Rắc rối cho tàu chiến Nga ở Bắc Cực

Rắc rối cho tàu chiến Nga ở Bắc Cực

Chủ nhật, 24/11/2024 08:40

Nga đang phát triển một hạm đội tàu phá băng, nhưng không có tàu nào tham gia vào chuyến hải trình gần đây nhất của Hạm đội phương Bắc, khiến chiến hạm Nga gặp khó khi di chuyển qua Tuyến đường biển phía Bắc (NSR).

Ba tàu từ Hạm đội phương Bắc của Hải quân Nga đã khởi hành từ Vịnh Kola vào đầu tháng 8 với lộ trình hướng đến vùng biển Bắc Cực băng giá. Hai tàu khu trục và một tàu chở dầu đã đi được hơn 11.000 hải lý qua toàn bộ Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) trước khi trở về căn cứ khoảng 2,5 tháng sau đó.

Phó Đô đốc kiêm Phó Tư lệnh Hạm đội phương Bắc Oleg Golubyev cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo quân sự Na Strazhe Zapolyarya rằng, đây là chuyến đi dài nhất và toàn diện nhất đến Bắc Cực từ trước đến nay của Hạm đội phương Bắc.

Các tàu đã đi đến tận Egvekinot trên bờ biển Bering. Trên đường đi, hơn 80 cuộc tập trận đã được tổ chức, một số trong số đó là một phần của cuộc tập trận Ocean-24 cùng với Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga.

Đây là chuyến hải trình thứ 13 thuộc loại này của Hạm đội phương Bắc. Phó Đô đốc Golubyev đã tham gia tất cả các chuyến đi này.

Rắc rối cho tàu chiến Nga ở Bắc Cực- Ảnh 1.

Khu trục hạm Vice-Admiral Kulakov là một trong 3 tàu tham gia chuyến thám hiểm Bắc Cực của Hạm đội Phương Bắc năm 2024. Ảnh: RCI

Rắc rối cho tàu chiến Nga ở Bắc Cực- Ảnh 2.

Băng biển gây rắc rối cho chiến hạm Nga trong hải trình qua Bắc Cực mà không có sự trợ giúp của tàu phá băng. Ảnh: Barents Observer

Theo lời của ông Golubyev – một chỉ huy hải quân giàu kinh nghiệm, không phải quá trình huấn luyện chuyên sâu là phần khó khăn nhất của chuyến thám hiểm năm nay, mà chính là băng biển. "Băng biển đã làm nhiệm vụ trở nên phức tạp hơn", ông thừa nhận.

Nga đang trong quá trình xây dựng một đội tàu phá băng chuyên phục vụ hải quân, và 2 cỗ máy với sức mạnh đáng gờm đã đi vào hoạt động. Nhưng cả tàu phá băng Ilya Muromets và Yevpaty Kolovrat đều không tham gia chuyến hải trình nói trên. Hai tàu phá băng tiếp theo, Ivan Papanin và Nikolay Zubov, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2025 và 2026.

Do đó, 3 tàu của Hạm đội Phương Bắc đã ra khơi mà không có sự hỗ trợ của tàu phá băng. Trong chuyến đi, có một lần, ông Golubyev và các thuyền trưởng đã phải liên hệ với đơn vị điều hành tàu phá băng hạt nhân Rosatom để được hỗ trợ.

"Tất nhiên là tôi muốn có nhiều tàu hơn để điều chỉnh hoạt động ở Bắc Cực, nhưng hiện tại chúng tôi hài lòng với những gì mình có", vị phó đô đốc nói với tờ báo Nga trong ấn phẩm xuất bản ngày 15/11.

Các thủy thủ Hạm đội phương Bắc trước tiên đã gặp phải băng biển dày ở Eo biển Long, vùng biển giữa Đảo Wrangle và đất liền, và lớp băng trải dài đến tận Eo biển Bering.

Mặc dù các vùng nước chính dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) đã được lập bản đồ, nhưng vẫn còn những khu vực cần được khảo sát thêm. Các quá trình liên quan đến sự hình thành và tan chảy của băng biển cũng ảnh hưởng đến độ sâu của nước, ông Golubyev giải thích.

"Sự khác biệt về độ sâu có thể lên tới 3 m so với những gì được hiển thị trên bản đồ", ông nói. Vị phó đô đốc nhấn mạnh rằng Hải quân Nga hiện đang tích cực đào tạo thuyền trưởng và hoa tiêu để điều hướng tàu ở vùng biển Bắc Cực, và ca ngợi sự hợp tác với Rosatom và Viện nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực (AARI).

Minh Đức (Theo Barents Observer)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.