Cơ quan cảnh sát đã chuyển hồ sơ vụ án đến Viện KSND tối cao và đề nghị truy tố 8 bị can gồm Nguyễn Đức Kiên và một số cựu lãnh đạo Ngân hàng (NH) ACB về 4 tội danh trên.
Bất chấp pháp luật
Trong vụ án này, Nguyễn Đức Kiên (49 tuổi, còn được gọi là bầu Kiên hay Kiên đầu bạc), nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB được coi là người chủ mưu cầm đầu, chỉ đạo mọi hoạt động phạm tội, có sự trợ giúp đắc lực của 7 bị can đồng phạm.
Theo kết luận điều tra, từ năm 1993, Nguyễn Đức Kiên là cổ đông góp vốn lớn của ACB, từ năm 1994 - 2008 là Phó chủ tịch HĐQT NH này. Năm 2008, do biết pháp luật quy định ở vị trí Phó chủ tịch HĐQT sẽ bị hạn chế nhiều hoạt động kinh doanh riêng cho cá nhân cũng như vay vốn NH nên Kiên quyết định rút tên khỏi HĐQT ACB. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì sự ảnh hưởng, có quyền chỉ đạo điều hành hoạt động kinh doanh tại ACB, Kiên đã đề nghị HĐQT NH này ra nghị quyết thành lập và phê chuẩn quy chế làm việc Hội đồng sáng lập ACB do Kiên làm Phó chủ tịch. Trên thực tế, Hội đồng sáng lập không được pháp luật thừa nhận và không áp dụng trong hệ thống NH nhưng tại ACB, tổ chức này lại được tham gia dự họp và cho ý kiến về mọi hoạt động kinh doanh của NH. Đây cũng là một chiêu mà qua đó bầu Kiên có thể "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Trước và sau thời điểm 2008, bầu Kiên đã thành lập 5 công ty gồm: Công ty AFG; Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI); Công ty cổ phần đầu tư Á châu (ACI); Công ty TNHH đầu tư tài chính Á châu Hà Nội (ACI-HN) và Công ty CP đầu tư thương mại B&B (B&B). Trong đó, Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch HĐQT của 4 Công ty B&B, AFG, ACBI, ACI và chủ tịch Hội đồng thành viên ACI-HN.
Mặc dù các công ty do bầu Kiên thành lập không được nhà nước cấp phép kinh doanh tài chính, nhưng từ tháng 3.2008 đến tháng 11.2010, bầu Kiên đã chỉ đạo 5 công ty trên sử dụng hơn 9.700 tỉ đồng từ vốn điều lệ, tiền huy động và tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu bán cho nhiều NH. Tiền thu được không sử dụng đúng với chức năng đã được đăng ký và cấp phép của các công ty mà sử dụng để mua cổ phiếu của các NH thương mại là trái với quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tiếp đó, đối với một doanh nghiệp khác cũng do bầu Kiên thành lập và làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc là Công ty phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam. Mặc dù không có chức năng kinh doanh vàng, nhưng từ tháng 11.2009 đến tháng 7.2010, bầu Kiên đại diện cho công ty này trực tiếp đặt 49 lệnh giao dịch mua bán vàng trong và ngoài nước thông qua tài khoản ACB. Việc kinh doanh vàng này gây lỗ trên 433 tỉ đồng.
Đối với hành vi lừa đảo, từ tháng 5.2010, trong vai trò là chủ tịch HĐQT Công ty ACBI, bầu Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty ACBI ký hợp đồng thế chấp 22,497 triệu cổ phần Công ty cổ phần Thép Hòa Phát vào ACB để đảm bảo cho việc Công ty ACBI phát hành trái phiếu trị giá 800 tỉ đồng tại ACB. Mặc dù số cổ phần này bị ràng buộc bởi các điều kiện về thế chấp, nghĩa vụ bảo đảm và chưa được phép của ACB nhưng bầu Kiên đã chỉ đạo cấp dưới lập khống giấy tờ, lừa bán cho Tập đoàn Hòa Phát lấy số tiền 264 tỉ đồng.
Ngoài ra, bầu Kiên bị cáo buộc có hành vi trốn thuế với số tiền 25 tỉ đồng trong việc kinh doanh vàng giữa Công ty B&B do ông ta làm chủ tịch HĐQT với ACB.
Theo báo cáo của ACB, tính đến tháng 4.2013, tổng dư nợ của 6 công ty của bầu Kiên và 5 cá nhân gia đình bầu Kiên tại ACB là trên 7.300 tỉ đồng, trong khi tổng tài sản các công ty và cá nhân chỉ có hơn 6.400 tỉ đồng, âm 944 tỉ đồng và đây cũng được xác định là thiệt hại cho ACB. Hiện Cơ quan CSĐT đã kê biên 3 bất động sản tại TP.HCM, do Nguyễn Đức Kiên và vợ đứng tên sở hữu tại P.12, Q.Phú Nhuận; P.12, Q.10 và hơn 2.400 m2 đất tại P.13, Q.Bình Thạnh.
Dùng tiền NH mua cổ phiếu NH
Là cổ đông ACB từ năm 1993 đến tháng 6.2013, bầu Kiên và người thân sở hữu hơn 9% cổ phần NH này, trong đó bản thân ông ta sở hữu 3,37%. Từ 2003 đến tháng 8.2012, bầu Kiên là Chủ tịch Hội đồng đầu tư ACB có chức năng giúp HĐQT NH này thực hiện thẩm định các dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền quyết định. Trong thời gian này, bầu Kiên đã có hàng loạt hành vi cố ý làm trái.
Theo đó, bầu Kiên biết rõ quy định của NH Nhà nước về trần lãi suất và các quy định kinh doanh chứng khoán. Nhưng vì muốn bảo vệ lợi ích của nhóm cổ đông ACB, bầu Kiên đã đề xuất, chỉ đạo Thường trực HĐQT ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng. Bầu Kiên chỉ đạo ACB cấp cho Công ty chứng khoán ACB (ACBS) 1.500 tỉ đồng cùng vốn tự có; Công ty ACBS đã chuyển cho các Công ty ACI, ACI-HN tổng số tiền hơn 1.557 tỉ đồng để đứng tên mua hộ hơn 52,5 triệu cổ phiếu ACB trái quy định. Qua đó, thu lợi bất chính cho nhóm cổ đông ACB hơn 256 tỉ đồng và trực tiếp gây thiệt hại cho ACB hơn 1.407 tỉ đồng.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT xác định bầu Kiên có vai trò lớn trong việc chỉ đạo ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi tiền vào VietinBank đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt, gây thiệt hại cho ACB gần 719 tỉ đồng.
Theo cơ quan CSĐT, việc bầu Kiên chỉ đạo dùng tiền huy động từ dân không sử dụng vào mục đích cho vay để phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết an sinh xã hội, kinh doanh không nằm trong lĩnh vực được cấp phép mà ủy thác cho các tổ chức cá nhân gửi vào các NH làm sai lệch số lượng tiền gửi, cũng như tài sản thực có của NH, gây rối loạn thị trường tiền tệ.
Thao túng NH
Trong quá trình điều tra vụ án này, Cơ quan CSĐT xác định, trong việc thực hiện các chủ trương hoạt động của ACB, mỗi ý kiến của bầu Kiên nêu ra sau đó trở thành nghị quyết của thường trực HĐQT NH này. Trong việc thực hiện một số chủ trương trái quy định, đã từng có thành viên là lãnh đạo ACB đứng ra can gián và đề nghị phương án khác, nhưng bầu Kiên không nghe và cuối cùng phải theo ý của ông ta.
Tại kết luận điều tra, Cơ quan điều tra cho biết, để tạo áp lực đối với các thành viên thường trực HĐQT ACB, trong các cuộc họp, bầu Kiên thường nói: "Hiện tôi không còn tham gia gì trong hội đồng quản trị, tôi nói nhăng nói cuội gì các anh nghe hay không thì tùy nhưng tôi có quyền cách chức các anh". Trong thời gian dài, phát biểu của ông Kiên được coi là quyền lực mà mọi người trong ACB đều ngầm hiểu không thực hiện theo ý ông ta thì chỉ có nước "ra đường".
Theo đánh giá của cơ quan tố tụng, vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với thủ đoạn tinh vi, có liên quan đến nhiều đối tượng giữ vị trí quan trọng của NH. Nguyễn Đức Kiên đã có những hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước. Trong đó, Kiên lập nhiều công ty nhưng hoạt động không đúng chức năng mà chủ yếu làm thủ tục để phát hành trái phiếu rồi ép bán cho NH lấy tiền đầu tư vào các NH khác để tăng cổ phiếu cổ phần của cá nhân và người thân nhằm mục đích thâu tóm chỉ đạo nhiều NH thương mại cổ phần.
Một số hành vi thao túng NH, sở hữu chéo cổ phiếu do pháp luật chưa quy định nên cơ quan CSĐT chỉ đề nghị xử lý 4 tội danh nêu trên.
Trong quá trình điều tra vụ án Nguyễn Đức Kiên, Cơ quan CSĐT còn phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật có liên quan, trong đó có 26 NH nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần từ nhân viên của ACB và 4 công ty do ACB ủy thác; hành vi tổ chức kinh doanh vàng trạng thái với nước ngoài và kinh doanh vàng vật chất qua tài khoản của ACB. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra đã hết nên tách ra tiếp tục điều tra xử lý sau.
Đề nghị truy tố bầu Kiên và ông Trần Xuân Giá cùng 6 bị can khác 7 bị can đồng phạm với Nguyễn Đức Kiên, gồm: Trần Xuân Giá (nguyên chủ tịch HĐQT ACB); Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang (cả 3 nguyên là phó chủ tịch HĐQT ACB); Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB) cùng Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội); Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội). |
Theo Thanh Niên