Theo Zing đưa tin, nam bệnh nhân 37 tuổi, trú tại phường Vĩnh Trại, TP.Lạng Sơn, bị một con rắn dài bò lên giường, cắn. Qua kiểm tra, nhân viên y tế xác định đây là rắn cạp nia với đặc điểm phần thân khúc trắng, khúc đen.
Tại bệnh viện, bác sĩ đã đưa huyết thanh vào cơ thể người bị rắn cắn. Sau đó, người nhà xin chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội để tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân V. chia sẻ với PV báo Phụ Nữ, khi đang ngủ vào ban đêm, bỗng anh bị rắn cạp nia bò lên giường cắn vào mạn sườn trái. Ngay khi phát hiện bị rắn cắn, anh được đưa đến bệnh viện cấp cứu, may mắn không ảnh hưởng đến tính mạng.
Tính từ đầu năm, bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 20 trường hợp nhập viện do bị rắn độc cắn. Cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8, bệnh viện có tới 16 bệnh nhân.
Theo các bác sĩ, để nhận biết rắn độc cắn và cách sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Với những loại rắn độc phổ biến, người dân có thể nhận ra dựa vào các đặc điểm đặc trưng bên ngoài của chúng như: rắn hổ mang (khi chuẩn bị tấn công thì cổ bạnh ra, phát âm thanh đặc trưng), rắn cạp nong (thân mình khúc vàng khúc đen), rắn cạp nia (thân mình khúc trắng khúc đen), họ rắn lục (đầu to hình thoi hoặc tam giác).
Răng của loài rắn độc đóng vai trò như một kim tiêm dưới da hoặc tiêm vào bắp thịt. Một số loại rắn hổ mang mặc dù ở cách nạn nhân một khoảng cách vẫn có thể phun nọc độc về phía họ và gây tổn thương mắt, từ đó gây nhiễm độc toàn thân.
Chuyên gia y tế nhấn mạnh khi bị rắn cắn, người dân cần bình tĩnh, tuyệt đối không tự đi lại, nặn bóp vết thương mà cần phải đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Trúc Chi (t/h)