“Ra vào Hà Nội dễ lắm!”

“Ra vào Hà Nội dễ lắm!”

Lê Tuấn

Lê Tuấn

Thứ 2, 09/08/2021 14:28

“Xe đón tận nơi trả tận nhà, vào ra ok mới thu tiền …”, đó là khẳng định chắc nịch của những lái xe dịch vụ đang ngày ngày đưa “lậu” người ra vào Hà Nội.

Nhằm đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/7/2021, Tổng cục đường bộ Việt Nam (TCĐB VN) đã ban hành văn bản số 4916/TCĐBVN-ATGT) kèm theo đó là chi tiết tuyến ưu tiên tạo luồng xanh lưu thông cho các phương tiện vận tải trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Chính sách đó đang bị nhiều lái xe dịch vụ lợi dụng để hàng ngày đưa “lậu” người vào ra Hà Nội, nơi đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là Chỉ thị giãn cách có cấp độ cao nhất, mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết, dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân, kiểm soát chặt chẽ người ra- vào thành phố...

Vì tiền chẳng màng an nguy xã hội

Theo nội dung tại Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội, sẽ chỉ có 3 loại xe được lưu thông (xe “luồng xanh”). Đó là xe chở hàng hóa đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa trên "luồng xanh" quốc gia, có lộ trình đi qua TP Hà Nội; xe chở hàng hóa thiết yếu cho TP Hà Nội của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và phục vụ các công trình xây dựng được phép hoạt động theo chỉ thị 17 của UBND TP; xe chở người và các phương tiện phục vụ công vụ của các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng được phép hoạt động theo chỉ thị 17 và các loại phương tiện vận chuyển khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quy định rõ ràng như vậy, thế nhưng, tham gia vào vài hội nhóm trên mạng xã hội, phóng viên không khỏi choáng ngợp trước sự “nhộn nhịp” của thị trường vận tải mùa dịch. Nhan nhản là những lời mời chào đưa rước từ bất kỳ địa phương nào vào Hà Nội, người từ Hà Nội cũng có thể dễ dàng di chuyển ra khỏi thành phố từ những chuyến xe có giá cước “cắt cổ” này. Chỉ cần đăng bài, ngay lập tức có hàng chục xe vào nhận khách, điều kiện duy nhất là khách phải có xét nghiệm PCR hoặc test nhanh âm tính với Sars-Cov-2. Mọi giấy tờ, thủ tục khác để ra- vào, nhà xe sẽ lo hết, đảm bảo trót lọt và an toàn.

Hồ sơ điều tra - “Ra vào Hà Nội dễ lắm!”

Bất chấp lệnh giãn cách, thị trường vận tải hành khách đi/đến vẫn "nhộn nhịp" mùa dịch.

Trong vai khách hàng đang có nhu cầu, phóng viên tiếp cận với lái xe L.T.H. Người này cho biết, có cả xe 5 và 7 chỗ (xe gia đình) chạy liên tục, sẵn sàng đưa đón ở bất kỳ đâu vào Hà Nội. Với quãng đường 136 km, từ Thạch Thành (Thanh Hóa) vào đến phố Bà Triệu (Hà Nội), mức cước một chiều là 1,2 triệu đồng, nếu chờ đón thì mức giá đội lên  3 triệu đồng. Bình thường chỉ khoảng 900 nghìn đồng một chiều. Khi ngỏ ý muốn đặt xe vào 2 ngày hôm sau, anh T. xem lại lịch và tuyên bố, lịch đi Hà Nội đã hết, nếu muốn đi phải đợi 3 ngày nữa, ra vào trót lọt xong mới thu tiền của khách. Điều đó chứng tỏ lái xe này ra vào Hà Nội không khác gì “đi chợ”. Tò mò về phương thức ra vào thì người này lẩn tránh, chỉ trả lời nhát gừng: có cách!

Hồ sơ điều tra - “Ra vào Hà Nội dễ lắm!” (Hình 2).

Thanh Hóa - Hà Nội 1,2 triệu một lượt

Một lái xe khác tên M., thông báo giá cước từ Duy Tiên (Hà Nam) về Hà Nội: xe gia đình 7 chỗ, nếu đi ghép xe với người khác thì cước 700 nghìn (không ghép quá 4 người), một mình một xe là 1,5 triệu đồng. Phóng viên thắc mắc về điểm trả khách trong nội thành thì người này khẳng định “xe đón tận nơi, trả tận nhà”.

Hồ sơ điều tra - “Ra vào Hà Nội dễ lắm!” (Hình 3).

Lái xe khẳng định "xe đón tận nơi, trả tận nhà"

Đó là chiều vào Hà Nội, nếu có người muốn đi ra cũng rất dễ dàng. Chỉ với một tờ giấy xét nghiệm âm tính, những lái xe này sẵn sàng đưa khách đến bất cứ nơi đâu và tất nhiên, giá cước cũng chẳng hề rẻ so với chiều vào.

Bên cạnh đó, tình trạng lừa đảo cũng xuất hiện trong những chuyến xe này. Rất nhiều người, sau khi chuyển tiền giữ chỗ trước thì sau đó lái xe bỗng “bặt vô âm tín”. Vài hành khách còn lâm vào tình trạng khố khổ hơn nữa khi đã lên xe, thanh toán đầy đủ cước, đi được nửa đường thì bị bỏ lại với lý do, chốt trước mặt không qua được. Nạn nhân chỉ đành cam chịu, không dám báo chính quyền vì chính bản thân cũng đang vi phạm pháp luật. Những con người này, họ sẽ đi về đâu trong tình huống “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”?

Hồ sơ điều tra - “Ra vào Hà Nội dễ lắm!” (Hình 4).

Không ít người đã tiền mất tật mang vì trót tin tưởng vào lời hứa của lái xe

Nếu những chuyến xe này trót lọt, sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Với sự kiểm soát chặt chẽ như hiện nay, không hiểu những lái xe này đã dùng thủ đoạn gì để có thể vượt qua hàng trăm chốt chặn dày đặc của lực lượng chức năng.

Đã đến lúc cần mạnh tay hơn trong xử lý các hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch

Về giải pháp để xử lý triệt để việc "trục lợi từ luồng xanh", cần phải giám sát chặt lộ trình hoạt động của các phương tiện qua hệ thống, quét mã QR để xác minh thông tin tài xế (bao gồm kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 còn thời hạn); tăng cường kiểm tra đột xuất các phương tiện được cấp mã QR “luồng xanh”. Nếu vi phạm lộ trình di chuyển đã được cấp phép hoặc vận chuyển chở người và hàng hóa trái phép, ngoài việc xử lý theo quy định, sẽ áp dụng biện pháp thu hồi thẻ nhận diện, không gia hạn hoặc từ chối không cấp thẻ nhận diện có mã QR…

Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc, xử lý của cơ quan chức năng, để “chặn đứng” hành vi trục lợi từ việc lợi dụng phương tiện có thẻ nhận diện “luồng xanh” thì quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của các tài xế và chủ doanh nghiệp vận tải. Cụ thể như: phải tuyệt đối chấp hành các quy định về y tế đối với lái xe, người phục vụ theo xe khi đi và đến từ vùng dịch; phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 có hiệu lực trong vòng 72 giờ kể từ khi xét nghiệm; tuyệt đối không chở hàng lậu, không chở người trên thùng xe để trốn chốt kiểm soát dịch...

Với tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp tại Hà Nội, nếu không kiểm soát chặt thì rất dễ dẫn tới hệ luỵ xấu. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng cần phải mạnh tay xử lý, quyết liệt ngăn chặn những hành vi coi thường luật pháp, coi thường sức khỏe và tính mạng của người khác.

Luật sư Hà Ngọc Tuyên, trưởng Văn phòng luật sư Hà Tuyên, đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết: hành vi của các lái xe này có dấu hiệu vi phạm khoản 7, điều 8, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 và có thể bị xử lý vi phạm hành chính đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điều 7, Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm có thể bị phạt tiền.

Cùng quan điểm nhưng Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, văn phòng Luật Kết Nối, đoàn luật sư Hà Nội cứng rắn hơn, nếu phát hiện tình trạng lây lan dịch bệnh, phát sinh từ chính lái xe, hành khách của những chuyến xe “lậu” này, hoàn toàn có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự lên tới 12 năm tù nếu làm lây lan dịch bệnh.

Thời gian qua lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm như, lái xe đi không đúng lộ trình cho phép, người điều khiển phương tiện không đúng với danh sách lái xe đã được đăng ký... Một số lái xe lợi dụng giấy thông hành được cấp, tổ chức chở người trái phép nhưng chưa có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự khiến luật pháp chưa đủ sức răn đe. Đã đến lúc cần xử lý mạnh hơn nữa đối tượng này.

Theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 thì tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người bị xử phạt hình sự như sau:

 

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

  1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
  2. a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
  3. b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
  4. c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
  5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
  6. a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
  7. b) Làm chết người.
  8. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
  9. a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
  10. b) Làm chết 02 người trở lên.
  11. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

 

                                                                                                                                             Minh An

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.