Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ nhiều ý kiến tập trung kiến nghị ghi nhận nguyên tắc quyền con người, quyền cơ bản của công dân được bảo đảm thực hiện bằng Hiến pháp và luật và cũng chỉ có thể hạn chế bằng luật.
Một trong những đề xuất quan trọng trong lần lấy ý kiến này được Chính phủ ghi nhận đó là việc tách bạch quyền công dân và nghĩa vụ của công dân. Bởi lẽ không phải mọi quyền đều đồng thời là nghĩa vụ. Việc quy định quyền và nghĩa vụ phải được đặt ra trong từng trường hợp cụ thể.
Họp báo về kết quả lấy ý kiến đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phóng viên báo Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi ngắn với thạc sỹ Lã Khánh Tùng, giảng viên bộ môn Luật Hiến pháp, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội về nguyên tắc quyền con người và quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bằng luật:
Thưa ông, ông có thể cho biết nguyên tắc quyền con người và quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bằng luật có điểm gì mới so với Hiếp pháp năm 1992 và ông đánh giá thế nào về quy định này?
Trước hết phải khẳng định đây là một đề xuất, ý kiến tiến bộ. Đề xuất này xuất phát từ thực tiễn có nhiều văn bản do các cơ quan hành pháp ban hành là văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư quy định cả về các nghĩa vụ, quyền của công dân. Điều đó dẫn đến thực trạng cơ quan hành pháp, không phải là cơ quan đại biểu của nhân dân nhưng lại có thẩm quyền ra văn bản hạn chế quyền công dân.
Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn những điểm tiến bộ của quy định này?
Nếu quy định quyền con người và quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bởi luật thì chỉ duy nhất Quốc hội mới có quyền giới hạn quyền con người và quyền công dân. Quốc hội là cơ quan duy nhất ban hành luật. Điều này là phù hợp với nguyên tắc nhà nước là của dân, do dân và vì dân.
Khi quy định này được tiếp nhận vào trong Hiến pháp thì mọi văn bản của cơ quan hành pháp xâm phạm vào quyền công dân đều có thể xem xét là vi hiến.
Quyền con người và quyền công dân vì thế mà được mở rộng và được Nhà nước bảo hộ, tôn trọng.
Vâng, xin cảm ơn ông!
Điều 50 Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân; công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội. Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định. (Trích Hiếp pháp năm 1992) |
Giang Quyết (thực hiện)