Nói đến trung tướng Nguyễn Việt Thành (tức Tư Bốn), hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới chuyên án Năm Cam và đồng bọn cách đây 10 năm do chính ông đóng vai trò chỉ đạo trong quá trình điều tra, tổ chức xã hội đen nguy hiểm làm khuynh đảo thế giới ngầm ở TP.HCM. Nhưng khi nhắc lại chuyên án này, ông chỉ lắc đầu từ chối và nói: "Chuyện cũng đã 10 năm rồi, cái gì qua hãy để cho nó qua đi". Sau khi về hưu, vị tướng khi xưa lại bình dị, mộc mạc như một nông dân chân lấm tay bùn.
Sống trong lòng dân
Thật là kinh ngạc, suốt dọc đường đi từ TP.Mỹ Tho đến xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), chúng tôi hỏi bất kì ai, nhà ông Tư Bốn ở đâu thì y như rằng người dân tận tình chỉ từng đoạn đường, ngõ ngách rẽ phải rẽ trái như thế nào.
Theo sự hướng dẫn của người chạy xe ôm ở TP.Mỹ Tho, chúng tôi nhanh chóng đến được xã Thanh Bình. Do lạ nước lạ cái, chúng tôi vẫn chưa thể tìm ra nhà tướng Việt Thành. Tiếp tục "bài ca" đi hỏi đường, lần này chúng tôi hỏi một người phụ nữ bán tạp hóa nhỏ ngay ngã ba. Nghe chất giọng, biết chúng tôi không phải người dân xứ miệt vườn, người đàn bà liền lên giọng chỉ rành mạch: "Cô qua khỏi cầu Thanh Bình rồi rẽ phải liền đi theo con đường dài khoảng 300 thước là tới ấp Bình Long. Nhà ông Tư Bốn nằm bên tay trái, có nhiều cây cối đó". Rồi người đàn bà tiếp tục nói: "Hồi sáng tui có chạy ngang đường đó thấy ông đang quét dọn ngoài ngõ. Chắc lại ghiền việc quá không bỏ được mà".
Tò mò trước cách trả lời của người dân địa phương, chúng tôi hỏi: "Ông Tư Bốn siêng làm việc nhà vậy hả cô?". Nữ chủ quán tiếp lời: "Khỏi nói đi cô ơi, chẳng lúc nào ông chịu ngồi không đâu, ông đúng là một nông dân thực thụ đó. Thậm chí nhìn ông còn nông dân hơn cả nông dân. Bà con xã này ai cũng gặp ông rồi. Ông hiền lắm, ông hay cười với bà con mình. Thấy ai làm gì, ông cũng xắn tay phụ giúp, nói chuyện thân mật y như người thân vậy. Nghe nói ông giúp bà con xứ mình nhiều lắm, mấy đứa nhỏ học sinh trường tiểu học Thanh Bình kể, cuối năm học ông hay tặng quà cho các cháu nhà khó khăn học giỏi nữa!...".
Bà Phan Thị Chín, vợ tướng Nguyễn Việt Thành và cháu nội
Ông Nguyễn Văn Hoàng, phó chủ tịch xã Thanh Bình chia sẻ về vị tướng về hưu: "Dân xứ này ai không biết Tư Bốn? Ông Tư Bốn nhìn vậy chứ cũng mệt lắm, nhà nào có đám tiệc gì cũng mời ông. Bà con chòm xóm bao năm nay, Tư Bốn dễ gì từ chối. Nói là tướng chứ ông bình dân, gần gũi với bà con lắm, ai cũng thương cũng quý! Ủy ban gặp khó khăn gì cũng kêu ông hết thảy. Ngày mới về hưu, Tư Bốn nói với anh em rằng, tôi không có gì là công thần cả, tôi về đây chỉ muốn được chan hòa với bà con, địa phương xã nhà. Quả thật, đúng như những ngày đầu trở về, tướng Nguyễn Việt Thành đã giúp đỡ quê hương rất nhiều".
Về hưu lại làm nông
Dù được biết trước ông qua những lời kể người dân nhưng trong đầu chúng tôi không khỏi tự đặt ra câu hỏi: "Tướng Tư Bốn bây giờ làm nông dân đặc biệt đến nhường này ư?". Theo thời gian nhưng ông vẫn giữ được cái dáng cao dong dỏng, đôi mắt quan sát tinh tế, khuôn mặt lạnh nhưng rất mạnh mẽ và dứt khoát. Nếu ai chưa từng gặp ông lần nào, cảm giác đầu tiên sẽ cảm thấy run sợ.
Là một vị tướng, những tưởng khi về hưu, ông sẽ sống trong một ngôi biệt thự bề thế sang trọng để an hưởng tuổi già như nhiều người khác. Tuy nhiên, đập vào mắt chúng tôi là ngôi nhà giản dị, không khác nhiều nhà dân ở nông thôn huyện Chợ Gạo mà chúng tôi thấy trên suốt chặng đường đi. Ngôi nhà nhiều gian rộng rãi, xung quanh trồng nhiều cây ăn trái, bao quanh khu vườn là ao nuôi cá, ở cuối vườn là một chuồng trại chăn nuôi với hơn 30 con heo đang ăn cám rộ.
Có thể nói rằng, căn nhà được xây dựng theo lối cấu trúc đặc biệt, dù mùa nắng hay mùa mưa, lúc nào cũng đón được gió trời. Chúng tôi chỉ cần bước ra khỏi hiên nhà một vài bước là đụng trái cây, hoa cỏ. Nếu để ý kỹ trong khu vườn rộng hơn 2.000m2 ấy sẽ không thấy chiếc lá sâu nào trên cây. Và trên sân, cái ngõ dẫn vào nhà không có một chiếc lá khô, một cành cây khô gãy.
Bà Phan Thị Chín, vợ ông, cho biết: "Ông có tuổi rồi nhưng đâu có chịu ngồi không. Ông kĩ tính lắm, sáng nào ông cũng thức dậy từ lúc 5h sáng để hốt đất từ dưới ao lên đưa vào những gốc cây. Xong xuôi, ông lại xách chổi quét dọn mọi nơi sạch sẽ mới chịu nghỉ tay. Đến nỗi đứa cháu nội nắm luôn được thói quen của ông. Mỗi lần nó thấy ông bước ra sân là nhanh chân chạy trước ông xách cái chổi cây và cái xúc rác đưa cho ông bảo, của ông đây nè".
Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn cả, gian bếp nơi sum họp, đoàn tụ của cả gia đình ông Tư Bốn vẫn để cái giá sắt, tấm võng đã bạc màu, mấy sợi dây dù màu trắng, màu hồng te tua trên đầu võng. Có lẽ nó là kỷ vật đã theo ông suốt những năm về TP.HCM làm phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát bộ Công an.
Khi được chúng tôi hỏi về sở thích của chồng mình khi còn đi làm, bà Phan Thị Chín tâm sự: "Ông đi làm xa nhà nhưng hương vị quê nhà ông không bao giờ quên. Biết sở thích của chồng, lâu lâu, tui lại hái từng ngọn rau trồng tại vườn nhà, gởi từng con cá, ký thịt heo, mắm muối đến cả nước ngọt lên thành phố để ông dùng. Ông còn có thói quen là cho dù quen hay không quen trong lúc trò chuyện, bao giờ ông cũng chăm chú lắng nghe người khác nói, đến phiên mình, ông luôn suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận trước khi mở lời. Thói quen đó không chỉ có trong lúc làm việc, mà ngay khi ngồi nhậu với em út, con cháu ông cũng trầm tĩnh như thế".
Nhìn chiếc võng bạc màu của ông Tư Bốn, chúng tôi nhớ lại chuyện trong quá trình điều tra "tập đoàn tội phạm" xã hội đen của Năm Cam, ông thường xuyên "được" đám đàn em của hắn đeo bám. Theo lời thuật của một đàn em Năm Cam, sau khi ông Tư Bốn từ Tiền Giang về TP.HCM nhận nhiệm vụ phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, nhân một chuyến đi chơi Đài Loan, Năm Cam đã tìm đến bà thầy coi bói nổi tiếng ở Đài Bắc để xem về vận số của mình. Bà thầy bói đã gieo quẻ nhiều lần, xủ quẻ rất lâu, cuối cùng phán rằng vận số của Năm Cam đang rất xấu do một mối đe dọa đến từ hướng Tây. Trở về Việt Nam họp "ban tham mưu", Năm Cam nhận ra rằng mối đe dọa từ hướng Tây mà bà thầy Đài Loan đã phán không thể là ai khác hơn, mà chỉ có thể là tướng Tư Bốn. Năm Cam triển khai ngay kế hoạch tiếp cận, mua chuộc, vô hiệu hóa vị tướng miền Tây này bằng cách giao cho Hiệp "phò mã" và Thọ "đại úy" chỉ mỗi việc theo sát ông Tư Bốn để tìm hiểu hoàn cảnh, thân thế, sở thích, thói quen, kể cả việc ông thích ăn uống ở đâu, nhậu loại rượu gì, tối ngủ thế nào. Mục đích cuối cùng của Năm Cam là mua chuộc cho được tướng Tư Bốn. Thế nhưng, sau thời gian theo dõi sát mọi công việc, sinh hoạt của tướng Tư Bốn, Hiệp "phò mã" đã báo cáo cho cha vợ là Năm Cam về ông Tư Bốn bằng mấy chữ ngắn gọn: "Ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân” và kết luận: Đó là con người không thể mua chuộc, sẽ rất nguy hiểm cho công việc của cha con Năm Cam! |
Kỳ tới: Sống điền viên vẫn chưa thôi trăn trở
Quyên Triệu
Vị tướng "bình dân" tâm sự về điều mà ông kị nhất: "Từ ngày làm công an đến giờ tui chưa bao giờ bước chân vào nhà hàng ăn nhậu bao giờ. Chỉ trừ khi có đám cưới, đám tiệc của đồng nghiệp, bạn bè tổ chức ở nhà hàng họ mời thì bắt buộc mình phải đi. Sau công việc, bạn bè anh em muốn nhâm nhi vài li giải mỏi thì góp lại tiền lại mua lít rượu đế, câu cá dưới ao lên, thêm ít khô là lai rai thôi. Tuy nhiên, uống say thì về ngủ cho tỉnh táo chứ không la lối om xòm, bà con xóm giềng họ cười cho".