Theo Japan Times, phát biểu trước các hãng thông tấn quốc tế tại một diễn đàn kinh tế ở thành phố Petersburg, ông Putin cho rằng Washington không tỏ ra quan tâm chút nào đến việc đàm phán mở rộng hiệp ước Cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược New START, hiệp ước cắt giảm các đầu đạn hạt nhân.
“Nếu không ai muốn mở rộng hiệp ước New START, chúng tôi cũng sẽ rút khỏi hiệp ước. Chúng tôi từng hàng trăm lần nói rằng chúng tôi sẵn sàng mở rộng hiệp ước. Nhưng vẫn không có quá trình đàm phán chính thức nào diễn ra”, ông Putin cho biết.
Hiệp ước này được Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký ở Prague năm 2010. Hiệp ước kết thúc vào năm 2021.
Cùng với hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), New START được xem là hiệp ước then chốt trong việc kiểm soát vũ khí của các cường quốc.
Moscow lưỡng lự trong việc tham gia hiệp ước INF vào tháng 3 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ rút bỏ khỏi hiệp ước này với cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của hiệp ước.
Ông Putin cáo buộc Washington trong việc làm xói mòn chương trình kiểm soát vũ khí toàn cầu với việc rút khỏi hiệp ước tên lửa chống đạn đạo song phương năm 2002 và sau đó rút khỏi INF.
Ông Putin cho rằng việc chấm dứt New START là điều nguy hiểm vì nó có thể gây nên cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. “Nếu chúng ta không giữ “con rồng hung hãn” này dưới sự kiểm soát, nếu chúng ta để nó “xổng ra” có thể gây nên thảm họa toàn cầu”, ông Putin nói.
“Sẽ không có bất cứ phương cách nào để giới hạn cuộc chạy đua vũ trang chẳng hạn như việc triển khai vũ khí không gian. Điều này có nghĩa rằng vũ khí hạt nhân sẽ lơ lửng trên đầu chúng ta mọi lúc”, ông Putin cho hay.
Ông Putin cũng nói rằng ông rất lo ngại khi không có sự thảo luận toàn cầu về vấn đề này. “Sẽ có ai nghĩ về điều đó, nói về điều đó hay bày tỏ lo ngại về điều đó? Không có ai cả, tất cả đều im lặng”, nhà lãnh đạo Nga cho hay.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh, cuộc điện đàm gần đây nhất giữa ông với Tổng thống Mỹ Trump cho ông lý do để lạc quan rằng, hai bên có thể sớm tiến tới một thỏa thuận.
Ông Putin cũng đề xuất mở rộng thành viên tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START–3) nhằm mang lại thành công và sự ổn định cho hiệp định.
Tổng thống Nga nói:“Nhìn toàn cảnh, tôi cho rằng, tất cả các quốc gia hạt nhân đều nên tham gia hiệp định. Tất cả các quốc gia, kể cả các quốc gia được công nhận chính thức và không được công nhận chính thức là quốc gia hạt nhân. Vì nếu chỉ có các quốc gia chính thức được công nhận là quốc gia hạt nhân tham gia trong khi những quốc gia không được công nhận vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, tiến trình thực thi hiệp định sẽ dừng lại dù đã có thỏa thuận giữa các quốc gia đã được công nhận chính thức là quốc gia hạt nhân. Chúng ta cần tạo ra một diễn đàn rộng khắp cho việc thảo luận và đưa ra quyết định”.
Tuyên bố của người đứng đầu nước Nga đưa ra trong bối cảnh cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ nhằm gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START–3) đến năm 2026, đang giậm chân tại chỗ. Hồi tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bất ngờ tuyên bố về khả năng gia hạn Hiệp ước START mới với Nga, đánh dấu một sự thay đổi của chính quyền Mỹ kể từ năm 2017 khi ông Trump mới đắc cử đã chỉ trích Hiệp ước START là một “thỏa thuận một chiều” được đàm phán bởi người tiền nhiệm Barack Obama. Tuy nhiên, cho đến nay, nhà chức trách Mỹ vẫn chưa có động thái gì nhằm đàm phán gia hạn hiệp ước với Nga.
Xem thêm >> Hủy mua S-400 để trở lại "vòng tay" Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ nên cẩn thận vì "gấu Nga có móng vuốt"