Nhiều thành quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết
Ngày 21/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, tỉnh Thanh Hóa đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Trong 27 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đề ra tỉnh có 22 mục tiêu ước đạt và vượt mục tiêu, có 5 chỉ tiêu dự báo khó hoàn thành nhiệm vụ.
Theo đó, về phát triển kinh tế, Thanh Hóa ghi nhận các kết quả khích lệ khi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm đạt 9,69%, xếp thứ 5 cả nước. Quy mô kinh tế (GRDP) năm 2023 ước đạt trên 279.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. Trong đó, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, nhiều chỉ tiêu thuộc lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thu ngân sách nhà nước tăng vượt mục tiêu Nghị quyết.
3 năm tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước tính đạt trên 409.000 nghìn tỷ đồng, bằng 54,6% mục tiêu nhiệm kỳ. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân. Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh thu hút được 201 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và 90,9 triệu USD điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án.
Về thu ngân sách cũng có bước đột phá lớn khi ghi nhận tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2022, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt trên 51.000 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước. Đây là mức thu cao nhất từ trước đến nay và đưa Thanh Hóa lần đầu gia nhập nhóm các tỉnh thành có thu ngân sách trên 50.000 tỷ.
Trong giai đoạn này Thanh Hóa tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các chỉ số về cải cách hành chính đều tăng thứ hạng so với đầu nhiệm kỳ, đã khởi công xây dựng và hoàn thành một số dự án công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, du lịch quy mô lớn, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Về chính trị xã hội, công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng được triển khai đồng bộ, quyết liệt ghi nhận kết quả tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 166 vụ án, 385 bị can liên quan đến các vấn đề tham nhũng, kinh tế.
Công tác xây dựng Đảng được tăng cường và triển khai toàn diện trên các lĩnh vực. Công tác tổ chức cán bộ được thực hiện chặt chẽ, thận trọng, bài bản, minh bạch. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, dư luận quan tâm, các địa phương, đơn vị có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo...
Tiếp tục phát huy thành quả, khắc phục khó khăn
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh, thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên tiếp tục củng cố, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất; quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường.
Trong đó, Thanh Hóa tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Dự án Giao thông Trọng điểm nhằm tạo không gian phát triển mới; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công để dẫn dắt, thu hút nguồn lực hợp pháp của xã hội, tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội.
Các cấp, ngành, địa phương tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt công suất thiết kế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp đang triển khai; thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, của tập thể, cá nhân cán bộ, lãnh đạo, quản lý; tập trung khắc phục các vi phạm, khuyết điểm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra. Tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, tiêu cực.
Về kinh tế, giai đoạn 2024-2025, Thanh Hóa đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm tăng 12,96% trở lên; thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm tăng 10% trở lên.
Trong giai đoạn này, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu sớm trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhất là về xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa rà soát, khắc phục các hạn chế yếu kém, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư, nhất là Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Trong đó, chú trọng kịp thời giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp; rà soát, mẫu hóa thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường; khắc phục điểm nghẽn về hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp... nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.
Để thực hiện, Thanh Hóa tổ chức linh hoạt các hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động tiếp cận, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, ra quyết định đầu tư. Trong đó, chú trọng thu hút các dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thu hút đầu tư từ các nước có tiềm năng về vốn, công nghệ; tăng cường vận động, kêu gọi các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty trong nước có uy tín, năng lực tài chính đầu tư các dự án lớn trên địa bàn.
Trong giai đoạn 2024-2025 tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế nhanh và bền vững, sớm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc; tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 3 trụ cột tăng trưởng, 8 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, tỉnh sẽ tiếp tục củng cố, gìn giữ và phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo; khai thác và phát huy hiệu quả tiềm, năng lợi, thế; chủ động ứng phó khó khăn, thách thức, huy động tối đa nguồn lực, sức mạnh cả hệ thống chính trị và toàn dân để phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.
"Quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đề ra. Đối với 5 chỉ tiêu khó đạt phải rà soát, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và nguyên nhân, trên cơ sở đó bổ sung, điều chỉnh giải pháp, biện pháp đảm bảo cụ thể, thiết thực, hiệu quả" - ông Đỗ Trọng Hưng yêu cầu.
Việt Phương