Quyết liệt ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu

Quyết liệt ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 4, 18/10/2023 16:39

Ngành chăn nuôi tạo sinh kế, việc làm, thu nhập cho 6 triệu hộ nông dân. Do vậy, không thể để tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm hoành hành.

“Ồ ạt” nhập lậu 

Tại hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây cho biết, số vụ nhập lậu gia súc, gia cầm gia tăng nhanh, trong 9 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 160.000 động vật, gần 44.000 quả trứng gia cầm, hơn 116.000kg sản phẩm động vật.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn mỗi năm, chưa kể mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại nhập lậu.

Thiếu tướng Bùi Trọng Thế, phó cục trưởng Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), cho biết trong thời gian qua, lực lượng chức năng Lạng Sơn đã bắt giữ 31 vụ vi phạm liên quan tới kinh doanh và vận chuyển gia cầm nhập lậu, xử phạt hành chính hơn 214 triệu đồng, thu tiêu hủy trên 100.000 con giống gia cầm các loại.

Tiêu dùng & Dư luận - Quyết liệt ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu

Các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ gà giống nhập lậu

Tại Quảng Ninh, lực lượng chức năng đã bắt 3 vụ với trên 50.000 con giống gia cầm các loại, trên 19.000 quả trứng. Tại Long An, Công an Long An bắt giữ 2 vụ, khởi tố 4 đối tượng có hành vi buôn lậu trên 50 con heo. Tại Tây Ninh bắt 7 đối tượng nhập lậu trên 50 con bò.

"Thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm, do vậy nhu cầu về con giống tăng cao.

Nắm bắt được thực tế đó, các nhóm buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến", ông Minh phân tích.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết về phía Campuchia, cách biên giới thuộc xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng khoảng 2 km có một điểm thu gom trâu bò hoạt động mang tính chất như chợ địa phương (thuộc xã Chàm, huyện Kumpong Trabek, tỉnh Prey Veng). Các trường hợp trâu bò nhập lậu vào Việt Nam trên địa bàn huyện Tân Hưng đa số có nguồn từ chợ này.

"Cư dân biên giới thường có hoạt động trao đổi, mua bán động vật qua lại biên giới nhất là trâu, bò với mục đích để nuôi vỗ béo và sau đó bán vào nội địa. Do không có quy định về kiểm dịch vận chuyển trong tỉnh nên khó kiểm soát được việc trao đổi, mua bán, vận chuyển trâu bò giữa các địa phương trong tỉnh", bà Khanh nêu thực trạng.

Ngăn chặn gia cầm, gia súc nhập lậu là nhiệm vụ quan trọng 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Việc kiểm soát, ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm là nhiệm vụ quan trọng, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, đến vấn đề an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, quy mô của ngành chăn nuôi Việt Nam ngày càng lớn, 9 tháng năm 2023, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 90.600 tấn, tăng 0,1%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 373.400 tấn, tăng 2,4%; sản lượng sữa bò tươi 9 tháng ước đạt 892,5 triệu lít, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 9/2023 tăng khoảng 4,2%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 3,6 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng đàn và sản lượng gia cầm 9 tháng tiếp tục tăng với 552 triệu con, giết mổ 2 tỷ con; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất ước đạt 1,73 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm ước đạt 14,2 tỷ quả, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022.

"Ngành chăn nuôi tạo sinh kế, việc làm, thu nhập cho 6 triệu hộ nông dân. Do vậy, không thể để cho tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm hoành hành", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo ông Tiến, để ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm, cần phát triển ngành công nghiệp giống, bởi giống quyết định năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi; thúc đẩy chế biến và chế biến sâu, chú trọng bảo vệ môi trường.

Tiêu dùng & Dư luận - Quyết liệt ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu  (Hình 2).

Toàn cảnh hội nghị. 

"Một ngành chiếm 26,7% tổng giá trị, đóng vai trò nòng cốt cho tăng trưởng ngành nông nghiệp nhưng mấy năm nay, doanh nghiệp, người chăn nuôi thua lỗ nghiêm trọng, nhiều người phá sản, chăn nuôi "ăn" hết sổ đỏ. Dẫn đến điều này, có một phần tác động của tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm. Đó là chưa kể bao công sức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu đang vào đà tăng trưởng có thể 'đổ sông đổ biển' nếu không kiểm soát tốt tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm. Nhập lậu gia súc, gia cầm không chỉ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh mà còn tác động đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam", Thứ trưởng nói.

Để giải quyết dứt điểm vấn nạn nhập lậu gia súc gia cầm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Bộ Công an tăng cường chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ điều tra nắm bắt tình hình các đối tượng đầu nậu, các đường dây chuyên buôn bán, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

Đề nghị Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) tổ chức kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phạm vi địa bàn quản lý.

Đề nghị Tổng cục Hải quan Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới trong phạm vi địa bàn quản lý của Hải quan. Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trái phép.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng khẳng định quyết tâm chính trị cao của lực lượng làm công tác kiểm soát liên quan đến vấn đề nhập lậu gia súc, gia cầm. Công tác đấu tranh chống buôn lậu gia cầm, gia súc đã chuyển biến nhiều, hạn chế tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc và các nước khác.

“Công tác đấu tranh chống buôn lậu không hề đơn giản do phạm vi kiểm soát, quản lý rộng lớn, địa hình phức tạp, do vậy cần có cái nhìn đa chiều hơn trong vấn đề này. Tất các các ngành cần chia sẻ trách nhiệm, tập trung chống buôn lậu, song ngành chăn nuôi và thú y cần có giải pháp căn cơ như xây dựng các trang trại lớn, quy mô công nghiệp, sự tham gia của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để giải quyết tình trạng nhập lậu này.

Hương Anh (t/h) 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.