Đây là ý kiến phát biểu mở đầu của PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam trong khuôn khổ Hội thảo trực tuyến “Ranh giới giữa bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và tôn trọng quyền riêng tư của công dân trên báo chí”.
Ranh giới của đạo đức
Bàn luận về điều này, ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Tp.Hồ Chí Minh cho rằng cần nhìn nhận vấn đề theo “ranh giới" của ba bên xuất hiện trong một tác phẩm báo chí: nhân vật xuất hiện, người làm báo và độc giả.
Với mỗi một vị trí, họ đều có quyền và nhu cầu tiếp cận, thu thập thông tin riêng. Đối với nhân vật xuất hiện trong bài, hay là người trong cuộc thường sẽ bảo vệ quyền riêng tư của mình bằng cách không nhắc tới những điều tiêu cực hay nỗi buồn mang tính quá chi tiết cá nhân. Thế nhưng, đặc trưng của nghề báo là khai thác thông tin càng sâu thì càng tốt, tạo nên điểm ấn tượng và “đắt giá" cho tác phẩm. Với độc giả thì họ thường bị cuốn hút bởi những câu chuyện hay, chứ không để ý tới phương pháp tác nghiệp.
Đôi khi, những “ranh giới" này không thực sự rõ ràng, dẫn tới những vi phạm về quyền riêng tư cá nhân trên những tác phẩm báo chí.
Vậy nên, những người được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, từ đội ngũ phóng viên đến cơ quan quản lý, cũng là người quyết định sẽ khai thác thông tin đến đâu.
Phải luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình với từng tin tức, từng sự thật mà mình đưa ra, giữ một "trái tim nóng" và "cái đầu lạnh" khi làm nghề. Trên hết, là trách nhiệm trước mỗi số phận của con người mà nhà báo đối mặt trong hành trình tác nghiệp của mình.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Vĩnh Quyên - nguyên Phó Giám đốc Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam cho rằng: “Lạnh ở đây không phải lạnh lùng, mà là tỉnh táo. Cần phân biệt đâu là tin tức và đâu và số phận con người. Tin tức thì sẽ luôn qua hằng ngày, nhưng số phận con người mà chúng ta chạm vào thì sẽ còn mãi, không ai muốn sống trong việc quá khứ đau buồn của mình luôn luôn bị đào bới bởi người khác”.
Bà chia sẻ thêm, chúng ta luôn cổ vũ sự vượt qua ranh giới, chúng ta mặc định một tác phẩm được nhiều người hưởng ứng, lấy được nước mắt độc giả là một tác phẩm thành công. Nhưng chính vì một tiêu chí đánh giá hiện lên như vậy nên vô tình loại trừ rất nhiều thứ khác.
Vậy nên, người làm báo hãy thử đặt vị trí của mình vào vị trí của nhân vật hoặc người thân của nhân vật, để cân nhắc thật kỹ những hệ quả có thể xảy ra trước khi công khai bài viết của mình.
Ranh giới của truyền thông
Ta có thể hiểu nôm na, ranh giới truyền thông ở đây chính là cách thức đăng tải thông tin từ các cơ quan báo chí, việc họ đưa thông tin tới khán giả dưới góc nhìn nào ảnh hưởng rất nhiều tới quyền riêng tư cá nhân của nhân vật, tổ chức xuất hiện trong tác phẩm.
Lấy ví dụ về một vài nghiệp vụ báo chí để bảo mật thông tin cá nhân mà ta thường thấy, như: sự chấp thuận xuất hiện của nhân vật, viết tắt tên, che mờ hình ảnh khuôn mặt, không đăng tải thông tin cá nhân hay thậm chí làm méo giọng trên các tác phẩm phát thanh - truyền hình,...
Tuy vậy, lại cần xét trên phương diện thể loại tác phẩm và mục đích mà người làm báo đang theo đuổi, để đưa ra đâu là ranh giới không thể vượt qua.
Đối với loạt đề tài báo chí điều tra, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - người đã 4 lần đoạt giải Báo chí Quốc gia, các tác phẩm của ông đều nhận được rất nhiều giải thưởng trước đây cởi mở chia sẻ: “Làm nghề với "trái tim nóng" và "cái đầu lạnh", nhưng lạnh quá thì không ai đọc!”.
Ông giải thích thêm, với các tác phẩm điều tra, không rõ ràng hình ảnh thì rất khó xử lý cho các cơ quan chức năng và gửi đến góc nhìn chân thực cho khán giả. Nhưng rõ ràng hình ảnh thì lại vi phạm quyền riêng tư.
Không những thế, hầu hết tư liệu thu thập từ các tác phẩm, phóng viên đều phải tiếp cận dưới hình thức quay lén, không thể có sự chấp thuận hay xin phép những nhân vật xuất hiện. Ông cũng đưa dẫn chứng, đồng nghiệp tại một số nước như Ý với tuyến bài điều tra về băng cướp hay Nam Phi làm về tổ chức buôn bán động vật trái phép, tất cả thông tin hình ảnh công khai đều là thật 100% thì mới mời được cơ quan công an vào cuộc.
Ông cho rằng thông tin nào có ích cho cộng đồng, triệt tiêu cái xấu trong xã hội thì vẫn cứ phải công khai chân thực, tuy nhiên vẫn cần được sự đồng ý từ cấp trên.
Đối với những tác phẩm có đề tài nhạy cảm, Nhà báo Đỗ Bạch Dương - cựu MC Đài Truyền hình Việt Nam VTV cho rằng vẫn nên có những cách đảm bảo thông tin cá nhân cho nhân vật để không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ sau này.
Với kinh nghiệm làm nghề lâu năm về các chương trình, phóng sự truyền hình, bà chia sẻ nếu nhìn theo cách khác, sự làm mờ hay làm méo giọng nhân vật đôi khi không làm mất đi tính hấp dẫn của tác phẩm. Điều đó còn là một cách giúp người làm báo tăng thêm khả năng sáng tạo của mình như về góc quay hay quy cách tổ chức tác phẩm, sao cho vẫn tôn trọng quyền cá nhân mà vẫn đem đến cho khán giả những cảm xúc tò mò, lôi cuốn hơn vào câu chuyện.
Từ đó có thể thấy, việc phóng viên thu thập và tiếp cận nguồn tin là một chuyện, nhưng cách tổ chức sản phẩm ra sao, đưa góc nhìn nào tới khán giả lại là điều nằm ở khâu biên tập và quản lý. Thế nhưng, hiện nay cũng chưa có quy định hay luật nào giới hạn rõ ràng về điều này ở Việt Nam, nên để phân định đúng - sai là rất khó.
Ranh giới của luật pháp
Tham gia đóng góp ý kiến tham luận, bà Nguyễn Thu Hà - Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Paris, Pháp cho biết thông tin, xét trên sự so sánh về dân trí Việt Nam và các nước phương Tây, ý thức về bảo vệ quyền riêng tư của người dân ở nước ta chưa cao, thậm chí còn mơ hồ về điều này.
Vậy nên, bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân và quyền được thông tin của báo chí là hai quyền nên được luật pháp công nhận và bảo vệ để đảm bảo song hành và chi phối lẫn nhau.
Lấy ví dụ từ những nước Châu Âu, quy định luật pháp nhằm tôn trọng cuộc sống riêng tư của công dân, đặc biệt là trẻ em là một trong những quyền quan trọng nhất. Hơn nữa, họ cũng đề ra rất nhiều những hình phạt nặng cả về hình sự lẫn dân sự, nếu quyền riêng tư của công dân bị xâm phạm.
Bổ sung ý kiến, ông Phan Văn Tú - Trưởng Bộ môn Truyền thông điện tử, Khoa Báo chí, Đại học KHXH-NV thuộc Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định về thực trạng của nước ta hiện nay: “Không có ai làm trọng tài cho vấn đề này”. Vậy nên, đây là điều người làm báo phải nhận thức trước, rồi mới tới cộng đồng và nhận thức cần được tăng dần lên theo quá trình hội nhập.
Để làm được điều đó, thì cần phải đề ra những giải pháp cụ thể về những văn bản pháp lý rõ ràng. Nếu cần, nhà báo cũng nên nhận được sự giám sát với những quy định rành mạch từ những cấp quản lý như hiệp hội, hoặc tổ chức thêm nhiều những buổi hội thảo, tọa đàm để từ đó nâng cao ý thức, đạo đức làm nghề .
Việc tuyên truyền về quyền bảo vệ thông tin cá nhân tới cộng đồng, cũng là vấn đề cần được giải quyết. Điều này dần dần phải được chú trọng nhiều hơn trong tương lai, để mỗi người dân đều có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình, nhất là trong bối cảnh xã hội đang ngày càng văn minh, hội nhập.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng được nêu ra tại Hội thảo, về hệ thống văn bản quy ước về mặt hình ảnh, âm thanh trong các tác phẩm báo chí; hay mẫu văn bản thống nhất giữa cơ quan báo chí và nhân vật cung cấp thông tin trước khi đi vào quá trình ghi nhận, cũng có thể được cân nhắc.
Cuối cùng, trách nhiệm từ ban biên tập và kiểm duyệt thông tin đầu ra của các cơ quan báo chí cũng cần được luật lệ hoá bằng văn bản, tùy thuộc vào nhiệm vụ của mỗi cơ quan thì sẽ có những bộ quy định riêng về tác nghiệp và xử lý tin, bài, có thể coi đó là “những người gác cổng của tòa soạn", dung hòa giữa các “ranh giới" đề ra.