Rắc rối pháp lý khó gỡ của cô giáo chuyển giới

Rắc rối pháp lý khó gỡ của cô giáo chuyển giới

Chủ nhật, 10/03/2013 14:46

Không ít trường hợp sau khi ra nước ngoài chuyển đổi giới tính, tưởng như toại nguyện được ước mơ của mình, nhưng khi trở về nước, ngay tại sân bay, họ đã gặp khó về tính pháp lý, bởi họ không còn là mình ở trong giấy tờ tùy thân nữa.

Rắc rối “hậu” chuyển đổi giới tính

Sau khi học hết lớp 12, anh Phạm Văn Hiệp thi đậu 2 trường đại học Kinh tế và Ngân hàng ở TP.HCM. Qua tìm hiểu trên mạng xung quanh việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính, Hiệp quyết định thay đổi con người mình. Hiệp đã dạy thêm tại các trung tâm luyện thi ở TP.HCM để kiếm tiền, có được 25.000USD, Hiệp khăn gói sang Thái Lan... Cuối năm 2006 - 2008, sau nhiều lần mổ, trải qua nhiều công đoạn, Hiệp từ đàn ông đã trở thành đàn bà về ngoại hình.

Luật sư - Rắc rối pháp lý khó gỡ của cô giáo chuyển giới

Cô Quỳnh Trâm với công việc hàng ngày của mình.

Phạm Văn Hiệp chính thức đổi sang tên Phạm Lê Quỳnh Trâm. Thời gian này, sắc đẹp của Quỳnh Trâm giúp cô đoạt giải tại cuộc thi dành cho những người chuyển giới ở Thái Lan - cuộc thi Tiffany Show. Mừng rỡ trở về Việt Nam, ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, phiền toái đầu tiên mà Quỳnh Trâm gặp là lúc làm thủ tục nhập cảnh. Hộ chiếu ghi rõ tên tuổi, hình ảnh là... nam giới, nhưng giờ đây, hoàn toàn là nữ...

Quỳnh Trâm phải trưng ra đủ thứ hồ sơ phẫu thuật chuyển giới, phân bua với cán bộ, bộ phận an ninh mới cho Quỳnh Trâm nhập cảnh. Trên đường, bị cảnh sát giao thông “hỏi thăm”, yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân... Quỳnh Trâm lại khốn khổ giải thích... Từ những trục trặc trên, cô quyết định về địa phương - nơi cô thường trú xin chính quyền và cơ quan chức năng cho phép được chuyển đổi giới tính, cải chính hộ tịch, họ tên...

Ngày 5/11/2009, UBND huyện Chơn Thành ra quyết định số 5876/QĐ-UBND, “cho phép Phạm Văn Hiệp được xác định lại giới tính từ nam sang nữ và đổi tên thành Phạm Lê Quỳnh Trâm” - trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được công nhận cho chuyển đổi giới tính sau phẫu thuật...

Tuy nhiên, ngày 21/1/2013, UBND tỉnh Bình Phước đã ra văn bản số 235/UBND-NC, với nội dung chỉ đạo Sở Tư pháp và UBND huyện Chơn Thành xem xét, tham mưu để UBND tỉnh Bình Phước thu hồi hai quyết định trên. Đồng thời, UBND huyện Chơn Thành phải xử lý những cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu và giải quyết việc xác định lại giới tính và thay đổi tên cho đương sự Phạm Văn Hiệp.

Theo Bộ Tư pháp, cơ sở để UBND tỉnh Bình Phước có chỉ đạo thu hồi hai quyết định trên là do trong quá trình thực hiện xin xác định lại giới tính, cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã hướng dẫn đương sự đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước để giám định y khoa xác định lại giới tính; trong khi nơi này không có thẩm quyền thực hiện công việc này như quy định của luật. Bộ Tư pháp cho rằng, việc xác định trên là chưa đúng thủ tục. Việc không đúng thủ tục là do lỗi của cơ quan chức năng, không phải do đương sự. Vì vậy, Bộ Tư pháp và Bộ Y tế đã thống nhất yêu cầu chính quyền tỉnh Bình Phước tạm chưa thu hồi hai quyết định nói trên. Theo đó, để thực hiện đúng trình tự quy định, cô Quỳnh Trâm sẽ được giám định lại tại đúng cơ quan có thẩm quyền; nếu xác định đúng là giới nữ, Quỳnh Trâm sẽ chính thức được công nhận xác định lại giới tính.

Được sống theo đúng giới tính của mình

TS. LS Phan Trung Hoài cho biết: Câu chuyện của công dân Phạm Lê Quỳnh Trâm (theo giấy tờ hiện tại) đang đặt ra những tình huống pháp lý khá phức tạp, cho thấy pháp luật trong trường hợp này chưa theo kịp với thực tiễn sinh động của đời sống. Giới tính về mặt pháp lý gắn rất chặt với quyền nhân thân, bởi lẽ mỗi người được quyền sống theo đúng giới tính của mình được pháp luật công nhận. Trong khi đó, từ quy định trong Bộ luật Dân sự 2005 cho đến Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 5/8/2008 của Chính phủ cũng chưa dự liệu được những trường hợp cụ thể như công dân Trâm và thủ tục để tiến hành xác lập, công nhận giới tính sau khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Theo LS Hoài, hiện các cơ quan chức năng đang thẩm tra và sẽ có ý kiến hướng dẫn cụ thể cho trường hợp này. Về tổng quan chung, điều đầu tiên là phải tiến hành các thủ tục yêu cầu xét nghiệm nhằm xác định chính xác giới tính (như được quy định tại điều 7 Nghị định 88) đến bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính.

Thẩm quyền, chức năng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào được phép làm việc này phải do Bộ Y tế quyết định. Sau khi có Giấy chứng nhận y tế theo quy định tại khoản 1 điều 10 Nghị định 88, công dân đó làm thủ tục đăng ký hộ tịch cho người đã được xác định lại giới tính.

Còn UBND cấp quận, huyện có trách nhiệm giải quyết việc đăng ký hộ tịch cho người đã được xác định lại giới tính theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch. Riêng các trường hợp đã xác định lại giới tính ở nước ngoài hoặc đã thực hiện ở Việt Nam trước ngày Nghị định 88 có hiệu lực, nếu muốn đăng ký lại hộ tịch thì phải có giấy xác nhận đã xác định lại giới tính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước đó và đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 8 Nghị định này để được khám kiểm tra và cấp giấy chứng nhận y tế.

Công dân Quỳnh Trâm thuộc trường hợp “liên giới tính”, và theo kết quả xét nghiệm của một bệnh viện ở TP.HCM, khi đo hormon nữ đã xác nhận Trâm không phải là đàn ông hẳn hoi, cũng không phải là phụ nữ hẳn hoi(?). Do vậy, cần xác định trước khi tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính, Quỳnh Trâm có thuộc trường hợp “khuyết tật bẩm sinh về giới tính”; “giới tính chưa được xác định chính xác”; hay “gen biệt hóa tinh hoàn”…

Như vậy, trường hợp “liên giới tính” cần được làm rõ về nội hàm của nó, bởi hiện nay về mặt thuật ngữ pháp lý, trong Nghị định 88 chỉ đề cập đến những trường hợp như: “Nam lưỡng giới giả nữ”, “nữ lưỡng giới giả nam” và “lưỡng giới thật”. Việc xác định giới tính của công dân Quỳnh Trâm vì thế còn phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm của cơ sở khám, chữa bệnh có chức năng xác định giới tính do Bộ Y tế cho phép” .

Theo quy định tại điều 24 Bộ luật Dân sự năm 2005, quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Do đó, về mặt pháp lý, yêu cầu công nhận về giới tính, gắn liền với yêu cầu công nhận về hộ tịch của công dân Quỳnh Trâm là hoàn toàn chính đáng, phù hợp với điều 26, 27 Bộ luật Dân sự 2005 về quyền đối với họ, tên và quyền thay đổi họ tên.

Điều này có ý nghĩa tối quan trọng đối với quyền nhân thân của mỗi người, vì cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. LS Hoài cho rằng, trường hợp này không quá khó để tiến hành các bước và thủ tục giải quyết yêu cầu của công dân Quỳnh Trâm. Do việc phẫu thuật chuyển giới tính của Quỳnh Trâm ở nước ngoài, nên việc xét nghiệm bởi cơ sở y tế có chức năng, thẩm quyền với Giấy chứng nhận giới tính sẽ là cơ sở cho việc xác lập tình trạng hộ tịch của người có yêu cầu. Những việc như thế này thuộc về chức năng của các Bộ chuyên ngành và quản lý Nhà nước về Y tế và Tư pháp, chắc không đến mức phải “trình” xin ý kiến Thủ tướng…

Một người phụ nữ ước mơ lớn nhất là được lập gia đình và sự xác nhận để làm một người vợ. Tôi cũng không tránh khỏi ngoại lệ đó. Tôi như thế này mà giờ ghi Phạm Văn Hiệp thì ai tin? Cho nên tôi mong có một suy xét kỹ hơn về vấn đề của tôi. Hiện các giấy tờ của tôi từ CMND, hộ chiếu, giấy tờ nhà, xe... đều đã đứng tên Phạm Lê Quỳnh Trâm.

Tôi cũng biết được hiện do nhiều người kéo về Bình Phước để được xác nhận chuyển giới nên địa phương ngại, hủy quyết định của tôi. Nhưng những người kia với tôi có sự khác biệt, tôi là người liên giới tính, tôi đủ điều kiện để được xác nhận là nữ giới. Cuộc sống của tôi hiện vẫn bình thường, hằng ngày tôi dạy luyện thi ĐH môn toán, vật lý, hóa học cho khoảng 100 học sinh tại Q.4, TP.HCM. Trong số đó, 90% là học miễn phí.

Việc đi làm xác nhận chuyển đổi giới tính ,Trâm kể : “Bốn năm trước, đi làm giấy tờ cả năm trời, tôi lên tỉnh họ nói: “Về huyện là được”. Họ viết một giấy giới thiệu đến Bệnh viện Đa khoa Bình Phước. Tại đây, họ làm thủ tục, xét nghiệm, chụp X-quang... cho tôi y như phụ nữ mang thai chuẩn bị sinh rồi mới xác nhận tôi là người phụ nữ bình thường. Năm 2006, tôi đến một bệnh viện ở TP.HCM, họ đo hormon nữ và xác nhận tôi không phải là đàn ông hẳn hoi, cũng không phải là phụ nữ hẳn”...

Trần Phong – Đăng Đạt (PLVN)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.