Bán mạng giữa rừng sâu để kiếm miếng ăn
Ông Lê Văn Tám một trong những người săn trầm hương kỳ cựu thời ấy kể: Vào những năm 1970, cuộc sống của người dân ở khu vực Bình - Trị - Thiên rất khó khăn. Nhiều gia đình chỉ toàn ăn sắn và rau. Quá khổ, người ta bắt đầu nghĩ đến việc vào rừng kiếm kế sinh nhai và cuộc chiến với rừng xanh để tìm kiếm trầm hương như là một điểm sáng ở cuối đường hầm tăm tối.
"Hồi ấy xứ Hương Thọ này là vùng tiên phong trong việc đi trầm. Sau này, có nhiều người kiếm được tiền nhờ trúng trầm, dân ở các vùng lân cận mới bắt chước đi theo", ông Lê Văn Tám nhớ lại.
Cũng theo ông Tám, những ngày ấy, người đi tìm trầm nhiều như đi trẩy hội. Tại các bến tàu, bến xe người đi tìm trầm ngồi la liệt, không biết cơ man nào mà kể. Mỗi người đều mang trên lưng một gùi nặng vài chục ký gồm lương thực, áo quần để có thể sống cả tháng trời ở chốn rừng sâu. Họ chỉ đi tàu xe đến địa phận các tỉnh, sau đó, chặng đường lên rừng hoàn toàn là đi bộ.
Cũng theo ông Tám thì không ai đi rừng một mình. Thường thì anh em trong gia đình dòng họ hoặc bà con xóm làng rủ nhau lập thành một nhóm (gọi là xâu) để cùng đi. Một xâu ít nhất phải có 3 người. Lý giải cho con số 3 đó rất đơn giản, bởi, nếu chẳng may một người bệnh, sẽ có hai người để gánh về.
Loại trầm mỹ nghệ như thế này ngày xưa chỉ dùng làm củi chụm
Nhớ lại thời ấy, nhiều người săn trầm cừ khôi một thời, giờ đã trở thành các ông lão với mái tóc bạc trắng đã phải tặc lưỡi tự khâm phục chính mình. Bởi họ không thể hiểu tại sao thời ấy lại có nhiều sức khỏe để chịu đựng được những gian khó ghê gớm ấy. Với chiếc ba lô nặng vài chục ký trên vai, người đi tìm trầm hương lùng sục khắp núi cao, vực sâu, băng rừng vượt núi ngày này qua ngày khác. Với họ thời ấy, vào rừng tìm trầm hương là con đường duy nhất để bảo tồn sự sống cho gia đình mình. Nhưng để mua được sự sống, có khi họ phải bán cả sinh mạng của chính mình giữa rừng sâu.
Kể về gian khổ của những chuyến đi rú ngày xưa, ông Trần Nghiên, một chuyện gia "săn" trầm cho biết, nếu không có những chuyến đi gian khổ thời ấy, ông không thể nuôi nổi đàn con nheo nhóc của mình. Do vậy, những gian khổ của hành trình săn tìm trầm chẳng sá gì so với những nụ cười của các con ông, sự kỳ vọng của vợ ông.
Cả ông Tám và ông Nghiên đều chia sẻ gian khổ trong cuộc chiến tìm trầm chủ yếu là do thiên tai, bệnh tật mang lại, hoặc do làm việc quá sức, thiếu cái ăn, thiếu thuốc men. Hầu như những người đi trầm không ai không bị những cơn sốt rét rừng hành hạ đến vàng da rụng tóc. Sên, vắt, muỗi mòng, nước độc, thú dữ hay những tai nạn trên đường tìm kiếm trầm luôn đeo bám và rình rập nhưng chẳng thể nào làm nao núng bước chân của những kẻ tìm trầm.
Ông Lê Văn Tám ngậm ngùi cho biết, cả dòng họ ông vào giai đoạn ấy hầu như sống bằng nghề tìm trầm. Trên con đường tìm kiếm trầm hương, có nhiều người đã phải bỏ mạng nơi rừng sâu khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa kịp cưới vợ sinh con. Đó là trường hợp của hai người cháu gọi ông bằng bác ruột. Một người bị mắc bệnh sốt rét rừng ác tính, khi được xâu của ông đưa đến bệnh viện A Lưới (thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) thì bệnh đã quá nặng, không thể chạy chữa. Một trường hợp khác khi đốn hạ cây trầm, do xác định hướng cây đổ không chính xác đã bị cây trầm cổ thụ đè nát thân. Và còn nhiều trước hợp chết chóc rất thương tâm khác mà dân đi trầm thời ấy phải rụt đầu rụt cổ khi kể lại.
Mật ngữ thợ rừng và chuyện dung trầm hương làm củi!
Bất kể người đi rừng nào cũng thuộc nằm lòng những nguyên tắc vàng chốn rừng sâu. Trước khi vào rừng, họ phải chọn kỹ ngày lành, tháng tốt. Với họ, nếu đi nhằm ngày xấu, có thể mang đến những xui rủi không may. Dân đi rừng mỗi vùng có tín ngưỡng, niềm tin khác nhau Ngay cả việc xuất hành, có vùng, người đi rừng phải ăn chay ba ngày, phải tắm rửa sạch sẽ, tránh chung đụng với phụ nữ để giữ bản thân thật sạch sẽ tinh khiết khi dấn thân vào chốn rừng sâu.
Ông Tám kể: "Trên đường tìm trầm, dân đi trầm rất kiêng kỵ việc cười nói ồn ào. Họ tuyệt đối không gây gổ và nói những chuyện tào lao. Họ còn xem việc nhắc đến tên của những loài thú dữ nơi rừng xanh như là một việc phạm húy. Họ gọi con hổ bằng từ "mệ", gọi con voi là "mệ lớn", gọi con trăn, con rắn là sợi dây...
Những vườn trầm đang phủ một màu xanh ngát trên nhiều vùng quê Việt Nam
Nhắc đến chuyện kiêng kỵ nơi rừng sâu, ông Lê Bàng, ngụ ở xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế vẫn còn rùng mình khi kể về câu chuyện của mấy chục năm trước. Hồi đó, đoàn tìm trầm của ông đang khai thác trầm ở một cánh rừng ven sông Bồ. Thời ấy, những cánh rừng già ven sông Bồ còn hoang vu và heo hút lắm, thú dữ cũng nhiều vô kể. Người đi rừng như các ông, đêm ngủ phải đốt một đống lửa thật to rồi nằm cạnh để tránh sự tấn công của thú dữ.
Một đêm, trong lúc ngồi bên đống lửa để sưởi ấm, ông Bàng buột miệng đùa: "Lửa lớn thế này có mệ mà nướng ăn thì vui nhỉ?". Ông vừa dứt câu thì rừng cây ven đó bắt đầu lay động. Dưới ánh sáng của bếp lửa, mọi người hoảng hốt nhận ra một con hổ vừa xuất hiện cách lán trại chỉ chừng vài chục mét, hai mắt đỏ ngầu. Hoảng hốt, mọi người lầm rầm khấn vái một lúc con hổ mới chịu bỏ đi. Lần đó, tuy không ai bị hổ tấn công nhưng cả đoàn được một phen hú vía.
Cũng nói về thú dữ, những người đi cùng xâu với ông Nghiên lần ấy không ai quên được đêm kinh hoàng tại một cánh rừng ven sông Bồ, họ gọi đó là đêm hội của cọp. Họ bảo, phải có đến hàng chục con cọp tập trung lại tại một bãi đất trống bên khe suối. Đó là một đêm trăng, đủ sáng và đủ gần lán trại mà họ đang ở để có thể thấy được chúng vờn nhau, vật lộn và gầm rú suốt đêm. Lần đó, xâu của ông cũng may mắn vì không ai bị cọp tấn công.
Khi cơn "sốt" trầm hương khuấy động cuộc sống của những người dân ở vùng Bình - Trị - Thiên thì trầm hương vẫn chưa có giá chót vót như bây giờ. Khi đó ở vùng rừng núi thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, người dân còn dùng trầm để làm... củi chụm hay sưởi ấm trong những ngày đông giá rét. Tương tự, những người khai thác trầm ở xứ Tuần lắm lúc vẫn còn ngồi chẻ những miếng súc, miếng trai để giải sầu trong những lúc ngồi bên bếp lửa chờ xông trầm cho khô. Những miếng súc, miếng trai như vậy nếu bán theo thời giá bây giờ có thể xây vài căn biệt thự tại trung tâm của các thành phố lớn...
Nói về những cánh rừng trầm bạt ngàn thời ấy mà Đồi trăm cây là một minh chứng, cánh đi trầm đều lắc đầu tiếc nuối. Tiếc vì sự khai thác bừa bãi, tiếc vì sự khai thác triệt để đã gây lãng phí nguồn tài nguyên vô giá và tiếc vì kho "vàng đen" thời ấy được khai quật với giá thành rẻ mạt. Ngay cả trầm hương cho dầu loại một cũng được họ gom lại bán đổ đồng dưới dạng giác xông. Nếu trầm hương hồi ấy có giá như bây giờ choặc chỉ bằng một phần trăm, một phần ngàn, có lẽ những người đi trầm thời ấy giờ đã là tỷ phú. Và có lẽ họ không còn ngồi đây, bên bếp lửa bập bùng của một sáng mùa đông xứ Huế, nhâm nhi tách trà và thổ lộ những câu chuyện cũ.
Rừng trầm hương tái xuất Sau này, khi cây trầm được Nhà nước đưa vào sách đỏ để bảo vệ như là một loài cây quý hiếm sắp bị tuyệt chủng thì khắp khu vực miền Trung, những cánh rừng dó bầu (cây sản sinh ra trầm hương) bạt ngàn một lần nữa lại xuất hiện. Nhiều nông dân chân lấm tay bùn một thời đang dần trở thành tỷ phú nhờ những cánh rừng trầm tự tay mình vun xới. Đến nay cây dó bầu đã được trồng rộng rãi khắp cả nước nhưng nhiều nhất vẫn phải kể đến các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và các tỉnh miền Tây Nam bộ trong đó, An Giang là nhiều nhất. |
Nhất Nghê - Trung Nghĩa