Rắc rối từ tài sản ngàn tỷ không để lại di chúc

Rắc rối từ tài sản ngàn tỷ không để lại di chúc

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Người dân TP HCM đang xôn xao với thông tin một người phụ nữ có nghề làm bún mất đi đột ngột để lại tổng tài sản cả ngàn tỷ đồng đồng nhưng không có di chúc. Chính điều này đã gây ra việc tranh chấp khối tài sản kếch xù giữa người con nuôi và người nhà của người quá cố...

Tài sản cất giấu khắp mọi nơi

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Lê Mạnh Hùng – trưởng văn phòng Thừa phát lại (văn phòng thực hiện các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và một số công việc khác) quận Bình Thạnh,TP.HCM cho biết, vào tháng 3/2011, văn phòng này có lập một vi bằng (văn bản do ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác) ghi nhận số tài sản hơn 1000 tỉ đồng của bà T.K.P để lại sau khi chết. Người đại diện văn phòng này còn chia sẻ, khi mới nhận lời lập vi bằng xác định số lượng tài sản ở gia đình bà P. văn phòng chỉ cử một thư ký đi ghi nhận.

Pháp luật - Rắc rối từ tài sản ngàn tỷ không để lại di chúc

Một khu đất khác rộng ở trong ảnh này được cho là BĐS của bà T.K.P.

Bà T.K.P (Sinh năm 1946) lúc sinh thời hành nghề làm miến, bún khô. Vì sống độc thân nên khi mẹ chết, bà P. cảm thấy cô đơn và quyết định đến Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) để xin con nuôi. Lúc này, bà đã 46 tuổi. Khi đến đây, bà chú ý đến một bé gái vừa mới sinh với khuôn mặt lanh lợi, kháu khỉnh. Bé gái tội nghiệp này đã bị bỏ rơi trong bệnh viện khi còn đỏ hỏn. Do vậy, bệnh viện không thể xác định được cha mẹ đẻ. Bà P. đã xin bệnh viện đón bé gái này về rồi đặt tên bé gái là T.H.H.L, lấy họ của bà.

Với sự chăm sóc và yêu thương của bà P., bé L. nhanh chóng trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Sau khi học hết lớp 12, bà P. quyết định cho con mình sang Đức du học. Khi đang học nửa chừng, L. nhận được thông tin từ gia đình, bà P. mất đột ngột. Sau đó, L. nhanh chóng trở về Việt Nam để tang cho mẹ.

Khi nỗi đau vẫn chưa vơi thì L. nhận được thông tin, số lượng tài sản của mẹ nuôi để lại rất lớn, gia đình không thể xác định được là bao nhiêu. Do số tài sản quá lớn, gia đình quyết định mời văn phòng Thừa phát lại đến lập vi bằng để xác định tổng giá trị tài sản. Khi tổ chức lập vi bằng dưới sự chứng kiến của gia đình bà P và chị L, công an địa phương, mọi người đều phải ngỡ ngàng với số tượng tài sản kếch xù.

Vi bằng được văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh ghi nhận, tài sản bao gồm: 100 cây vàng, tiền mặt, 1 triệu USD, trang sức có rất nhiều kim cương, 17 cuốn sổ tiết kiệm (trong đó có nhiều sổ ghi số tiền hàng chục tỉ đồng), rất nhiều nhà xưởng, đất đai ở quận Tân Phú - TPHCM, tỉnh Bình Dương, Tây Ninh... Nhiều cuốn sổ ghi việc cho thuê nhà xưởng, quản lý công nhân... cũng được bà lưu giữ trong két sắt.

Pháp luật - Rắc rối từ tài sản ngàn tỷ không để lại di chúc (Hình 2).

Bờ tường nhem nhuốc và hàng rào sắt hoen gỉ nơi bà P ở.

Điều mọi người chứng kiến không thể nào tin được là bên cạnh số tài sản được cất giữ trong két sắt, người phụ nữ này còn giấu vàng bất kì nơi đâu có thể giấu như hộc bàn, hộc tủ... Không chỉ thế, bên cạnh những cọc tiền với mệnh giá lớn, bà P còn cất giữ hàng trăm bó tiền có mệnh giá nhỏ: 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1000 đồng, 2000 đồng.

Đứng trước khối tài sản của bà P để lại, ông T.V.Ph (em trai bà P) cũng cho biết “Anh em chúng tôi không thể nào tin được chị mình lại có số tài sản lớn như vậy”. Toàn bộ tài sản này được để vào két sắt, niêm phong và chìa khóa phòng chứa két được giao cho văn phòng thừa phát lại tạm giữ.

Rắc rối tranh cãi sở hữu từ chiếc két sắt ngàn tỉ

Sau khi thống kê tài sản với số lượng quá lớn, anh em bà P. không muốn cho chị L. được thừa kế số tài sản bởi cho rằng, một phần trong số đó là do người nhà của mình đóng góp mà có. Ông Ph., người thân của bà P. cho biết, số tài sản chị mình để lại một phần của bà làm ra và một phần khác là do những người trong dòng tộc từ bên Đức gửi về với hy vọng: “Gom góp tiền để sau này về già có thể đoàn tụ, trở về quê hương, được chôn cất bên mồ mả cha mẹ”.

Pháp luật - Rắc rối từ tài sản ngàn tỷ không để lại di chúc (Hình 3).

Dù có tài sản ngàn tỷ nhưng bà T.K.P vẫn ở trong căn nhà hết sức cũ và giản dị.

Lúc này, việc tranh chấp xảy ra. Do không thỏa thuận được với nhau, vả lại bà P vừa mới mất, tang gia còn bối rối mà lại xảy ra việc tranh giành tài sản e rằng gây điều tiếng không hay nên cuối cùng, cả hai bên đồng ý thuê hai két sắt tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cất giữ giùm. Hợp đồng cho thuê hai chiếc két sắt là một năm, kể từ ngày 26/3/2011.

Trong thời gian một năm, tranh chấp giữa hai bên vẫn không đi đến kết luận cuối cùng. Thời gian kí kết hợp đồng cho thuê hai chiếc két sắt đã hết. Phía chị L. muốn lấy lại số tài sản. Trong khi đó, phía anh em gia đình bà P. lại muốn nhờ ngân hàng cất giữ tiếp. Do thân chủ bất đồng ý kiến, nên ngân hàng đã nhiều lần gửi thông báo đến cả hai bên yêu cầu đến thanh lý hợp đồng.

Tuy nhiên, hơn hai tháng trôi qua, chưa một lần cả hai bên cùng lúc đến ngân hàng để giải quyết, khiến Sacombank gặp khó khăn trong việc thanh lý hợp đồng. Cuối cùng, ngân hàng này đành quyết định gửi thông báo đến cả hai bên lần cuối cùng. Theo đó, yêu cầu 14h ngày 30/5/2012, cô L. và đại diện phía ruột thịt của bà P. phải đến cùng lúc để thanh lý hợp đồng. Nếu chỉ có một bên thì ngân hàng sẽ quyết định giao tài sản cho bên có mặt và nếu cả hai đều không đến thì sẽ giao toàn bộ số tài sản trên cho nhà nước.

Chiều 30/5, cả hai bên đều có mặt, ông Ph. đi cùng vợ và luật sư bảo vệ quyền lợi của mình. Chị L. đến với người bạn gái, ba vệ sĩ và luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình. Trong hơn ba tiếng đồng hồ thương lượng, vấn đề về khối tài sản vẫn không thể giải quyết. Sau khi nghỉ chừng 15 phút, chừng 17h30, cuộc thương lượng ba bên lại tiếp tục đến chừng 19h. Trong suốt buổi thương lượng, phía tranh chấp vẫn giữ nguyên quyết định của mình. Phía ngân hàng đành phải yêu cầu dừng buổi thương lượng để chị L. suy nghĩ có đồng ý gia hạn hợp đồng thuê nữa hay không.

Pháp luật - Rắc rối từ tài sản ngàn tỷ không để lại di chúc (Hình 4).

Một phần trong số tài sản vô cùng lớn của bà T.K.P được thống kê

Theo nguồn tin của báo Nguoiduatin.vn thì, trong quá trình thương lượng ba bên, chị L. muốn giải quyết trên tinh thần tình cảm, nên đưa ra đề nghị chấp nhận chia 50% số tài sản cho người thân ruột thịt của gia đình bà P. Tuy nhiên, ông Ph không chấp nhận. Bên cạnh đó, theo thông tin từ văn phòng Thừa phát lại, chị L. cho biết nếu được thừa hưởng khối tài sản của mẹ theo sự thừa nhận của pháp luật, chị sẽ để lại toàn bộ cho Tổ chức UNICEF Việt Nam.

Nếu làm việc thiện thì sẵn sàng ủng hộ

Sáng 31/5, ông Ph. đã đến ngân hàng để hỏi về quyết định của chị L. Tuy nhiên, phía đại diện ngân hàng cho biết chưa thể trả lời và sẽ có hồi đáp vào 14h chiều. Theo lời hẹn, ông Ph lại đến nhưng phía ngân hàng hẹn đến 16h và cuối cùng vẫn chưa trả lời. PV Nguoiduatin.vn đã liên hệ với đại diện ngân hàng, tuy nhiên, ông này cho biết, do sự việc chưa được giải quyết nên phía ngân hàng xin không lên tiếng.

Sửng sốt và... mệt mỏi

“Một nhân viên tham gia kiểm tra số tài sản của bà P nhớ lại “Chúng tôi không thể nào tin được một người phụ nữ lại sở hữu một số lượng tài sản lớn như thế. Trong quá trình kiểm tra tài sản, nhiều lúc chúng tôi cảm thấy mệt mỏi bởi thống kê mãi vẫn không hết”. Nhân viên này còn cho biết “Đây là lần đầu tiên phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh lập vi bằng với số lượng tài sản lớn như vậy”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ph bày tỏ, gia đình ông không muốn giành giật số tài sản thừa kế của chị L. mà chỉ muốn làm rõ số tài sản có nguồn gốc từ anh chị em mình gom góp lại mà có lại được đứng tên của bà P. và lấy lại số tài sản này. Chính vì vậy, ông cùng những người trong gia đình không muốn mọi chuyện trở nên rắc rối như hiện nay. Bên cạnh đó, ông chia sẻ, phía ngân hàng Sacombank đã giao một số sổ tài khoản ngân hàng trong số tài sản đang tranh chấp cho L và đã đến ngân hàng rút tiền, nhưng phía gia đình ông Ph đã ngăn chặn kịp thời.

Theo ông Ph thì phía gia đình chỉ có một đề nghị duy nhất, gia hạn tiếp hợp đồng giữ hai két sắt chứa khối tài sản kếch xù đến ngày 25/10, vì phải đến 10/10, thì hạn mãn tang mới hết. Gia đình ông không muốn tranh chấp khối tài sản khi chưa hết hạn mãn tang của bà P. Trong thời gian này, ông cùng những thành viên trong gia đình nhất quyết sẽ không giao toàn bộ số tài sản này cho bất kì ai. Bên cạnh đó, ông muốn chờ hai người anh của mình ở bên Đức về để giải quyết vấn đề.

Thông qua báo chí, ông cùng những người trong dòng tộc có nghe thông tin, nếu chị L nhận được số tài sản thừa kế thì sẽ để lại toàn bộ cho Tổ chức UNICEF Việt Nam. Sau đó, gia đình ông đã có một cuộc họp khẩn cấp. Trong cuộc họp này những người trong dòng tộc ông Ph quyết định, nếu chuyện chị L. có ý định hiến tặng cho tổ chức từ thiện toàn bộ số tài sản thì họ sẽ ủng hộ hết mình và viết đơn cam kết không tranh chấp gì.

Bên cạnh đó, theo nguồn tin chúng tôi có được, phía gia đình ông Ph đã gửi đơn lên TAND TP. HCM, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm của tòa. Ông Ph cho biết, nếu thông tin chị L hiến tặng số tài sản cho tổ chức từ thiện là không đúng thì gia đình ông sẽ khởi kiện nhờ tòa can thiệp. Và trước tòa ông sẽ đưa ra những bằng chứng xác nhận nguồn gốc phần lớn khối tài sản trên là của anh em và của mẹ ông để lại.

Nếu không có cơ sở chứng minh “hùn hạp”, góp vốn sẽ khó được tòa chấp nhận

“Theo thông tin hiện tại thì bà P. không có chồng, con ruột, cha mẹ ruột của bà P. đã mất, cũng không có cha, mẹ nuôi nên khi bà P. chẳng may đột tử không để lại di chúc, thì khối tài sản đó đương nhiên sẽ được chia thừa kế theo pháp luật (Điều 675, Bộ luật Dân sự 2005). Theo điều 676 của Bộ luật trên, quy định về hàng thừa kế thì: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Ở đây, hàng thừa kế thứ nhất chỉ có 01 người là cô L, do đó cô L. là người duy nhất được hưởng thừa kế số tài sản của bà P chết để lại. Còn anh em của bà P. thuộc hàng thừa kế thứ hai không được hưởng tài sản do bà P. đã mất để lại (vì còn cô L là người ở hàng thừa kế thứ nhất). Việc anh em bà P. tranh chấp, bắt cô L. gởi tài sản vào ngân hàng và không cho rút ra để sử dụng là không đúng, trừ khi cô L. tự nguyện.

Nếu vụ việc được đưa ra tòa, thì anh em bà P. phải tự chứng minh có hay không việc hùn hạp làm ăn với bà P. Chứng minh bằng cách nào? Thứ nhất, họ phải chứng minh cụ thể công sức của dòng họ góp vào”.

(Luật sư Nguyễn Hiền Hà, giám đốc Công ty luật TNHH Hiền – Hà)

Huy Linh- Ngọc Giàu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.