Cách đây 35 năm, một chiếc đĩa mềm chứa phần mềm độc hại đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho hàng ngàn người dùng máy tính, đánh dấu sự khởi đầu của loại hình tội phạm mạng tống tiền - ransomware.
Khởi nguồn của ransomware bắt đầu từ một chiếc đĩa mềm.
Năm 1990, khi nhận thức về virus máy tính còn rất hạn chế, Tiến sĩ Joseph Lewis Andrew Popp Jr. đã lợi dụng nỗi sợ hãi về đại dịch AIDS để phát tán ransomware đầu tiên trên thế giới. Thông qua những chiếc đĩa mềm mang tên "AIDS Information - Introductory Diskette 2.0", phần mềm độc hại này đã lây nhiễm vào khoảng 20.000 máy tính, mã hóa dữ liệu và yêu cầu nạn nhân trả tiền chuộc để lấy lại.
Mặc dù thủ đoạn này khá đơn giản so với các cuộc tấn công ransomware tinh vi ngày nay, nhưng vào thời điểm đó, nó đã gây ra thiệt hại đáng kể cho nhiều tổ chức, trong đó có một tổ chức y tế của Ý bị mất 10 năm dữ liệu nghiên cứu quý giá.
Tiến sĩ Popp sau đó đã bị bắt, nhưng lại thoát khỏi án tù nhờ những hành vi kỳ quặc. Ông ta đeo bao cao su trên mũi, mang theo hộp carton và có nhiều biểu hiện bất thường khác, khiến bác sĩ tâm thần kết luận ông không đủ tỉnh táo để hầu tòa.
Tuy nhiên, sự tính toán kỹ lưỡng trong kế hoạch tấn công, cùng với chi phí đầu tư đáng kể cho việc phát tán đĩa mềm và đăng ký công ty "ma" ở Panama, đã khiến nhiều người nghi ngờ về tình trạng tâm thần thực sự của Popp.
Dù sao đi nữa, vụ việc này đã trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử an ninh mạng, đánh dấu sự xuất hiện của ransomware - mối đe dọa ngày càng nguy hiểm và phổ biến trong thế giới kỹ thuật số hiện nay.
Đào Hoàng - TechSpot