Sự kiện tác giả Phạm Tuấn Sơn tạo ra “cơn mưa tài lộc” bằng cách rải tiền từ khinh khí cầu tại lễ ra mắt cuốn sách Dám làm giàu ở sân vận động Tự Do (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang gây nhiều tranh cãi.
Theo tác giả chia sẻ với báo chí thì việc rải tiền là để truyền cảm hứng làm giàu! Tuy nhiên, các chuyên gia về văn hóa doanh nghiệp lại cho rằng đó là sự ngụy tạo, lố lăng của những kẻ trọc phú.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Đỗ Minh Cương, Giảng viên cao cấp, Chủ nhiệm Bộ môn Văn hoá doanh nghiệp và Lãnh đạo, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Làm giàu là việc xã hội đang khuyến khích. Tuy nhiên, việc làm giàu không phải khuyến khích bằng mọi giá, mọi thủ đoạn mà phải làm giàu không vi phạm pháp luật và phải có văn hóa.
Chính vì thế, việc tuyên truyền làm giàu, khuyến khích làm giàu mà cụ thể ở đây là tác giả cuốn sách cũng phải cư xử có văn hóa. Như vậy mới đúng là truyền cảm hứng làm giàu được”.
PGS.TS Đỗ Minh Cương phân tích: “Trong trường hợp này, người truyền cảm hứng phải hiểu được các giá trị văn hóa, phong tục của người VN. Các cụ nhà ta vẫn quan niệm “tiền là quý” nhưng mặt trái của nó “tiền là bạc”. Chính vì thế, trong chuyện trao nhận tiền cũng phải có tính văn hóa.
Một người có lòng tự trọng họ không bao giờ nhận tiền bằng mọi hình thức. Tôi ví dụ như chuyện cho tiền mừng tuổi cũng phải nhân dịp nào đó và cũng phải cho vào phong bao lì xì, thái độ trân trọng. Nó cũng tương tự như hiện nay doanh nhân đi làm từ thiện phải đến tận nơi, có thái độ lịch sự thì người được nhận mới vui vẻ và tạo hiệu ứng văn hóa và có khả năng truyền cảm hứng.
Lúc đó, cả người cho và người nhận đều có cảm xúc tốt đẹp. Nhưng tác giải cuốn sách dường như không hiểu được điều này. Việc rải tiền, ném tiền như thế tôi cho rằng chưa coi trọng người được nhận tiền. Nó không đúng với giá trị văn hóa, phong tục của người Việt Nam. Hành vi rải tiền và đám đông xúm vào nhặt chẳng khác nào bố thí, ban phát chứ không phải truyền cảm hứng.
Người Việt Nam tối kỵ những gì đã vứt xuống đất xong bắt người ta cúi xuống nhặt, tranh cướp nhau nhặt. Tôi nhớ chúng ta đã nhiều lần lên án các hành vi tương tự từng xảy ra. Cụ thể là việc một vị nhà sư từng ném lộc ở chùa Hương bị lên án là phản cảm. Vậy mà người viết sách này vẫn tiếp tục lặp lại việc đó, chứng tỏ ông ta không hiểu gì về văn hóa, không rút ra bài học kinh nghiệm. Việc truyền cảm hứng như vậy không hiệu quả vì không có cảm xúc tích cực truyền đi”.
PGS.TS Đỗ Minh Cương chia sẻ thêm: “Tôi thấy hành vi rải tiền của tác giả này nặng tính quảng cáo sách hơn là tạo ra giá trị. Hành vi truyền cảm hứng làm giàu như vậy không nên khuyến khích”.
PGS.TS Đỗ Minh Cương khẳng định: “Nếu người viết sách lý giải rằng việc rải tiền như vậy là để mọi người thấy "cơ hội để kiếm tiền, làm giàu luôn ở quanh chúng ta, liệu chúng ta có thể nhìn thấy và nắm lấy những cơ hội đó hay không mà thôi", đó là suy nghĩ đơn giản, thô thiển và có phần ngụy tạo. Theo tôi, có nhiều cách để truyền thông điệp một cách có văn hóa và tôn trọng người tiếp nhận hơn”.
“Truyền cảm hứng bằng việc nêu gương, bằng thành đạt của cá nhân, bằng sự cống hiến cho cộng đồng, bằng các hoạt động có ý nghĩa chứ bằng việc rải tiền là biểu hiện của trọc phú, lố lăng. Việc này không gây cảm hứng mà tạo ra phản cảm", PGS. Đỗ Minh Cương nêu quan điểm thẳng thắn.
Đỗ Thơm