa (t/h)