Thực trạng dược liệu Việt Nam và yêu cầu cấp bách
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay ở Việt Nam có trên 5000 loại thực vật có thể sử dụng làm thuốc, trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc trong nước như: actiso, quế, hồi, quất, mạch môn…
Mặc dù nguồn dược liệu của nước ta rất lớn và nhu cầu sử dụng cao, nhưng có một thực tế đối lập hiện nay đó là dược liệu nhập khẩu vẫn chiếm đa số. Phần lớn các dược liệu nhập khẩu này không được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng, thậm chí có cả bã dược liệu là những loại dược liệu đã bị chiết hết hoạt chất.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần - Nguyên PGĐ Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Y Dược cho rằng, việc dùng các loại dược liệu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng làm thuốc gây nguy hại rất lớn cho sức khỏe con người.
PGS Thuần cho biết, mặc dù không có phản ứng ngay với sức khỏe như các loại thuốc tây, nhưng nếu sử dụng các loại dược liệu kém chất lượng lâu dài, độc tố sẽ tích tụ dần dần và gây hại về sau. Đó là chưa kể, việc nhập khẩu dược liệu đã bị hút hết tinh chất thì sẽ không có tác dụng trong việc phòng, chữa bệnh.
Trước thực trạng trên, Hiệp hội Dược liệu Việt Nam đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc cần thiết phải xây dựng một trung tâm phát triển dược liệu, bảo tồn nguồn gen dược liệu, chữa bệnh theo phương pháp đông tây y kết hợp, xây dựng chương trình quốc gia về xây dựng và bảo vệ thương hiệu dược Việt Nam…
Chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam là nước nhiệt đới, có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển dược liệu, do đó phải tận dụng. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có chương trình phát triển dược liệu Việt Nam.
Để làm được điều đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, cần chỉ rõ những khó khăn, bất cập, tồn tại trong phát triển dược liệu để khắc phục. Tổ chức sản xuất dược liệu phải gắn với chế biến, tổ chức tiêu thụ sản phẩm cả trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, cũng cần tổ chức một số trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu quy mô lớn ở các vùng, miền. Đồng thời, phải phối hợp bảo đảm chất lượng dược liệu Việt Nam; ngăn chặn hiệu quả nạn nhập lậu, buôn lậu dược liệu rởm, kém chất lượng; tăng cường quản lý chất lượng dược liệu, nhất là bảo vệ nguồn gien cây dược liệu.
Dù mất thời gian vẫn quyết tâm xây dựng vùng dược liệu sạch
Là một công ty đi đầu trong việc phát triển vùng dược liệu sạch, phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe nhân dân đặc biệt là trẻ nhỏ, nhiều năm qua Công ty Nam Dược đã phát triển nhiều vùng trồng dược liệu sạch, tuân thủ các quy định theo tiêu chuẩn thế giới, điển hình như vùng trồng dược liệu Quất ở Vụ Bản (Nam Định), vùng trồng Húng chanh ở Tân Hồng (Đồng Tháp), vùng trồng Cà gai leo ở Thạch Thất (Hà Nội)… và vùng trồng dược liệu Cát cánh ở Bắc Hà (Lào Cai).
Trao đổi với chúng tôi, đại diện công ty Nam Dược cho biết: “Xuất phát từ việc Việt Nam chưa có những vùng dược liệu sạch đúng nghĩa, và công ty chúng tôi luôn trăn trở để các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu phải là dược liệu sạch, chuẩn hóa và an toàn, nên công ty đã quyết định trồng phát triển vùng dược liệu sạch nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất các sản phẩm của công ty để phục vụ người dân”.
Để có thể trồng và phát triển được một vùng dược liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất các sản phẩm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, công ty Nam Dược phải trải qua rất nhiều bước và phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao.
Theo đó, dự án trồng cây cát cánh được bắt đầu từ năm 2012. Ban đầu cây cát cánh được trồng tại Nam Định, nhưng sau 3 năm thực hiện dự án đã không thành công. Sau đó, cây cát cánh tiếp tục được đưa vào Phú Yên trồng, nhưng kết quả cũng không mấy khả quan.
Với sự giúp đỡ của các chuyên gia đầu ngành về dược liệu ở Việt Nam, trong đó có PGS.TS Nguyễn Văn Tập sau khi nghiên cứu đã đề nghị nên đưa cây cát cánh lên vùng Bắc Hà (Lào Cai) để trồng, vì khí hậu nơi đây rất phù hợp với sự phát triển của loại cây dược liệu này.
Đặc biệt, cây cát cánh được trồng ở vùng này có hoạt chất rất cao, giá thành ổn định nên Nam Dược quyết định nhân rộng vùng trồng, nhằm tự chủ và chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào.
Năm 2015, công ty Nam Dược đã xây dựng thành công vùng trồng cây cát cánh chuẩn hóa theo tiêu chuẩn GACP-WHO ở Bắc Hà. Đây là vùng trồng được hỗ trợ và giám sát kỹ thuật bởi BioTrade - Dự án phát triển dược liệu sạch do Liên minh châu Âu tài trợ.
Đây là dự án đã đồng hành cùng Nam Dược trong việc phát triển dược liệu sạch suốt nhiều năm qua. Các giá trị mà Công ty Nam Dược theo đuổi cũng phù hợp với các giá trị của BioTrade, đó là: bảo tồn cây thuốc Việt, phát triển bền vững, chia sẻ lợi ích với người dân và minh bạch.
Được biết, tháng 9/2018, vùng trồng cát cánh chính thức được cấp chứng nhận vùng trồng đạt tiêu chuẩn GACP- WHO.
Cho tới thời điểm này, nhiều sản phẩm của Công ty Nam Dược sản xuất như Siro Ho Cảm Ích Nhi đã đảm 100% nguồn dược liệu được chuẩn hóa vùng trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Theo đó, hiệu quả sử dụng cũng như tính an toàn của sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng và đánh giá cao.
Theo Namduoc.vn