Từ tuyên bố đanh thép đến quyết định mềm dẻo
Sáng 15/8, hãng thông tấn Nhà nước Triều Tiên (KCNA) đưa ra tuyên bố nhấn mạnh rằng, sau khi cân nhắc, lãnh đạo tối cao của đất nước, ông Kim Jong-un đã quyết định không tiến hành phóng bốn tên lửa đạn đạo tầm trung nhắm vào vùng lãnh thổ Guam của Mỹ.
Thông báo này đã bác bỏ lời cảnh báo trước đó rằng, Bình Nhưỡng đã sẵn sàng phóng tên lửa Hwasong-12 trong tuần này, theo mệnh lệnh của ông Kim Jong-un.
Theo bình luận viên cao cấp Ankit Panda của tạp chí The Diplomat, tuyên bố của Triều Tiên không hoàn toàn bất ngờ. Tuy nhiên, nó không xuất phát từ một số quan điểm rằng Washington đã "dằn mặt" Bình Nhưỡng thành công.
Thứ nhất, bằng cách quyết định không tiến hành đòn răn đe quân sự, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho thấy, ông hoàn toàn có ý định muốn giảm leo thang tình hình.
Tuyên bố của KCNA đã chỉ rõ, quyết định trên là “để xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn xung đột quân sự nguy hiểm trên bán đảo Triều Tiên”, đồng thời tiếp tục mở rộng cánh cửa cho một cuộc trao đổi trên cơ sở bình đẳng với Mỹ.
Bản chất của tuyên bố này dường như có sự đồng điệu với “giải pháp kép” mà Trung Quốc và Nga đưa ra trong thời gian gần đây. Trong đó cả Moscow và Bắc Kinh kêu gọi Bình Nhưỡng đóng băng chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân, để đổi lấy sự chấm dứt các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc.
Thứ hai, quyết định giảm căng thẳng được đưa ra không nhất thiết phải hiểu rằng, đó là sự nhún nhường của Triều Tiên trước lời đe dọa cứng rắn của Mỹ.
Cách Triều Tiên nhấn mạnh rằng “chiến dịch tấn công đảo Guam sẽ triển khai ngay khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra mệnh lệnh” đã trở thành một tuyên bố nước đôi khéo léo, mà theo đó, ông Kim hoàn toàn có thể lựa chọn việc từ chối.
Trong tiến trình này, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thiết lập một kịch bản thương lượng vừa cưỡng chế vừa khiêu khích. Sau đó Triều Tiên đã chủ động giảm căng thẳng và thực hiện bước đi có mục đích của mình.
Lý do thứ ba, có một chi tiết đáng chú ý đó là, trong khoảng thời gian kể từ lời tuyên bố dọa tấn công Guam đầu tiên vào tuần trước, cho đến thông báo hòa dịu tuần này, Mỹ đã không thực hiện bất kỳ cuộc tuần tra B-1B Lancer nào.
Kịch bản còn rất khó lường
Máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer có căn cứ ở đảo Guam là một phần sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương. Trước đó, Mỹ vẫn liên tục thực hiện các sứ mệnh tuần tra và làm nhiệm vụ ở bán đảo Triều Tiên như một phản ứng trả đũa trước các cuộc thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên đặc biệt nhấn mạnh rằng, chính các chuyến bay của B-1B là mối lo ngại đặc biệt của nước này. Đây cũng là lý do khiến họ chuẩn bị cho cuộc tấn công tên lửa đạn đạo nhắm vào đảo Guam.
Câu hỏi đặt ra là, có khả năng Washington đã dừng các nhiệm vụ của B-1B như một động thái giảm căng thẳng? Triều Tiên cảm nhận được điều này và tiết chế lại lời hùng biện của mình.
Tuy nhiên, chuyên gia Ankit Panda cho rằng, đây có thể chỉ là diễn biến ngẫu nhiên, bởi các chuyến hành trình của máy bay Mỹ thường diễn ra theo chu kỳ lớn hơn bảy ngày.
Điều này cũng đặt ra giả thiết, toàn bộ nỗ lực táo bạo trong tuần qua của Triều Tiên có thể là cách nước này gia tăng đòn bẩy và vị thế của mình trong các cuộc đàm phán sắp tới. Theo suy nghĩ của Bình Nhưỡng, Washington chắc chắn sẽ không hạ mình nếu không có gì đặc biệt diễn ra.
Dù lý do cụ thể của Triều Tiên sẽ chưa thể giải nghĩa được lúc này, nhưng sự thay đổi giọng điệu bất ngờ chỉ trong một tuần đã cho thấy một tình huống khá thú vị.
Rất có thể Triều Tiên đang thực sự nỗ lực mở ra một cánh cửa cho đàm phán các bên, dù nước này chắc chắn vẫn giữ nguyên các điều kiện của mình.
Giới quan sát đang chờ đợi xem liệu đây có phải là bước đi có ý nghĩa của Triều Tiên, hay nó sẽ là một mô hình tiếp tục lặp lại giống như bao lời tuyên bố hùng hồn khác của nước này trong quá khứ.