Ngày nay, nhiều người sẵn sàng bỏ ra phần lớn thời gian mỗi ngày để tham gia mạng xã hội (MXH). Xét về mặt tâm lý, nguyên nhân dẫn đến nghiện mạng xã hội ở phần đông bắt nguồn chính từ nhu cầu được thuộc về, được kết nối với những tương tác ảo và tự thể hiện bản thân.
Đặc biệt với người nổi tiếng, mạng xã hội không đơn thuần chỉ là trang cá nhân, mà nó còn là công cụ để làm việc, đánh bóng tên tuổi hay “vạch trần” lẫn nhau bởi tính chất ảnh hưởng tới cộng đồng của những tài khoản này là rất rộng.
Dần dần, chính những hành động đó đã biến môi trường mạng ngày càng trở nên phức tạp bởi tính hai mặt, khiến khó kiểm soát “rác" thông tin hơn rất nhiều.
Người nổi tiếng cũng có thể là nạn nhân…
Để làm rõ điều này, chúng tôi đã tìm đến Châu Bùi, nhân vật có tầm ảnh hưởng tới cộng đồng giới trẻ nhất nhì showbiz Việt hiện nay, với hơn 3 triệu người theo dõi trên MXH Instagram và hơn 2 triệu người theo dõi ở nền tảng Facebook.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Châu cho rằng, cần định nghĩa “rác" trên MXH theo đúng nghĩa đen, là một thứ không cần thiết, đôi khi còn rất “độc hại” tạo ra một môi trường đầy ô nhiễm. Bởi vậy, yêu cầu chúng ta phải dọn và thanh lọc mỗi ngày.
Theo Châu, hiện nay ngày càng có nhiều kênh mạng xã hội, với các nguồn thông tin khác nhau và không phải nguồn tin nào cũng được kiểm chứng. Do vậy, tất cả thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân, tập thể, hay làm tổn thương mọi người xung quanh theo hướng tiêu cực thì đều là “rác" MXH.
Bản thân là một người dùng MXH như công cụ để phục vụ công việc mỗi ngày, chính Châu cũng nhiều lần trở thành nạn nhân của vấn nạn này. Cụ thể, đến từ những bình luận tiêu cực, thông tin không có tính xác thực và điều này đã từng làm ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý của bản thân.
“Trước đây mình sẽ đặt rất nhiều câu hỏi tại sao? Tại sao lại có người nói vậy về mình? Tại sao mình lại phải chịu tất cả những ác ý này? Châu từng hoang mang và suy nghĩ nhiều”, Châu Bùi bộc bạch.
Tuy nhiên, khi đã nhìn sâu vào vấn đề, Châu hiểu, trên MXH, bên cạnh những ý kiến mang tính xây dựng thì có rất nhiều tin giả, lời đồn ác ý chỉ với mục tiêu thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Từ đó, Châu không còn cảm thấy nặng nề nữa.
Xét về nguyên nhân sâu xa hơn, Châu chia sẻ, đơn giản là có cầu thì sẽ có cung. Nhiều khi điều đó xuất phát từ sự tò mò và nhu cầu được đưa ra quan điểm, thể hiện bản thân của mỗi người.
Do vậy, có những người sẽ lợi dụng tâm lý đó để sản xuất, tạo ra những thông tin gây tranh cãi để kiếm lời, hay đơn giản để trở nên “hot” , thu hút người xem trên mạng xã hội, câu like, câu view.
“Giờ mọi người thử dạo một vòng mạng xã hội, có thể thấy bên cạnh những thông tin có giá trị thật sự, thì những thông tin nhạy cảm, gây tranh cãi cũng được rất nhiều người đọc, rất nhiều comment thảo luận”, Châu cho biết.
…nhưng trách nhiệm về phát ngôn là nặng nề hơn
Tuy nhiên, không phải người nổi tiếng nào cũng có đủ ý thức về phát ngôn trên MXH hay chọn lọc thông tin để chia sẻ. Đã không ít trường hợp, người nổi tiếng bị xử phạt hay lên án bởi “vạ miệng" trên MXH, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng người theo dõi.
Cùng trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách (Đoàn Thừa Thiên – Huế) cho rằng, người càng nổi tiếng thì càng cần phải ý thức rõ hơn lời ăn tiếng nói, bởi tốc độ lan truyền rất nhanh.
Theo đó, trước khi phát ngôn phải suy nghĩ thật kỹ, bởi phát ngôn sai thì bản thân sẽ là người bị gánh chịu đầu tiên.
Mặt khác, người nổi tiếng mà lợi dụng cái danh nổi tiếng để bôi nhọ, xuyên tạc, xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác và tổ chức khác là vi phạm pháp luật.
“Quan điểm của tôi, đã là người nổi tiếng thì nên giữ danh và thực hiện mọi quy định của Nhà nước, pháp luật”, ĐBQH Sửu giải thích thêm.
Ở góc nhìn khác, Châu Bùi nêu quan điểm, không chỉ là người nổi tiếng mà mỗi người trên mạng xã hội đều có sức ảnh hưởng dù ít dù nhiều. Và Châu thấy rằng một khi đã công khai những phát ngôn của mình thì dù bạn là ai bạn cũng có trách nhiệm với những phát ngôn đó.
Tuy nhiên, khi bản thân là nghệ sĩ có nhiều người theo dõi, thì sức ảnh hưởng càng rộng rãi hơn, thông tin đưa ra tiếp cận được đến nhiều người hơn thì mình lại càng phải cẩn trọng thật nhiều.
Châu Bùi chia sẻ thêm: “Châu luôn rất trân trọng khán giả của mình, hơn nữa, khán giả của Châu đa số là các bạn trẻ, các bạn học rất là nhanh thông qua mạng xã hội, nên hơn ai hết mình cần hiểu rõ trách nhiệm đó”.
Bởi vậy, những thông tin mà Châu đưa ra dù là các bài viết trên website/ Facebook hay vlog trên Youtube, Châu cũng đều nghiên cứu rất kỹ về mặt nội dung và xác thực thông tin trước khi công khai.
Làm sao để ứng xử có văn hoá trên môi trường mạng?
Theo Châu Bùi, mạng xã hội dành cho tất cả người dùng. Và mỗi người dùng sẽ có mục đích dùng và chuẩn mực cư xử khác nhau. Do đó, những bình luận, chia sẻ của mọi người cũng được đưa ra dựa trên quan điểm, góc nhìn cuộc sống của mỗi người.
Còn riêng về phía Châu, chuẩn mực sử dụng MXH chính là không làm tổn thương người khác. Thay vì có những lời nói gây sát thương thì hãy để lại những bình luận mang tính xây dựng.
“Hãy để mạng xã hội là nơi chúng ta được kết nối và thể hiện mình một cách tích cực nhất”, Châu tin tưởng.
Song, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu chia sẻ, chúng ta có tự do trong ngôn luận nhưng là tự do cần trong khuôn khổ, phát ngôn phải gắn với thuần phong mỹ tục để phát triển xã hội chứ không phải để kìm hãm, đẩy lùi sự phát triển của xã hội.
Mặt khác, sau khi nghe người nổi tiếng phát ngôn lệch chuẩn trên mạng, một bộ phận giới trẻ hùa theo, cũng cần phải bị lên án, giáo dục lại về chuẩn mực đạo đức, văn hóa và định hướng cho nhóm đối tượng này.
Theo đó, để ứng xử có văn hóa trên không gian mạng, bà cho biết thêm, kể từ khi Luật An ninh mạng được ban hành đã có những hướng dẫn rất rõ về hành vi ứng xử trên mạng xã hội.
“Không gian mạng chính là không gian mềm, đây là sức mạnh mềm, nếu không thực hiện tốt thì sẽ đe dọa đến an ninh, làm suy đồi về mặt đạo đức, xói mòn về chuẩn mực vốn nằm trên quỹ đạo để chúng ta nhận thức…”, đại biểu Sửu bày tỏ.
Ngoài thực hiện thật tốt Luật An ninh mạng, thì cũng cần phải có những văn bản dưới luật để triển khai thực hiện một cách đồng bộ.
Trùng quan điểm với Châu Bùi, bà Sửu cho rằng, thực tế, không gian số thuộc về mọi người, vì thế khi dùng mạng xã hội cần ứng xử với nhau có văn hóa, giữ gìn truyền thống văn hóa nghìn đời.
Cần phân tích đối tượng sử dụng mạng nhiều nhất để có những quy tắc ứng xử kịp thời, chặt chẽ, toàn diện hơn. Đầu tư cho quy tắc ứng xử văn hóa trên không gian mạng cũng là đầu tư cho tương lai.
Bên cạnh đó, câu chuyện giáo dục để người dùng mạng không vi phạm, tái phạm cũng là điều hết sức cần thiết.
“Chúng ta xây dựng một xã hội hội nhập nhưng không hòa tan, ứng xử trên không gian mạng cũng cần gắn với văn hóa của Á đông, văn hóa của người Việt đó là luôn đề cao chủ nghĩa yêu nước, nhân đạo và đoàn kết”, bà kết luận.
[“Rác” trên mạng xã hội] Bài 1: "Rác" thông tin đầu độc người dùng
["Rác" trên mạng xã hội] Bài 2: Mạng ảo, nhưng xử phạt là thật
["Rác" trên mạng xã hội] Bài 3: "Thả nổi" trẻ em trên không gian mạng
Hoàng Bích - Minh Uyên