Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+, một động thái khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên và gây ra phản ứng giận dữ từ Nhà Trắng.
Lý do mà Fitch đưa ra bao gồm suy thoái tài chính dự kiến trong 3 năm tới, gánh nặng nợ chính phủ cao và ngày càng tăng, và sự xói mòn của quản trị so với các công ty ngang hàng được xếp hạng ‘AA’ và ‘AAA’ trong 2 thập kỷ qua, thể hiện ở việc lặp đi lặp lại các bế tắc về trần nợ và các giải pháp vào phút chót”.
Nhà Trắng phẫn nộ
Việc Fitch thay đổi xếp hạng tín dụng của Mỹ cũng không hoàn toàn gây bất ngờ. Fitch đã đưa xếp hạng tín dụng AAA của Mỹ vào diện “theo dõi tiêu cực” hồi tháng 5, khi các nhà lập pháp ráo riết tìm phương án để giải quyết trần nợ gần 32 nghìn tỷ USD.
Cuối cùng, Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã đạt được một thỏa thuận, và Tổng thống Joe Biden đã ký dự luật trần nợ lưỡng đảng vào ngày 2/6, chỉ 3 ngày trước “ngày X” – ngày Mỹ dự kiến vỡ nợ.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế đã nhanh chóng phản đối quyết định của Fitch, lưu ý rằng dữ liệu kinh tế mới nhất, từ số liệu tỉ lệ thất nghiệp thấp đến tăng trưởng GDP ổn định, cho thấy tình hình đang được cải thiện chứ không xấu đi ở Mỹ.
“Mỹ phải đối mặt với những thách thức tài chính dài hạn nghiêm trọng. Nhưng quyết định hạ bậc xếp hạng của Mỹ của Fitch khi nền kinh tế có vẻ mạnh hơn dự kiến là điều “kỳ lạ” và không phù hợp”, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers đã viết trong một bài đăng trên X (Twitter trước đây).
“Tôi không nghĩ rằng Fitch có bất kỳ hiểu biết mới và hữu ích nào về tình hình hiện tại. Dữ liệu trong vài tháng qua cho thấy nền kinh tế Mỹ mạnh hơn những gì mọi người nghĩ, điều này tốt cho mức độ tin cậy của các khoản nợ của Mỹ,” ông Summers cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng nhanh chóng phản ứng với quyết định xếp hạng của Fitch. Bà không đồng ý với việc Fitch hạ bậc tín nhiệm, và coi quyết định này là “tùy tiện và dựa trên dữ liệu lỗi thời”.
Bà Yellen nói thêm rằng xếp hạng tín nhiệm thấp hơn “không thay đổi điều mà người Mỹ, nhà đầu tư và mọi người trên toàn thế giới đã biết. Chứng khoán Kho bạc vẫn là tài sản thanh khoản và an toàn ưu việt của thế giới, và nền kinh tế Mỹ về cơ bản là vững mạnh”, bà khẳng định.
Nhà Trắng cũng có quan điểm tương tự, nói rằng họ “hoàn toàn không đồng ý với quyết định này”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Việc hạ bậc xếp hạng của Mỹ vào thời điểm Tổng thống Biden đã mang lại sự phục hồi mạnh mẽ nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới là bất chấp thực tế.
Tác động không đáng kể
Quyết định của Fitch dường như không khiến các nhà kinh tế và chiến lược gia hàng đầu của Phố Wall lo lắng.
Ông Alec Phillips, trưởng bộ phận kinh tế chính trị Mỹ của ngân hàng Goldman Sachs cho biết, việc hạ xếp hạng “không phản ánh thông tin tài chính mới” và sẽ có “ít tác động trực tiếp đến thị trường tài chính”.
Bà Lauren DiCola, giám đốc chiến lược đầu tư và nghiên cứu thị trường tại công ty quản lý tài sản Certuity cho rằng quyết định này sẽ không ngăn cản người mua trái phiếu Kho bạc hoặc buộc phải bán.
“Chúng tôi không cho rằng điều này sẽ làm mất niềm tin của những người mua trái phiếu kho bạc nước ngoài vào Mỹ, vì thị trường kho bạc Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong thị trường toàn cầu”, bà DiCola cho biết.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu kho bạc vẫn là thị trường có tính thanh khoản cao nhất. Mặc dù điều đó có thể thay đổi về biên độ theo thời gian, nhưng chúng tôi không nghĩ rằng đó là nguyên nhân gây lo ngại trong thời gian tới”, bà DiCola chia sẻ.
Theo bà Laura Cooper, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại BlackRock International: “Mặc dù việc Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm có thể khiến các nhà đầu tư xem xét gánh nặng nợ công cao ngất ngưởng của Mỹ, nhưng nó có thể bị coi là mối lo ngại trong trung hạn”.
“Xếp hạng tín dụng của Fitch là biểu hiện của xác suất vỡ nợ. Tuy nhiên, rủi ro vỡ nợ của Mỹ vẫn rất thấp. Do đó, chúng tôi không cho rằng việc hạ cấp này có tác động lâu dài đến thị trường. Chúng tôi tin rằng trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn an toàn và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong danh mục đầu tư của nhiều nhà đầu tư”, ông George Mateyo, giám đốc đầu tư tại ngân hàng Key Private cho biết.
Ông Marc Goldwein, phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc chính sách cấp cao của Ủy ban Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm cũng cho rằng, việc giảm từ xếp hạng AAA xuống AA+ cũng giống như hạ cấp mức tín nhiệm của bạn từ cực kỳ tốt xuống rất tốt.
Nói cách khác, uy tín của Mỹ sẽ ít bị ảnh hưởng. Quốc gia này vẫn được coi là nơi đầu tư an toàn so với phần còn lại của thế giới, và điều đó khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Nguyễn Tuyết (Theo Fortune, CNN, The Guardian)