Những hoài nghi về quyền lực Tổng thống
Donald Trump đang bất lực trong việc phá vỡ chính sách chống Nga của các nhóm tinh hoa cơ sở, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ Vladimir Golstein nói với Sputnik.
Tổng thống Mỹ “cũng không mấy vui vẻ gì” với dự luật trừng phạt Nga mới đây và rõ ràng ông không muốn mang đến những vụ bê bối ngoại giao khiến tình hình căng thẳng thêm, Phó Giáo sư Vladimir Golstein từ đại học Brown bày tỏ sự đồng tình.
Cả hai ý kiến nói trên cùng cho rằng, Tổng thống Trump rất muốn dung hòa với người Nga, nhưng cho đến nay, ông không có đủ cơ chế quyền lực thực tế để thực hiện mục đích.
Điều này cũng xảy ra tương tự với Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Các học giả nhấn mạnh, ông Trump cần sự thông qua của Quốc hội đối với các sáng kiến của mình. Do đó, ông sẽ rất thận trọng trong việc làm mích lòng cơ quan quyền lực tối cao này.
Một khi Quốc hội Mỹ đã đồng loạt nhất trí thông qua lệnh trừng phạt Nga, sự chống đối sẽ là vô ích, thậm chí có thể dẫn đến việc ông bị làm khó, khi đề xuất lên Quốc hội một số kế hoạch khác.
Tương tự như vậy, Tổng thống không thể từ chối "đóng băng" các cơ sở ngoại giao của Nga sạu những cáo buộc can thiệp bầu cử, bởi rõ ràng, nhà lãnh đạo Mỹ không muốn bị gièm pha là đang đối xử dễ dãi với kẻ thù.
Nó dẫn đến kết quả Tổng thống Trump phải miễn cưỡng giao lại cho nhóm tinh hoa cơ sở ở bộ Ngoại giao và các cơ quan đối ngoại khác được toàn quyền quyết định các động thái trừng phạt mới, điều khiến ông bị nhìn nhận là yếu thế về quyền lực.
Các nhà phân tích chỉ ra, việc ông Trump né tránh đối mặt với giới tinh hoa cơ sở trong các vấn đề chính sách đối ngoại và quân sự đang khiến cho ông mất đi tính thực quyền của một Tổng thống.
“Trump đang thu mình vào một góc, mà chẳng biết làm gì ngoài việc cử máy bay ném bom tới một lãnh thổ nước ngoài", chuyên gia Golstein liên tưởng đến các quyết định cử máy bay đến Triều Tiên mang mục đích đe dọa của ông Trump.
Nhà nước ngầm
Theo Sputnik, giới quan chức quân sự, ngoại giao và học giả chính trị thuộc về nhóm tinh hoa cơ sở hiện đang nắm giữ các vị trí chủ chốt trong bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và các tổ chức cố vấn uy tín như Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Hội đồng Đại Tây Dương.
Chuyên gia Golstein giải thích thêm, các nhóm này vẫn tiếp tục định hướng nước Mỹ đi theo con đường truyền thống đó đầu tư vào quân sự, tăng cường hoạt động can thiệp trên thế giới và chỉ rõ Nga là kẻ thù không đội trời chung.
Để làm tôn lên vai trò của cường quốc số một, quốc gia bảo vệ công lý, bảo vệ nền dân chủ toàn cầu, nước Mỹ cần có một đất nước đóng vai trò đối lập và là kẻ thù địch số một.
Nga hiện đang bất đắc dĩ đóng một vai trò đặc biệt như vậy.
Các nhóm tinh hoa cơ sở ở Mỹ thường được biết đến với cái tên “nhà nước ngầm”, một mạng lưới tập hợp các chính trị gia gạo cội, các tài phiệt lớn và những ông trùm truyền thông.
Nhóm này được cho là cùng bắt tay nhau chi phối truyền thông và định hướng dư luận để gán ghép cho Nga luôn là một quốc gia tồi tệ, áp bức, làm những điều xấu xa với nước Mỹ.
"Thẳng thắn mà nói, ngoại trừ một số các chính trị gia, nhà báo và các nhà ngoại giao có tư tưởng tiến bộ, không có lực lượng nào mang tầm ảnh hưởng ở Mỹ có thể chống lại các nhóm này", chuyên gia Golstein cho hay.
Đó cũng là lý do Tổng thống Trump không thể hoàn toàn phát triển chính sách mà ông đưa ra giống như đã hứa trong chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, chuyên gia Golstein cho rằng, dù sớm hay muộn, những thế hệ chính khách cũ mang tư tưởng thời Chiến tranh Lạnh sẽ sớm thay thế bằng những làn gió mới có những suy nghĩ thực tế và hành động phù hợp.
Bế tắc ngoại giao gần đây giữa Moscow và Washington bắt đầu sau các gói trừng phạt mở rộng chống lại Nga, Iran và Triều Tiên thông qua bởi Mỹ hồi đầu tháng Tám.
Đáp trả lại, Điện Kremlin thông báo sẽ cắt giảm sự hiện diện ngoại giao của Mỹ ở Nga từ 755 người xuống còn 455 người, tương đương với số lượng nhân viên ngoại giao Nga đang làm nhiệm vụ ở Mỹ.
Động thái này cũng được cho là phản ứng muộn màng của Moscow sau quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao và đóng cửa hai cơ sở ngoại giao vào năm ngoái sau cáo buộc can thiệp bầu cử.