Nhiều sinh viên đã quá thời gian học hoặc nợ môn và rất khó có cơ hội lấy được bằng tốt nghiệp như tìm được “phao” trước thông tin mua bán bằng “thật 100%” hết sức hấp dẫn.
Giá 20 triệu đồng
Thời gian vừa qua, nhiều sinh viên bất ngờ nhận tin nhắn rao bán bằng hết sức hấp dẫn. Chẳng hạn: “Nhận lo bằng cấp ĐH, CĐ, TCCN, chứng chỉ các loại. Tất cả có gốc 100% và nhận bằng tại phòng đào tạo của trường. Hoàn tất nợ điểm cho sinh viên. Lo đầu vào các trường năm 2013. Vì hồ sơ có hạn ưu tiên người đến trước, không nhận tiền cọc, lo xong mới nhận tiền”.
Minh họa: DAD
Không có chuyện mua bán bằng ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM Trao đổi với PV , GS-TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, khẳng định hoàn toàn không có chuyện mua bán bằng ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Ông Phong cũng cho biết không quen ai tên Nguyễn Văn Cư và trong trường không có giảng viên nào tên như vậy. “Vả lại, có muốn bán phôi bằng cũng không được vì Bộ quản lý phôi bằng rất chặt chẽ, dựa vào số lượng sinh viên tốt nghiệp để cấp và kiểm tra từng phôi bằng. Thậm chí, nếu phôi bằng nào bị hư hỏng cũng phải gửi công văn đến Bộ để xin đổi”, ông Phong nhấn mạnh. |
Đóng vai là người cần bằng tốt nghiệp ĐH ngành quản trị kinh doanh, chúng tôi liên hệ với số điện thoại 0923796668 để lại trong tin nhắn: Người bắt máy tự xưng là Cư và cho biết nên lấy bằng của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho uy tín. Điều kiện làm bằng càng dễ dàng vì ông là giảng viên chính của trường này, có quan hệ rất thân tình với hiệu trưởng. Người này hối thúc chúng tôi gửi hồ sơ bằng cách chụp hộ khẩu, CMND và ảnh thẻ gửi qua email để các thầy trong trường làm bằng, lưu tên vào bảng điểm. Giá cho một tấm bằng như thế này là 20 triệu đồng.
Sau khi cung cấp đầy đủ thông tin, chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, người này nhắn tin lại cho chúng tôi: “Đã có bằng. Đúng 8 giờ sáng mai anh đến cổng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (đường Nguyễn Tri Phương, Q.10 - NV) để nhận bằng tại phòng đào tạo”.
Khi được hỏi là bằng thật hay giả, người này cho biết: “Đây là bằng thật 100%. Lý do là trường xin phôi bằng của Bộ GD-ĐT cấp cho sinh viên dư và dùng phôi bằng này để bán với số lượng hạn chế ra bên ngoài”.
Sau đó, chúng tôi hỏi thêm có một người em bị nợ điểm 3 môn học của trường ĐH T. và muốn hoàn tất để lấy bằng tốt nghiệp có được không? Người này cũng tự xưng mình quen biết với hiệu trưởng trường T. và nói đúng họ tên của hiệu trưởng trường này, rồi ra giá 3 triệu đồng/môn học.
Có thầy hiệu trưởng ngồi chờ giao bằng!
Đúng giờ, chúng tôi có mặt tại nơi hẹn. Bất ngờ, ông Cư điện thoại đề nghị chúng tôi có mặt trước trụ sở của Ngân hàng Sacombank gần đó và giới thiệu số điện thoại của một người có tên Thành. Theo ông Cư, Thành là người thân của hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đang giữ bằng tốt nghiệp và bảng điểm của chúng tôi.
Ông Cư nhắn cho chúng tôi số tài khoản mà chủ tài khoản là Nguyễn Văn Cư và hối thúc chúng tôi chuyển trước 10 triệu đồng vào tài khoản, sau khi nhận bằng trả nốt số còn lại. Ông Cư cho biết khi thấy chúng tôi đúng là người có tên trên bằng và chuyển đủ tiền, người tên Thành sẽ giao bằng tốt nghiệp.
Chúng tôi liên lạc với Thành, người này tự xưng làm việc trong Ngân hàng Sacombank, ngay tại địa chỉ được hẹn. Thành cho biết khi chúng tôi chuyển tiền xong, anh ta sẽ có mặt để giao bằng và bảng điểm. Sau đó, qua Trường ĐH Kinh tế TP.HCM để gặp ông Cư ký vào sổ lưu bằng. Ông Cư đang ngồi chờ chúng tôi cùng thầy hiệu trưởng.
Trước diễn biến bất ngờ, chúng tôi không chuyển tiền vì cho rằng số tiền quá lớn và không có gì chắc chắn để tin tưởng. Lúc này, ông Cư gọi điện và cho biết sẽ hỏi ý kiến hiệu trưởng. Một lát sau, ông Cư gọi lại và cho biết hiệu trưởng đồng ý chúng tôi chỉ cần chuyển 5 triệu đồng thôi! Ông này cũng liên tục thuyết phục rằng chuyện này rất nhạy cảm và bí mật nên phải làm như vậy, chúng tôi cứ yên tâm vì ông ta là giảng viên, có tài khoản ngân hàng, có chuyện gì sẽ bị kiện cáo ngay. Khi chúng tôi nhất quyết đề nghị gặp mặt để đưa tiền lấy bằng, ông Cư lại “xuống nước”: “Em cứ chuyển trước 2-3 triệu để chúng tôi yên tâm rồi sẽ lấy bằng ngay”. Không thỏa thuận được, người này thông báo chúng tôi về vì trường đã quyết định hủy bằng!
Các tin mà ông Cư nhắn cho phóng viên Thanh Niên để trao đổi về việc mua bán bằng cấp
Lừa chuyên nghiệp
Chúng tôi tìm hiểu trong danh sách công khai giảng viên chính của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thì không có người nào tên Nguyễn Văn Cư.
Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi thấy có nhiều thông tin cảnh báo trên mạng về việc này. Có một thông tin như sau: “Mình xin chia sẻ với mọi người đây là số điện thoại của bọn lừa: 0923796668. Hắn tự xưng là giảng viên trường ĐH ở TP.HCM, có thể lo bằng ở tất cả các trường hoặc giúp qua môn. Thủ đoạn của bọn này là hẹn gặp tại phòng đào tạo của trường, khi ta đến điện thoại thì bọn này hẹn gặp ở một địa chỉ nhất định, đa phần là chi nhánh hoặc phòng giao dịch của ngân hàng. Chủ yếu là dùng tài khoản Sacombank với tên giao dịch Nguyễn Văn Cư và số tài khoản 060072379473, nói chuyển vào số tài khoản của chúng sau đó sẽ có nhân viên ngân hàng đến giao hồ sơ rồi sau đó dàn cảnh bỏ chạy. Mọi người cẩn thận!”.
Chúng tôi liên hệ với P., người đăng cảnh báo này trên một số trang rao vặt, P. cho biết có người quen là một nạn nhân của kiểu lừa này và đã mất tiền oan. Theo P., đây là một tổ chức hoạt động khá chuyên nghiệp. Đối tượng hướng đến chủ yếu là sinh viên bị nợ môn, muốn mua bằng tốt nghiệp hoặc hoàn tất điểm vì không muốn gia đình biết. P. cũng cho biết, nhóm này hoạt động ít nhất trên 5 năm và nhiều sinh viên đã bị lừa.
Theo Thanh niên