Công nghệ thay đổi như vũ bão, giá cả giảm, và sự lỗi thời đã dẫn tới thặng dư nhanh chóng của rác thải điện tử trên toàn cầu. Ước tính mỗi năm có khoảng 50 triệu tấn rác thải điện tử được thải ra.
Mỏ vàng
Sự thay đổi công nghệ nhanh chóng đã rút ngắn vòng đời của sản phẩm điện tử. Các sản phẩm điện tử hư hỏng hoặc lỗi thời bị thải bỏ trở thành rác điện tử, đang phát triển với tốc độ nhanh gấp 3 lần các loại rác thải khác.
Năm 1998, Hoa Kỳ loại bỏ 20 triệu máy tính; đến năm 2009 con số này đã tăng lên mức 47,4 triệu chiếc. Trong năm 2011, Trung Quốc đã cho "nghỉ hưu" 160 triệu thiết bị điện tử, bằng 40% của Hoa Kỳ.
Ước tính mỗi năm có khoảng 50 triệu tấn rác điện tử, nhưng theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), chỉ 15-20% số rác đó được tái chế. Báo cáo của công ty tư vấn Pike Research năm 2011 ước tính khối lượng phế liệu điện tử toàn cầu sẽ tăng nhiều hơn 2 lần trong vòng 15 năm tới.
Dưới danh nghĩa nhập hàng second-hand hay rác tái chế, các nước nghèo từ lâu đã trở thành điểm đến phổ biến cho các loại rác điện tử độc hại từ những nước giàu hơn.
Tại Guiyu, trẻ em cũng bị cuốn vào vòng quay rác thải điện tử.
Cách nay 6 năm, ngành công nghiệp rác điện tử Hoa Kỳ đã vượt mốc doanh thu 3 tỷ USD. Một trong những nhà tái chế rác điện tử lớn nhất Hoa Kỳ là Supreme Asset Management & Recovery. Các hãng lớn như Panasonic, JVC và các địa phương như Baltimore County, Westchester County đã trả tiền cho Supreme làm công việc xử lý rác điện tử và họ tin tưởng vào cam kết của Supreme rằng mọi việc được thực hiện một cách an toàn.
Tuy nhiên, cuộc điều tra của Chính phủ Hoa Kỳ năm 2008 đã phát hiện 43 công ty Hoa Kỳ tìm cách bán rác điện tử xuất khẩu sang châu Á, và theo điều tra riêng của tờ Business Week, Supreme là 1 trong số đó.
Trên trang Alibaba và các trang web mua bán quốc tế khác có những mẩu rao vặt, trong đó đại diện của Supreme rao bán các container màn hình bị cấm xuất khẩu. Tại Hồng Công, một container 40 foot chứa rác màn hình và tivi có thể được bán với giá 5.000USD, lãi ròng 4.000USD.
Rác thải điện tử không hẳn chỉ chứa những thứ độc hại, nó cũng có chứa các kim loại quý. Bộ vi xử lý, chip và chấu nối được mệnh danh là mỏ bạc, vàng và palladium cho các “thợ mỏ đô thị”.
Theo một nghiên cứu do United Nations University tiến hành, hàm lượng quý kim trong các “mỏ” đó cực kỳ cao, gấp 40-50 lần so với các quặng đào. Bên cạnh quý kim, chúng còn chứa những hóa chất độc hại khác như cadmium, chì và thủy ngân. Những nhà tái chế sử dụng công nghệ cao như Umicore tại Bỉ và Xstrata ở Canada có thể thu hồi lên đến 95% kim loại.
Độc hại
Khu vực Guiyu ở miền Nam Trung Quốc có thể nói là “điểm tập kết của nghề mua bán rác thải điện tử”. 5.500 cơ sở ở Guiyu tái chế 1,5 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm, doanh thu 75 triệu USD. Tại đó, 150.000 người làm công việc tái chế chất thải điện tử bằng những cách thức rất thô sơ, thủ công.
Họ tách plastic bằng cách nấu sôi các bảng mạch trên bếp lò, sau đó dùng acid để tách kim loại. Họ mạo hiểm tính mạng của mình với các mối nguy hiểm như bị phỏng, hít khí thải độc hại, ngộ độc chì và các chất gây ung thư. Những cư dân không trực tiếp tham gia cũng phải gánh chịu tác hại do không khí, nguồn nước bị ô nhiễm.
Một nghiên cứu của trường Đại học Sán Đầu đã phát hiện phụ nữ địa phương này có tỷ lệ sẩy thai cao hơn. Lượng chì trong máu của trẻ em Guiyu cao gấp đôi mức cho phép theo tiêu chuẩn của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ. Ngoài Trung Quốc và các nước đang phát triển khác ở châu Á, rác thải điện tử còn tìm bãi đáp ở Mexico, Nigeria, Ghana…
Adam Minter, một nhà báo tại Thượng Hải và là tác giả của cuốn sách “Junkyard Planet”, nhận định tiền lương và địa điểm của Trung Quốc đã mang lại cho nước này một lợi thế. “Không phải ngẫu nhiên mà Guiyu là nơi rất gần với chỗ mà iPad của Apple đang được chế tạo” - ông nói.
Feng Wang, một chuyên gia về chất thải điện tử tại United Nations University, lưu ý rằng nhà chức trách ở Guiyu hiện đang ủng hộ cho các nhà máy tái chế công nghệ cao an toàn hơn. Một số nhà tái chế đã sử dụng máy ly tâm nước nóng để đánh bật các mẩu có giá trị trong các bảng mạch, và dùng bộ lọc than hoạt tính để hấp thụ khói thải.
“Guiyu tuy chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn và tiêu chuẩn sức khỏe như ở phương Tây, nhưng dù sao nó cũng đã được nâng cấp từ thời Trung cổ lên những năm 1970” - ông Minter so sánh.
Cũng có những ý kiến khác cho rằng bản thân các nước nghèo đã sản sinh ra 1/4 đống chất thải điện tử của thế giới, và rất có thể đến năm 2018 sẽ thải nhiều hơn cả những nước giàu có.
Đặc biệt các nước đang phát triển vẫn thiếu hụt các quy tắc an toàn khả thi, thiếu thốn hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người lao động cùng các tòa án giải quyết khiếu nại khi phát sinh sự cố. Do đó, các nước giàu không nên tống sang đó rác thải điện tử của mình.
Theo Sài Gòn đầu tư
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!