Video: Rùa tai đỏ bị cấm, chim phóng sinh "đại náo" cổng chùa.
Theo ghi nhận của PV, dịp Rằm tháng Giêng năm nay, các cổng chùa tại TP.HCM không còn cảnh tượng bát nháo, tranh nhau mua, bán các loại sinh vật phục vụ mục đích phóng sinh.
Ngày 19/2, PV nhận thấy, tại cổng chùa Ngọc Hoàng (quận 1) không còn cảnh tranh giành mua cá, rùa tai đỏ để phóng sinh như mọi năm. Theo đó, sinh vật phóng sinh duy nhất được bày bán tại đây là các loài chim thuộc họ chim sẻ.
Đối diện cổng chùa này chỉ có một điểm bán chim phóng sinh duy nhất của một người phụ nữ khoảng trên 50 tuổi. Trao đổi với PV, người phụ nữ cho biết, trước đây, khi đi lễ chùa này, người dân thường mua rùa tai đỏ để phóng sinh. Tuy nhiên, chùa đã cấm bán, thả loài rùa này rồi.
"Do đó, bây giờ chỉ phóng sinh chim thôi. Tôi bán chim sẻ, chim thầy tu,... với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/con. Chính xác là chim se sẻ 20.000 đồng/con, chim thầy tu 25.000 đồng/con. Bán nguyên lồng 50 con là 1.200.000 đồng", người này cho biết.
Không còn lựa chọn khác, người đi lễ chùa buộc phải chọn mua chim để phóng sinh. Tuy nhiên, ghi nhận tại đây, PV nhận thấy, người dân chỉ mua với số lượng ít từ 1-2 con cho việc phóng sinh.
Trong khi đó, tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), số lượng chim phóng sinh được bán lớn gấp nhiều lần tại chùa Ngọc Hoàng. Theo đó, ngay góc phải cổng chính của chùa, có một điểm bán chim phóng sinh duy nhất với số lượng chim không nhiều.
Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, chếch sang phía tay phải người bán, khuất sau gốc đa và những chiếc xe máy là hàng chục lồng chim sẻ số lượng lên đến hàng ngàn con. Tại đây, khách có thể nghe rõ tiếng chim kêu lẫn trong tiếng ồn của khách thập phương.
Đặc biệt, đến khu vực này, người đi lễ chùa cũng ngửi thấy mùi phân chim bốc lên lẫn trong mùi nhang khói. Điều đặc biệt, điểm bán chim này nằm hẳn trong khuôn viên chùa. Giá bán chim tại đây là 20.000 đồng/con. Khách mua nhiều được mượn lồng để phóng sinh ngay giữa sân chùa.
Tại đây, PV cũng ghi nhận cách thức phóng sinh chim sẻ một cách bài bản khác. Người phóng sinh, sau khi mua chim sẻ nhốt trong chiếc lồng ngang. Chiếc lồng này được đặt dưới chân tượng thờ Phật bà Quan Âm. Bên trên lồng có mảnh giấy ghi rõ họ tên người phóng sinh chim.
Sau khi thắp nhang, khấn vái, người lễ bái sẽ mở cửa lồng, dùng tay đuổi để chim bay ra. Sau khi chim bay hết, người này sẽ đốt mảnh giấy ghi tên mình cùng các thành viên gia đình được đặt trên lồng chim.
Nằm trên đường Lê Hồng Phong, bên hông Việt Nam Quốc Tự, PV cũng ghi nhận một điểm bán chim sẻ cực lớn. Tại đây, người bán bày các lồng chim hình chữ nhật có nhiều tầng chứa cả ngàn con chim trên vỉa hè. Khách thoải mái dừng xe, ghé mua. Điểm này cũng cho người mua mượn chiếc lồng để phóng sinh.
Xung quanh điểm bán chim này, PV ghi nhận nhiều chú chim sẻ đậu dưới mặt đất trông hết sức yếu ớt. Một số chú chim có vẻ ủ rũ, mệt mỏi, không buồn bay khi có người đi ngang qua. Đặc biệt, có con phần lông ở đuôi cánh, đuôi có dấu hiệu bị cắt cụt.
Nhiều người dân cho biết, những chú chim này là chim vừa được phóng sinh. Tuy nhiên, chúng không thể bay xa vì mệt mỏi khi bị nhốt chung trong lồng chật hẹp. Thậm chí, có con bị người bán cắt ngắn lông cánh, đuôi để chim không thể bay xa. Sau khi được thả, chúng sẽ bị người bán bắt lại.
Theo ghi nhận của PV, nhìn chung, Rằm tháng Giêng năm nay, tại các chùa lớn vẫn có hình thức phóng sinh. Tuy nhiên, các điểm bán vật phóng sinh đã không còn bát nháo và đa dạng như trước.
Có điều, theo các điểm bán chim phóng sinh, các loại chim này đều là chim trời. Người bán khẳng định chim được thu mua từ người đánh bẫy bằng lưới, keo dính ngoài tự nhiên.
Nhiều người cũng khẳng định, sau khi phóng sinh, nhiều con chim yếu thậm chí chết khi vừa được giải thoát.