Khi nào dao bị "kết tội" là vũ khí thô sơ?
Nhiều ý kiến cho rằng, việc "mua dao dễ như mua rau", thậm chí ngay cả hàng "nóng" như đao, kiếm… cũng được mua bán, trao đổi khá dễ dàng. Ông nhận định sao về thực tế này?
Theo chúng tôi, một phần do kể từ khi ban hành Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 của ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30/06/2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (gọi tắt là Pháp lệnh 16") và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí thô sơ còn có nhiều hạn chế, cộng thêm việc chưa có các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng các loại vũ khí có tính tăng tương tự vũ khí thô sơ đang là nguyên nhân của tình trạng các loại vũ khí này được bày bán công khai ở nhiều nơi và tình trạng nhiều thanh niên bị phát hiện mang theo người, phương tiện vũ khí thô sơ và các loại vũ khí có tính năng tương tự vũ khí thô sơ.
Cách đây không lâu, một người đàn ông đi bán hoa, cây cảnh bị bắt giữ vì trên xe ô tô có để con dao tỉa hoa, chặt cành nhưng công an cho rằng, đây là hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ. Quan điểm của ông về tình huống pháp lý này?
Đã là người chuyên bán hoa cây cảnh thì ai chẳng có dao kéo để cắt. Còn việc xác định họ có bị xử lý hành chính, bắt giữ hay không phải căn cứ trên các quy định của pháp luật.
Có một nghịch lý đang tồn tại: Mua dao thì dễ nhưng người mua dao lại rất có thể "bị bắt" ngay lập tức khi chưa kịp mang dao về nhà vì hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ, thưa ông?
Việc mua dao (dao bầu, dao phay...) trên thị trường hiện nay khá dễ dàng nhưng lại chẳng "phạm" bất kỳ quy định nào. Thế nhưng, cũng vì cái sự dễ ấy, nhiều người lại có thể "chết oan" khi vừa bước ra khỏi tiệm bán kim khí với những con dao vừa mua xong. Theo quan điểm của tôi, phải xét đến nhóm vũ khí khác có tính năng tương tự như vũ khí thô sơ.
Luật sư Phạm Văn Phất.
Ông có nhận định gì khi các vụ án giết người man rợ xảy ra thời gian gần đây mà hung khí được sử dụng lại là các loại dao?
Việc quản lý, sử dụng vũ khí nói chung và vũ khí thô sơ nói riêng có liên quan chặt chẽ tới tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Đi tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này thì thấy, ngoài các nguyên nhân về thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý liên quan thì các quy định của pháp luật về việc quản lý, sử dụng các loại vũ khí vừa nêu cũng đang... "có vấn đề!".
Vậy đâu là căn cứ để "buộc tội", hay "không buộc tội" một người có sử dụng, mang theo "vũ khí thô sơ", thưa ông?
Theo quy định tại Pháp lệnh 16, vũ khí thô sơ bao gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ. Tại Điều 5 của Pháp lệnh 16 thì pháp luật không cấm cá nhân sở hữu vũ khí thô sơ. Tuy nhiên, cá nhân chỉ được sở hữu vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo hoặc được gia truyền theo phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc. Các hành vi mang theo người, phương tiện, đồ vật, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí thô sơ bị pháp luật nghiêm cấm.
Trong các trường hợp cá nhân được sở hữu vũ khí thô sơ nêu trên, Bộ trưởng bộ Công an còn quy định, đối với vũ khí thô sơ là đồ gia bảo, hoặc được gia truyền theo phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc phải khai báo với Công an xã, phường, thị trấn nới cư trú để được cấp Giấy chứng nhận việc khai báo.
Ngoài các đối tượng thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân thì còn một số đối tượng khác cũng được trang bị vũ khí thô sơ như các hãng phim, đơn vị biểu diễn nghệ thuật, tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự xã, phường, thị trấn ... (Điều 13 Thông tư 30). Không phải tất cả những đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ đều được cơ quan có thẩm quyền cấp vũ khí thô sơ, mà họ phải tự tìm nguồn để mua sau khi được cấp Giấy phép mua vũ khí thô sơ. Sau đó các đối tượng này phải tiến hành việc đăng ký để được cấp Giấy xác nhận đăng ký.
Bỏ quên nhóm vũ khí có tính năng tương tự vũ khí thô sơ
Vậy có phải, các quy định trong luật đã "bỏ quên" nhóm vũ khí khác có tính năng tương tự như vũ khí thô sơ, thưa ông?
Thực tế đúng là như vậy! Trong các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, các cơ quan có thẩm quyền đã vô tình "bỏ quên" nhóm vũ khí khác có tính năng tương tự như vũ khí thô sơ này. Cụ thể, Pháp lệnh 16 về quản lý, sử dụng vũ khí nhưng không có điều nào quy định về quản lý, sử dụng loại vũ khí khác có tính năng tương tự vũ khí thô sơ. Nghị định 73 không đề cập xử lý hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ các loại vũ khí có tính năng tương tự vũ khí thô sơ, tức là không coi các hành vi này là vi phạm hành chính. Hành vi mang theo người, phương tiện, đồ vật, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại vũ khí có tính năng tương tự vũ khí thô sơ cũng không được coi là hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 4 Nghị định 25.
Nói như ông, thì dao bầu, dao bấm… cũng được coi là vũ khí, thưa ông?
Một điều đáng lưu ý là theo định nghĩa tại Pháp lệnh 16 thì khái niệm vũ khí được định nghĩa là bao gồm: Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự. Trong đó các loại vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự được hiểu là loại vũ khí khi sử dụng có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe đối với con người, thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến với môi trường tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao. Nếu chỉ đề cập đến loại vũ khi có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí thô sơ thì có thể thấy các loại dao bầu, dao bấm, dao nhọn, côn gỗ... cũng được coi là vũ khí.
Xin cảm ơn ông!
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Hương Lan (Thực hiện)