Bộ trưởng bộ Công an vừa ký ban hành Thông tư số 06/2021 quy định cụ thể về hình dáng, kích thước, nội dung, quy cách, ngôn ngữ khác, chất liệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip và trách nhiệm của công an các đơn vị, địa phương trong việc sản xuất, cấp và quản lý mẫu thẻ. Chip điện tử được gắn ở mặt sau thẻ căn cước sẽ lưu trữ thông tin cơ bản của công dân.
CCCD mẫu mới hình chữ nhật, 4 góc được cắt tròn. Thẻ có chiều dài 85,6 mm, rộng 53,98 mm và dày 0,76 mm giống kích thước của mẫu thẻ căn cước mã vạch đang lưu hành, mặt sau còn có 2 ô vân tay của ngón trỏ trái và ngón trỏ phải của người được cấp thẻ.
Chip có chữ ký số, khả năng lưu trữ sinh trắc học (vân tay), thông tin cá nhân để xác thực nên rất khó làm giả.
"Chủ sở hữu mới có thể sử dụng được thẻ vì ngoài số định danh cá nhân, thẻ còn lưu thông tin cá nhân, nhận dạng nên đảm bảo độ tin cậy khi thực hiện các giao dịch", đại diện bộ Công an nhấn mạnh.
Điểm mới của thẻ căn cước công dân gắn chip là các nội dung in trên thẻ như họ tên, ngày sinh, giới tính, quê quán hay quốc tịch đều được in song ngữ (gồm tiếng Việt và tiếng Anh).
Mặt trước của mẫu thẻ căn cước công dân gắn chip có phôi bảo an để chống làm giả. Mặt sau gồm thông tin cá nhân (được in song ngữ) giống với mẫu thẻ cũ, đặc điểm nhân dạng, thời gian cấp thẻ, chức danh của người có thẩm quyền cấp thẻ, dấu có hình quốc huy.
Theo Thông tư số 112/2020 vừa được Bộ Tài chính ban hành để hướng dẫn mức thu một số khoản phí, lệ phí cấp căn cước công dân được giảm 50% so với mức thu quy định tại Thông tư 59/2019. Mức giảm này thực hiện từ 1/1 đến hết ngày 30/6.
Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày Thông tư số 06 có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Khi công dân có yêu cầu sẽ được đổi sang CCCD mới. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CCCD được cấp trước ngày Thông tư số 06 có hiệu lực thi hành thì vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Nguyên Anh (Tổng hợp)