Một ngày hè nóng nực năm 2010. Tôi khi đó 25 tuổi, tốt nghiệp ĐH Xây dựng, vừa trải qua quãng thời gian không như ý và chưa từng viết bài báo nào. Còn trụ sở báo Đời sống & Pháp luật vẫn là một căn nhà ống nhỏ và cũ trên phố Nguyên Hồng. Tôi được hẹn đến để phỏng vấn cho một công việc mà tất nhiên chưa từng có kinh nghiệm: Phóng viên.
Anh Thanh khi đó cũng vừa lên chức Tổng Biên Tập. Phòng làm việc của anh ở cuối tầng 2 có rất nhiều sách báo. Tôi ngồi đối diện với anh Thanh qua chiếc bàn làm việc bề bộn giấy tờ.
Giữa đống hồ sơ xin việc, anh Thanh cầm bộ hồ sơ của tôi lên, điểm qua một số bằng cấp, chứng chỉ và nói thẳng, ở tôi không có bất cứ một tiêu chí nào mà tòa soạn cần. Tôi, thậm chí một vài bài báo kẹp vào hồ sơ để “làm màu” cũng không có.
Ở tình cảnh như vậy, có thể nhiều người sẽ bối rối nhưng tôi lại thấy khá bình tâm. Giọng anh Thanh chậm chầm nhưng có lửa. Anh nhìn tôi qua cặp kính cận rất dày. Cái dáng ngồi khom khom, cái ánh nhìn rất tri thức, cái kiểu cách giản dị… Mọi thứ về anh Thanh ngày hôm đó, cho đến giờ tôi vẫn không quên.
Quả thật một lúc sau, anh Thanh nhặt từ tập hồ sơ ra tờ đơn xin việc viết tay, để trước mặt, rồi nói: Toàn bộ hồ sơ của em giá trị nhất là cái đơn này. Trong đơn em viết muốn xin một cơ hội để thể hiện khả năng bản thân. Thì tôi sẽ đồng ý cho em một cơ hội để thể hiện khả năng của bản thân. Rồi anh Thanh cười, tươi lắm.
Sau cuộc phỏng vấn định mệnh đó, tôi trở thành 1 trong 11 phóng viên trẻ được nhận vào thử việc của báo Đời sống & Pháp luật thời điểm tháng 7/2010. Do hạn chế kinh nghiệm nên tôi khởi đầu khá chậm chạp.
Tuy nhiên do rất ham học hỏi nên 4 tháng sau, đến tháng 11/2010, 11 người “rụng” mất 4. Tôi may mắn trụ lại, được ký hợp đồng lao động dù chưa một ngày học báo.
4 tháng trui rèn đó, 4 tháng mà tôi hay gọi vui là bằng cả 4 năm học đại học, ngoài anh Nguyễn Tiến Thanh thì người ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là Tổng thư ký Nguyễn Huy Hoàng. Anh Hoàng lúc đó cũng mới chỉ ngoài 30 tuổi, rất nhiệt tình và máu lửa.
Anh hay ngồi cả 2 chân lên ghế, kéo cặp kính cận lên trên đầu và dí mắt sát vào từng bản bông tôi đưa cho anh. Nếu bài hay anh gật gù khen ngợi còn bài dở anh sẽ ngồi phân tích cặn kẽ, dạy chúng tôi là phải viết thế nào, thế nào…
Sau lứa chúng tôi, vì nhu cầu phát triển, báo cũng tuyển thêm nhiều lứa phóng viên trẻ khác. Chúng tôi thuần túy chỉ tập trung làm chuyên môn nên rất thân thiết và gắn bó. Từ năm 2010 đến 2013, Báo Đời sống & Pháp luật tăng trưởng vượt bậc từ vài ngàn bản/số lên 13 vạn bản/số.
Con số tăng trưởng khiến cả làng báo sửng sốt. Và chúng rất tôi may mắn được góp tuổi trẻ của mình vào sự phát triển thần kỳ đó. Đỉnh điểm là giai đoạn 2012-2013, cứ mỗi buổi họp giao ban anh Thanh đều tủm tỉm thông báo số bản in thêm. Báo và các ấn phẩm phủ kín các sạp báo, đặt ở vị trí trang trọng. Ai cũng vui.
Bây giờ thì tôi và phần lớn các bạn trẻ thế hệ tăng trưởng thần kỳ đó đã là Đời Kiều (tôi chuyển công tác từ cuối năm 2014). Báo cũng đã to đẹp hơn, đông nhân sự hơn và uy tín hơn.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Đời sống & Pháp luật ra số đầu tiên, xin gửi lời chúc đến toàn bộ cán bộ, phóng viên và nhân viên của báo lời chúc tốt đẹp mãi. Đặc biệt xin cám ơn anh Nguyễn Tiến Thanh, người đã quyết định nhận tôi vào ngày hè nóng nực năm 2010. Quyết định ấy đã giúp tôi định hướng hoàn toàn lại công việc, thay đổi cuộc đời tôi.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Long
Trưởng Văn phòng đại diện Tây Bắc bộ - Báo Lao động