Theo đó, chuyên đề này đã được bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thực hiện từ năm 2011 với dự án: “Nghiên cứu sưu tầm và trưng bày tư liệu về Bà mẹ Việt Nam anh hùng TP.HCM”.
Dựa trên những tài liệu, hiện vật thu thập được, triển lãm “Chân dung bà mẹ Việt Nam anh hùng miền Nam và TP.HCM” đã giới thiệu đến khách tham quan 70 hình ảnh và 60 hiện vật, khắc họa rõ nét chân dung của những Bà mẹ Anh hùng các tỉnh, thành miền Nam và TP.HCM.
Mỗi một hiện vật, một câu chuyện được ghi chép lại như những chứng nhân lịch sử theo mạch nguồn từ quá khứ đến hiện tại, giúp cho khách tham quan có những cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về những đóng góp to lớn của những người phụ nữ Việt Nam giản dị, mộc mạc mà kiên trung, bất khuất, đầy hy sinh.
Đó là những bà mẹ nông dân chân chất, những và mẹ nội trợ chỉ biết công việc đồng áng, bếp núc trong nhà; hết mực thương yêu, chăm sóc chồng con nhưng cũng rất anh dũng, kiên cường. Trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, những người mẹ thay chồng làm lụng để nuôi con bằng những công việc bình thường hàng ngày như làm ruộng, làm rẫy, buôn gánh bán bưng, tráng bánh tráng...
Không chỉ nuôi con, mẹ tiết kiệm từng đồng để tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ cho kháng chiến. Có những người mẹ bằng tài trí của mình làm giao liên, dẫn đường cho bộ đội ra vào hoạt động, tham gia tải thương, biểu tình, chống dồn dân vào ấp chiến lược; những bà mẹ làm công tác binh vận, dân vận, tình báo…
Ngoài ra, cũng có không ít những bà mẹ trực tiếp tham gia lực lượng võ trang và trở thành những nữ tướng cầm quân xuất sắc.
Chia sẻ với phóng viên báo Người Đưa Tin, bà Trương Mỹ Hoa - Nguyên Phó Chủ tịch nước bồi hồi: “Tôi vô cùng xúc động khi có mặt tại đây để dự buổi triển lãm về Mẹ Việt Nam anh hùng. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã lưu giữ được những hình ảnh và hiện vật như thế này thật sự quá tốt. Việc làm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn và lưu giữ những giá trị lịch sử. Đó là bài học về lòng yêu nước, sự hy sinh và cống hiến của các thế hệ đi trước để lại cho thế hệ mai sau.”
Cùng với việc khánh thành phòng trưng bày mới về Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cũng đã giới thiệu tới đông đảo khách tham quan một phần văn hóa Tây Nguyên thông qua “Bộ sưu tập chóe”.
150 chóe với hình dáng khá phong phú và đa dạng về kiểu dáng, hoa văn trang trí được chia làm 5 nhóm: Chóe men nhiều màu, chóe trơn, chóe khắc vạch, chóe mẹ bồng con, chóe in nổi đã được bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ dày công nghiên cứu, sưu tầm và bảo quản trong hơn 20 năm qua.
Bộ sưu tập chóe được sưu tầm trải dọc từ các tỉnh Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, Đắk Nông,... đến các tỉnh miền Đông Nam bộ như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai; kể cả các tỉnh miền Tây Nam Bộ và TP.HCM.
Một số câu chuyện, hình ảnh và hiện vật được trưng bày trong chuyên đề: