Những ngày qua, chứng kiến Tùng Sơn trở thành “hố trút giận” của cộng đồng mạng – tôi rất thương và có một chút xíu đồng cảm với chàng trai sinh năm 1995 này. Trước khi lập gia đình, tôi cũng từng bị ném đá vì “lợi dụng nhan sắc để bán hàng online”. Đắng lòng hơn, trong những người cầm viên đá vừa nhọn vừa sắc nhắm vào tôi có rất nhiều người họ hàng, bạn bè từng tỏ ra thân thiết, gần gũi. Liệu giờ đây Tùng Sơn có rơi vào tình cảnh tương tự?
Trước hết, hãy nói qua một chút về các sản phẩm "giải trí" (xin lưu ý từ này) mà Tùng Sơn đăng tải trên mạng xã hội. Ấn tượng ban đầu về chúng có thể diễn đạt gói gọn bằng một từ: Sốc. Ít ai xem hết clip khóc lóc thương nhớ bạn trai của Tùng Sơn mà kìm giữ cơ mặt "vô cảm" từ đầu đến cuối.
Dù rằng cách phối đồ, trang điểm kỳ quặc trong các sản phẩm đó khiến người xem nhớ đến một số hiện tượng mạng "xuất xứ" từ Thái Lan, nhưng nhờ hát nhạc Việt, tâm sự bằng tiếng Việt mà “phong cách” của Tùng Sơn vẫn là độc nhất vô nhị với cộng đồng mạng Việt Nam. Đây cũng là lời giải đáp cho tốc độ phủ sóng kinh hoàng của "công chúa Thuỷ Tề" suốt thời gian qua.
Tính đến thời điểm hiện tại, fanpage chính thức của Tùng Sơn đã đạt hơn 690 ngàn lượt thích và có độ tương tác cao. Hơn 10 triệu kết quả trả về khi tìm kiếm từ khoá "Tùng Sơn" trên công cụ Google search là một con số đáng mơ ước, thậm chí còn vượt xa kết quả tìm kiếm của nhiều tên tuổi ca sĩ, diễn viên, người mẫu, hoa hậu....
Chàng trai Trà Vinh đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của "sự khác biệt" đối với sự thành – bại sau cả quá trình xây dựng hình ảnh cá nhân.
Tôi không rõ Tùng Sơn kiếm được bao nhiêu tiền quảng cáo mỗi tháng. Tôi cũng chẳng quan tâm tới người đứng sau những hình ảnh, video clip của cậu. Vì tất cả những ưu đãi mà Tùng Sơn hay ekip của cậu được hưởng lúc này là phần thưởng xứng đáng, đền đáp cho toàn bộ công sức họ bỏ ra trước đây.
Bạn có quyền múa phím chê bai Tùng Sơn hoặc lườm nguýt, trề môi nếu bất ngờ được gặp Tùng Sơn bằng xương bằng thịt. Nhưng điều đó cũng chẳng làm thay đổi khẩu vị dùng bữa hay khiến cốc nước Tùng Sơn uống mỗi sáng đột nhiên bị nhiễm chì. Trong khi bạn ngồi đó và ghét bỏ Tùng Sơn thì tiền vẫn âm thầm chảy vào túi cậu ấy. Trong khi bạn vẫn le lói giữa dòng đời, quanh đi quẩn lại chỉ từng ấy mặt người biết đến thì cái tên Tùng Sơn ngày càng lan toả, thậm chí len lỏi vào hầu khắp các cuộc hội thoại giữa những người trẻ.
Bởi vì Tùng Sơn nổi tiếng còn bạn thì không!
Đám đông hiện tại giống như Chí Phèo, ngửa cổ oán trách... Facebook đã sản sinh ra một hiện tượng khó hiểu như Tùng Sơn và cho rằng sự hiện diện của cậu ở bất cứ đâu cũng thành "rác phẩm". Còn “cái gai” trong mắt thiên hạ thì vẫn hồn nhiên quay clip, chụp hình rồi để lại những bình luận dễ thương, nhí nhảnh ngay dưới bài đăng của mình như muốn nói:
- "Rác phẩm đấy, sao còn “bốc” thử làm gì?"
Biểu hiện cao nhất ở một xã hội văn minh, đó là thái độ tôn trọng sở thích, lời nói, hành vi (không vi phạm pháp luật) của người khác. Những việc cấm đoán, uy hiếp, hạn chế quyền tự do cá nhân chỉ được hưởng ứng vào những thời điểm tăm tối nhất trong lịch sử loài người. Ta muốn đắm chìm trong những giai điệu cổ điển trữ tình thì họ cũng cần được vặn loa to hết cỡ để khiêu vũ trên nền nhạc “Nắng ấm xa dần rồi! Nắng ấm xa dần rồi!”
Đừng trách Tùng Sơn, cậu ấy chẳng gây ra lỗi lầm gì. Có trách thì hãy trách thị hiếu người dùng mạng bây giờ quá dễ dãi...
NG. Hà
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả