Sẽ là khó khăn nếu muốn giải thích một cách tường tận nguyên nhân dưới góc độ chuyên môn lập pháp vì sao chế định Chủ tịch nước trong bản Hiến pháp năm 1946 lại mang nhiều quyền hạn đến vậy – cũng như để giải thích toàn bộ nội dung của bản Hiến pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử. Ảnh tư liệu
Có thể do vào thời điểm đó, chúng ta đã vận dụng sự hiểu biết uyên bác về luật học của các luật gia Hoa Kỳ khi họ soạn thảo bản Hiến pháp nổi tiếng năm 1787. Chúng ta đã học tập, tiếp thu những hạt nhân hợp lý của những mô hình Hiến pháp kinh điển trên thế giới vào lúc đó, mà tiêu biểu chính là hai bản Hiến pháp của Mỹ và Pháp để xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân vào thời điểm lúc bấy giờ - dễ thấy những quy định về quyền hạn của CTN được tiếp thu từ mô hình chính thể Cộng hòa Tổng thống trong những quy định về việc CTN đứng đầu Chính phủ; và tiếp thu từ mô hình Cộng hòa Đại nghị trong những quy định về Nghị viện nhân dân bầu lên Chủ tịch nước (Điều thứ 45), quyền được miễn các trách nhiệm trừ tội phản quốc (Điều thứ 50) cũng như thủ tục tiếp ký khi ra các Sắc lệnh (Điều thứ 53).
Tuy vậy, Hiến pháp 1946 trước hết là một sản phẩm của lịch sử, là một dấu mốc đáng nhớ trong quá trình xây dựng Nhà nước sau Cách mạng tháng Tám. Để lý giải cho những định chế trong bản hiến văn nhiều giá trị này, chúng ta phải bám sát vào tình thế lịch sử lúc bấy giờ. Chúng ta sẽ dùng góc nhìn này để soi vào chế định CTN.
Khi chúng ta mới tiến hành xong cuộc Cách mạng, thì gần như ngay lập tức Pháp và Tưởng đã đưa quân đội sang lãnh thổ Việt Nam mưu đồ tái chiếm. Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng chưa công nhận vị thế của chính quyền non trẻ sau Cách mạng. Tình thế đất nước được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”. Đặc biệt, vì chính sách tạm thời hòa hoãn với Tưởng, ta phải nhường cho họ 70 ghế trong Nghị viện nhân dân trong đó có 4 ghế bộ trưởng trong Chính phủ. Đứng trước tình hình đó, cần một Chính phủ mạnh mẽ, khôn ngoan với quyền lực tập trung để vừa đối phó với những diễn biến trong nước vừa thể hiện được thái độ ngoại giao khôn khéo trên thế giới nhằm khẳng định chủ quyền của quốc gia một cách thống nhất và kịp thời.
Vì vậy, nền hành pháp theo xu hướng hành pháp một đầu – với quyền lực hành pháp tập trung vào tay nguyên thủ quốc gia – có lẽ là một lựa chọn hợp lý hơn cả, khi Chủ tịch nước vừa là người trực tiếp điều hành Chính phủ, vừa là người đại diện cho tiếng nói của đất nước trước năm châu.
Lúc bấy giờ dường như chỉ có Hồ Chí Minh - người lúc này đang ở trên cương vị Chủ tịch Chính phủ - là nhà lãnh tụ có những tố chất, kinh nghiệm để đưa dân tộc thoát khỏi cơn hiểm nghèo trước mắt, việc quy định vị trí người đứng đầu Chính phủ là Chủ tịch nước cũng như một hình thức pháp điển hóa vị thế lãnh đạo của Hồ Chủ tịch. Trong đó, nguyên thủ quốc gia được quy định có những quyền hạn rất lớn và đáng chú ý như: quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại các luật khi chưa ban bố (Điều thứ 31), quyền đưa vấn đề tín nhiệm nội các ra trước Nghị viện thảo luận lại (Điều thứ 54), cùng với quy định Chủ tịch nước không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào trừ khi phạm tội phản quốc tại Điều thứ 50.
Mặc dù có quyền hạn rất lớn và được miễn trừ trách nhiệm như vậy, song không phải không có những quy định nhằm kiểm soát quyền lực của người đứng đầu quốc gia. Chủ tịch nước vẫn là một vị trí phái sinh từ Nghị viện nhân dân, do Nghị viện bầu trong số các nghị viên. Những Hiệp ước do Chính phủ (mà thực chất là do Chủ tịch nước) ký kết với nước ngoài cần có sự ưng chuẩn của Nghị viện.
Đồng thời, ngay cả trong quyền lực hành pháp của mình, Chủ tịch nước vẫn phần nào bị kiểm soát khi Hiến pháp quy định chế độ tiếp ký của các bộ trưởng đối với các Sắc lệnh của Chính phủ sau khi có chữ ký phê chuẩn của Chủ tịch nước – nếu bộ trưởng chưa ký thì Sắc lệnh đó chưa có hiệu lực; điều này thể hiện rằng cần phải có sự đồng thuận của các thành viên trong Chính phủ thì Chủ tịch nước mới có thể thực thi quyền lực.
Vị trí đặc biệt của nguyên thủ quốc gia trong Hiến pháp năm 1946, do đó không chỉ là sự học tập, tiếp thu đơn thuần từ những bản Hiến pháp phân quyền tiến bộ trên thế giới, mà cũng là sự tổ chức quyền lực Nhà nước một cách khôn khéo trước tình thế lịch sử, đồng thời vẫn đề cao được vai trò của Nghị viện nhân dân cũng như tập thể Chính phủ nhằm khẳng định chính quyền lúc đó là chính quyền dân chủ nhân dân.
> Chuyên mục đặc sắc trên báo Người đưa tin: Luật sư
Luật gia Phan Hoàng Linh