Thú vị hơn khi thầy giáo Lê Xuân Thao, phụ trách văn hóa bật mí: "Ở trường Giáo dưỡng số 2 rất hiếm trường hợp học sinh vào trường cùng một ngày, trở thành đôi bạn thân thiết, đạt học sinh tiên tiến và cùng được ra trường trước thời hạn tối đa sáu tháng đâu nhé". Nghe vậy, sự ngạc nhiên, tò mò khiến chúng tôi bày tỏ mong muốn tiếp xúc trực tiếp với các em.
Vào trường giáo dưỡng tìm được... “tri kỷ”
Bẽn lẽn trong bộ quần áo xanh đồng phục, Giáp và Tiến vừa đi lao động về, gương mặt vẫn còn lấm tấm mồ hôi tiến vào phòng truyền thống, nơi có hai thầy giáo nữa cùng chúng tôi ngồi chờ. Nghe thầy Thao giới thiệu với chúng tôi, hai em là những học sinh tiên tiến của trường, luôn gương mẫu dẫn đầu trong những hoạt động rèn luyện, Giáp và Tiến đều tỏ ra ngượng ngùng. Dường như, các em đã ý thức rõ việc rèn luyện tốt ở môi trường này là nghĩa vụ nên kể đến thành tích của mình và được nêu gương, các em còn chút xấu hổ. Nhưng sự tự tin nhanh chóng trở lại sau những câu chào hỏi làm quen ban đầu, Giáp và Tiến đều có đôi mắt sáng, miệng tươi và một vẻ ngoài chững chạc.
Giáp quê ở Thanh Liêm, Hà Nam còn Tiến là người Nghĩa Lộ, Yên Bái. Các thầy cô trong trường vẫn ví vui các em, một như cánh cò trắng giữa đồng bằng và một như con chim non nơi rừng núi Tây Bắc, cùng thèm tự do và sẩy chân vì sự tự do quá trớn của bản thân nên phải vào đây. Cả hai cùng sinh năm 1996, với tội danh trộm cắp tài sản nên cùng được công an hai tỉnh đưa xuống trường bàn giao trong một ngày. Giáp nhớ lại: "Ngày mới vào, em sợ và buồn chán nên không để ý đến người xung quanh, liên tục có tư tưởng bỏ trốn. Nhưng qua quá trình các thầy cô gặp gỡ, giáo dục tư tưởng, dạy cho mình biết môi trường ở đây tốt để có cơ hội trưởng thành, đặc biệt là nhờ có Tiến mà em từ bỏ ý định trốn và rèn luyện tốt hơn". Nghe nói vậy, Tiến nhìn bạn, cười bẽn lẽn phân trần: "Giáp thương em hoàn cảnh khó khăn và tính cách thật thà, hơn nữa, nếu không có Giáp chắc em cũng không có được kết quả rèn luyện tốt như ngày hôm nay để được ra trường trước thời hạn".
Chúng tôi nghe hai em nghĩ về nhau thật cảm động. Tình bạn thân thiết không phải con người cứ sống là có được. Đôi khi, ta vẫn bắt gặp những người bạn mải nhìn vào cái bản ngã của riêng mình mà sẵn sàng đẩy bạn mình xuống, dù thân thiết đến đâu. Nhưng với cặp đôi cùng tiến này lại khác. Có lẽ một phần do các em còn đang tuổi vị thành niên, chưa va chạm với nhau nhiều lợi ích trong cuộc sống nên tình bạn đẹp và trong sáng, hết lòng vì nhau.
Giáp (bên trái ảnh) và Tiến trở thành gương tiêu biểu về đôi bạn cùng tiến ở trường Giáo dưỡng số 2.
Giáp được phân công làm đội trưởng của một đội rèn luyện trong trường. Nhưng không vì thế mà tỏ ra được ưu ái hay bắt nạt các bạn. Ngược lại, Giáp không chỉ gương mẫu mà còn khuyên các bạn mình cùng chấp hành tốt nội quy, đặc biệt là Tiến. Giáp chia sẻ: "Thời gian đầu mới vào, em chán, buồn, lầm lì, ít nói vì đang quen tự do sống theo ý muốn ở ngoài xã hội. Đêm đầu tiên em đã khóc. Đến bây giờ, em vẫn không rõ cảm xúc thật sự lúc đó là nhớ nhà, là lo sợ, hay là hối hận. Nhưng khi em khóc, nhìn sang giường bên cạnh, bắt gặp đôi mắt ngấn nước của Tiến, em nghĩ cái thằng sao trẻ con nhút nhát thế. Nghĩ thoáng như vậy, em gạt nước mắt trong ánh sáng mập mờ của đèn hành lang, cố tình không để Tiến biết mình khóc vì mình là người lớn, phải làm gương cho em nhỏ. Lúc ấy, nhìn dáng nhỏ gầy của Tiến em cứ nghĩ Tiến ít tuổi hơn mình".
Ngập ngừng hồi lâu, Giáp kể tiếp: "Em có một người anh trai cùng cha khác mẹ, tình cảm anh em không được thân thiết. Nhưng cô em gái dưới em vừa ngoan, vừa học giỏi rất hay nũng nịu. Hồi còn ở nhà, mỗi lần nó khóc chỉ có em dỗ được nó cười. Nhìn Tiến đêm hôm ấy, chẳng hiểu sao em lại nghĩ về đứa em gái nhỏ của mình. Em rất thương nó, thương luôn cả Tiến". Nhìn bạn đầy trìu mến, Tiến cười, bắt lời tiếp câu chuyện mà cả hai đều ấn tượng: "Lúc đó, Giáp bảo em tại sao phải khóc? Đã dám hư thì sao phải sợ? Biết vào đây sợ rồi thì ở ngoài đừng có thói ăn cắp bố láo mất dạy nữa". Câu mắng bạn nhưng cũng như lời mắng chính bản thân mình, Giáp vui vẻ thừa nhận: "Đúng là lúc đó em nói mình chứ không phải nói với Tiến. Nhưng nhờ câu nói ấy mà sau này bọn em thân thiết với nhau".
Cả hai cùng nhìn nhau cười khi nhớ về kỷ niệm của hơn một năm trước. Giáp và Tiến đã thường xuyên tâm sự, trò chuyện với nhau trong phòng. Một phần vì giường của hai em được bố trí gần sát với nhau. Nhưng điều quan trọng, theo lời Giáp: "Vì hợp nhau, hiểu tính cách và cá tính của nhau, có thể tâm sự nhiều với nhau nên chúng em mới thân được. Em dễ hòa đồng, chơi với tất cả các bạn trong đội. Nhưng khi buồn hoặc có gì thắc mắc thì lại lôi Tiến ra để "tổng sỉ vả". Có những đêm, bọn em tâm sự với nhau đến sáng chỉ vì nhớ nhà và nhớ về những sai lầm của ngày chưa vào trường. Với em, Tiến là bạn tri kỷ, thân quý nhất trong tất cả những người bạn thân mà em từng có".
Thèm lắm một bữa cơm rau bên gia đình
Nhìn gương mặt rạng ngời của hai em như bỏ quên những mặc cảm thân phận là học sinh của một trường giáo dưỡng, tôi càng hiểu vì sao người ta nói khó khăn thử thách tình bạn. Có người từng nói với tôi rằng, một khi đã đi tù, cùng ngồi chung trên đau đớn với nhau, chia sẻ đắng cay, tủi nhục ở nơi bị tước mất quyền công dân thì khi được ra tù, tình cảm ấy rất đặc biệt, thậm chí thân thiết hơn anh em ruột thịt, người ta có thể chết vì nhau. Tôi lại càng hiểu hơn vì sao có những người đã từng ở tù, khi ra ngoài có thể hy sinh cuộc sống cá nhân để chăm sóc cho cuộc sống của gia đình bạn tù của mình. Ở trường giáo dưỡng, tuy các em không bị đối xử như người thành niên phạm tội nhưng sự nghiêm khắc, sự cô đơn đã kéo các em gần lại bên nhau, thành đôi tri kỷ.
Một niềm vui lớn cùng đến với cả Tiến và Giáp, đó là việc hai em đạt kết quả rèn luyện tốt, được ra trường nhân dịp Quốc Khánh sắp tới. Biết tin này, đôi bạn rất vui, ôm nhau đầy phấn khích. Tiến chia sẻ: "Em mong lắm ngày về để nói lời xin lỗi với mẹ em. Từ ngày em vào đây, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đường sá xa xôi, mẹ không xuống thăm em được. Bố em đã mất từ ngày em còn nhỏ, vào đây em mới thấy mình đã rất có lỗi với mẹ. Điều đầu tiên em muốn làm khi về nhà là ôm mẹ thật chặt và nói một lời xin lỗi". Còn Giáp trầm tư hơn khi nghĩ tới ngày về: "Em sẽ về nhà và ăn một bữa cơm với tất cả mọi người trong gia đình. Nhớ ngày xưa em bướng bỉnh, nhiều lần nhà dọn mâm ăn cơm em lại bỏ trốn đi vì bạn bè gọi đi chơi game. Vào đến đây, em luôn cảm thấy thèm một bữa cơm ngồi quây quần với cả nhà, cho dù đó chỉ là một bữa cơm rau".
Niềm vui và sự ân hận của các em đã lây lan cả sang mấy người trong đoàn chúng tôi. Tôi bị nhớ và ám ảnh đôi mắt mọng nước của Tiến và Giáp khi nhắc về mẹ. Có lẽ đó cũng là đôi mắt ngân ngấn nước của ngày đầu vào trường đã giúp các em nhận ra lỗi lầm của mình và thân quý nhau. Có lẽ, chúng tôi không bao giờ quên sự vô tư, trưởng thành của các em ở môi trường giáo dục mới này khi tôi hỏi: "Các em có nghĩ mình sẽ phải vào một nơi như thế này thêm một lần nữa khi xã hội ngoài kia vô cùng nhiều cạm bẫy?". Cả Tiến và Giáp đều đồng thanh: "Chắc chắn là không bao giờ"!
Nẻo về Giáp và Tiến đều chung tâm sự: Cả hai sẽ thường xuyên giữ liên lạc khi về với xã hội để cùng nhắc nhở nhau không bao giờ làm những việc vi phạm pháp luật nữa. Hai em dự định tìm một nghề để làm, tự nuôi bản thân mình giúp đỡ cha mẹ vì thời gian nghỉ học quá lâu, các em sợ không còn theo kịp kiến thức. Giáp tâm sự: "Chắc chắn sẽ không bao giờ bọn em quay lại con đường trộm cắp, làm điều trái pháp luật. Vì thời gian rèn luyện ở trường, được các thầy dạy, em hiểu, những thành quả tự mình làm ra mới thật sự là bền vững". |
Lê Tuấn - Dương Thu