Đó là chia sẻ của TS. Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký, phụ trách văn phòng khiếu nại, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Hội TC&BVNTD) sau một năm thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Ông đánh giá ra sao về việc thực thi luật trong thực tế?
Từ khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực, nhận thức của toàn xã hội về vai trò vị trí của người tiêu dùng trong nền kinh tế đã được khẳng định. Nhiều hoạt động liên quan đến việc thực thi Luật, thực thi các quyền của người tiêu dùng từng bước được thực hiện. Các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ban hành và có hiệu lực.
Hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng đã tổ chức các hoạt động tập huấn, thông tin, phổ biến liên quan đến việc thực thi Luật. Kể từ 1/7/2011, riêng văn phòng phụ trách tư vấn khiếu nại trung ương Hội, đã nhận được trên 220 khiếu nại, không kể rất nhiều khiếu nại được tư vấn và hỗ trợ trực tiếp.
TS Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký, phụ trách văn phòng khiếu nại, Hội TC và BVNTD
Qua một năm thực hiện, ông nhận thấy Luật còn điểm gì bất cập?
Dù luật đã có hiệu lực nhưng nhiều người tiêu dùng chưa biết hoặc chưa biết đầy đủ về Luật, các quyền cũng như trách nhiệm của mình; Chưa biết về cách thức phải tự bảo vệ mình như thế nào. Nhận thức, năng lực và nghiệp vụ thực thi Luật của cán bộ trong hệ thống các cơ quan còn chưa đáp ứng; Bộ máy chưa sẵn sàng, thông tin về địa chỉ, thủ tục khiếu nại cũng chưa cập nhật đối với người tiêu dùng.
Tổ chức xã hội tham gia hoạt động, thực hiện nhiệm vụ Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (như hỗ trợ giải quyết khiếu nại), nhưng không có cơ chế tài chính rõ ràng, không có kinh phí để các tổ chức đó thực thi nhiệm vụ.
Các khiếu nại thường tập trung vào vấn đề gì?
Khiếu nại chủ yếu liên quan đến chất lượng hàng hóa và dịch vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau: An toàn vệ sinh thực phẩm, hàng điện, điện tử, quảng cáo sai và lừa dối người tiêu dùng, đặc biệt có quảng cáo lừa dối qua mạng, trên các kênh truyền hình, khiếu nại liên quan đến ngân hàng, dịch vụ tài chính, bảo hiểm… Điểm quan trọng nhất của một số khiếu nại gần đây là quy mô và giá trị khiếu nại gia tăng: Như ô tô, căn hộ, khiếu nại mang tính chất tập thể, liên quan đến các công ty lớn.
Vừa qua vụ việc sử dụng chất tạo nạc trong thực phẩm gây hoang mang người tiêu dùng. Tuy nhiên việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong vụ việc này xem ra không khả thi?
Có nhiều vấn đề tương tự như vấn đề sử dụng hóa chất độc hại, tạo nạc trong chăn nuôi, vấn đề đã được nêu lên và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Hội TC&BVNTD Việt Nam có thể điều tra, khảo sát nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn kinh phí. Không có kinh phí, khó có thể thực hiện những hoạt động như vậy để bảo vệ người tiêu dùng.
Một khi vấn đề đã được xác định, thì việc xác định lỗi do đâu, do tổ chức cá nhân nào thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý liên quan sẽ dễ dàng truy cứu. Nếu đủ chứng cứ người tiêu dùng có thể khiếu nại, khởi kiện.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh đến việc bảo vệ các thông tin cá nhân và quy định trách nhiệm của bên thứ 3 trong việc cung cấp thông tin. Tuy nhiên theo Luật thì phải tìm được chứng cứ, điều này có vẻ là bất khả thi?
Nếu thực sự thông tin cá nhân bị lợi dụng, người tiêu dùng sẽ tìm được chứng cứ. Người tiêu dùng có thể khiếu nại, thậm chí khởi kiện, nếu đủ chứng cứ. Nhưng cho đến nay, chưa thấy ai gửi khiếu nại chính thức về vấn đề này đến Văn phòng tư vấn khiếu nại Trung ương Hội.
Theo ông, cần phải làm gì để tăng cường hơn nữa hiệu quả của Luật Bảo vệ người tiêu dùng?
Theo tôi, cần xã hội hóa mạnh mẽ việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có cơ chế thực sự thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức và trung tâm bảo vệ người tiêu dùng, như Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên.
Nhà nước nên có một “Quỹ bảo vệ Người tiêu dùng”. Nguồn và quy mô của quỹ được xác định bằng sự thiệt thòi của người tiêu dùng, trong các vụ xâm hại người tiêu dùng, cũng như vi phạm luật pháp về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, mà Nhà nước thu được từ các tổ chức, cá nhân vi phạm. Quỹ bảo vệ người tiêu dùng dùng để chi cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có quỹ, có kinh phí, mới có cơ sở đẩy mạnh hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là hoạt động của các tổ chức xã hội, các trung tâm bảo vệ người tiêu dùng.
Ông có khuyến nghị người tiêu dùng điều gì để họ có thể bảo vệ quyền lợi của mình một cách chính đáng?
Trước tiên người tiêu dùng cần phải biết rõ mình có các quyền và trách nhiệm gì và tự mình thực thi các quyền và trách nhiệm đó một cách tốt nhất để tự bảo vệ mình và vì cộng đồng. Khi quyền lợi bị xâm hại, người tiêu dùng nên tự mình khiếu nại đến các tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa và dịch vụ, gây thiệt hại hoặc xâm hại quyền lợi của mình.
Trong trường hợp không thể tự giải quyết, hoặc khiếu nại không được giải quyết thỏa đáng, người tiêu dùng có thể khiếu nại đến các cơ quản lý hoặc gửi khiếu nại tới các Văn phòng tư vấn khiếu nại của Hội TC&BVNTD để được tư vấn, hỗ trợ giải quyết.
Thơm – Lan