LTS: Theo xu thế tất yếu của sự phát triển, mạng xã hội (MXH) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh những mặt tích cực, những thông tin xấu độc, không được kiểm chứng... ngày càng tràn lan trên MXH đã đem lại tác hại khôn lường.
Những hành vi đó biểu hiện cụ thể thế nào, gây tổn hại gì tới xã hội và con người, đặc biệt, làm sao để kiểm soát và ngăn chặn chúng trong bối cảnh internet bùng nổ như hiện nay? Tất cả sẽ được Người Đưa Tin đề cập và gửi tới độc giả qua tuyến bài: “Rác" trên mạng xã hội.
Sau gần hai thập kỷ kể từ ngày ra đời, mạng xã hội trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của hàng triệu người dân Việt Nam cũng như hàng tỷ người trên thế giới.
Những tác động tích cực trên tất cả các mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ,... từ mạng xã hội đưa lại là không thể phủ nhận. Kết nối nhanh hơn, đông hơn, và mạnh hơn; kinh doanh dễ dàng, thuận tiện hơn; truyền thông rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế mạng xã hội đang dần chuyển biến từ đem lại lợi ích cho người dùng đến chi phối hành vi của người dùng.
Có lẽ chưa bao giờ, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội lại nhiễu loạn và đáng báo động như thời điểm gần đây. Có những người sử dụng mạng xã hội để công khai mạt sát thoá mạ nhau, bất chấp đạo lý, bất chấp luật pháp... vẫn thu hút hàng triệu người quan tâm. Cũng có những người mang danh rao giảng đạo đức để chia sẻ thông tin nhưng ẩn giấu sự vô cảm độc ác.
Những phát ngôn tục tĩu, thậm chí hàng loạt livestream dài cả tiếng đồng hồ với những ngôn từ “chợ búa” xuất hiện một cách thản nhiên, những hình ảnh - clip phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống người được nhắc đến và cả xã hội nói chung.
"Biến tướng" do đâu?
Trước hiện tượng tiêu cực đang “đầu độc” người dùng mạng, TS. Tâm lý học Nguyễn Thị Minh (Giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh) đã đưa ra những phân tích về hành vi lệch chuẩn này.
Trước tiên, TS. Nguyễn Thị Minh cho rằng, trong cuộc sống thực cũng như trên không gian ảo mỗi người đều có rất nhiều nhu cầu để thể hiện bản thân. Việc dùng mạng xã hội một cách thái quá bởi họ đang muốn khẳng định bản thân, muốn được người khác đánh giá, ngưỡng mộ, chú ý đến.
Những điều này đã thôi thúc hành vi, khiến họ chia sẻ những lời tục tĩu, thiếu văn hóa để thu hút sự chú ý.
Khi xét về góc độ tâm lý học thì đây là việc lệch chuẩn, bản thân mỗi người khi sống sẽ dùng nhận thức, hiểu biết của mình để điều khiển hành vi. Tuy nhiên, có những người không nhận thức được vấn đề, hay nói cách khác là nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc vấn đề nên người ta sẽ thực hiện hành vi xấu.
“Tôi cho rằng, chính họ cũng không lường được những phát ngôn của họ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những ai, hậu quả để lại cho bản thân mình là gì”, TS. Minh lập luận.
Mặt khác, việc tràn lan thông tin rác trên mạng xã hội có sợi dây liên quan đến cảm xúc, bởi, có những hành động được cảm xúc dẫn dắt đến.
“Khi họ tức thì mắng, giận là chửi mà không biết rằng đây là cách đang “đầu độc tâm hồn” họ, là hình ảnh xấu xí đến nhem nhuốc cuộc sống họ sau này”, bà nhấn mạnh.
Trên mạng xã hội, các bạn trẻ vẫn thường có câu “Tức giận là bản năng nhưng khống chế tức giận lại là bản lĩnh”. Vì thế, khi mặt ý chí yếu kém người ta sẽ không kiểm soát được hành vi, tính tự kiềm chế thấp từ đó mới dẫn đến động cơ đê hèn, thiếu trong sáng và không kìm nén được những phát ngôn của mình.
“Chưa kể thêm yếu tố hoàn cảnh xã hội đưa đẩy và đây cũng là một nguyên nhân khách quan. Khi những thông tin rác xuất hiện trên mạng xã hội, một bộ phận ra sức ủng hộ nên nó “nuôi dưỡng” tiêu cực ngày càng tăng “, TS. Minh thông tin thêm.
Cần dọn “rác" bằng chế tài nghiêm khắc hơn
Trước những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm về các phát ngôn, hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội, “rác” trên mạng xã hội làm sao để dọn? Chế tài liệu đã đủ mạnh để người dùng biết đâu là giới hạn?
Trả lời những thắc mắc này với Người Đưa Tin, ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nhu cầu sử dụng mạng xã hội, phát tán thông tin trên môi trường mạng đang ở giai đoạn nở rộ.
“Nhiều người cho rằng mạng xã hội là tự do, muốn nói gì thì nói. Nhưng, luật pháp của chúng ta cũng quy định là tự do của cá nhân nhưng không được ảnh hưởng đến tự do của người khác, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, ông giải thích.
Do vậy, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, nhưng dường như vẫn chưa ngăn cản được.
Đặc biệt, đã có rất nhiều người nổi tiếng, hiện tượng mạng có những phát ngôn lệch chuẩn, đã bị xử phạt hành chính nhưng dường như việc xử phạt này như “muối bỏ bể”, vẫn có các trường hợp tái diễn, gây bức xúc dư luận.
Thực tế, người nổi tiếng là người có tầm ảnh hưởng rất lớn, những lời nói ra “lây lan” rất nhanh, lớp trẻ là tầng lớp dễ bị tiêm nhiễm nhất.
Vì thế, ông cho rằng, người càng nổi tiếng thì càng phải rất thận trọng trong phát ngôn, nếu vi phạm thì cần phải có những chế tài mạnh mẽ hơn tương ứng với khả năng lây lan mà họ đã nêu ra.
Mặt khác, thời gian qua, có một số người nổi tiếng phát ngôn những câu giật gân, không đúng theo quy định của pháp luật.
Nhận định về điều này, ông nói: “Tôi cho rằng, phải xử lý nghiêm, không chỉ xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí có ảnh hưởng lớn đến trật tự, an ninh, đến quyền con người thì còn bị truy tố trách nhiệm hình sự và phải làm nghiêm hơn nữa”.
Từ đó, để không còn xuất hiện nhiều những phát ngôn lệch chuẩn, “rác” trên mạng xã hội, vị ĐBQH kiến nghị, cần có những chế tài mạnh mẽ hơn nữa mang tính răn đe, chứ nếu chỉ xử phạt hành chính đơn giản thì vẫn sẽ tiếp tục nở rộ “nấm độc”, “tin rác” trên mạng.
Ngoài ra, cần tuyên truyền rộng rãi về Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Đồng thời, phải có những quy định cụ thể hơn. Nếu vi phạm nhiều lần thì có thể xóa vĩnh viễn những tài khoản facebook đã vi phạm.
“Cần phải tuyên truyền để mỗi người dân, đặc biệt là lớp trẻ có khả năng tự bảo vệ mình, có khả năng “dị ứng”, có “sức đề kháng” với những tin xấu độc đó”, ông trình bày.
Việc này phải làm thường xuyên, liên tục, và nếu các quy định chưa đủ sức răn đe thì có thể sửa đổi, bổ sung các quy định cho mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Hoàng Bích - Minh Uyên