Đình Đông Cốc bên bờ con sông Dâu cổ (thuộc thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vốn được xây dựng từ lâu đời. Căn cứ vào thần tích, sắc phong của đình Đông Cốc thì người được thờ tại đây là Linh Thông đại vương có công phù giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Nhờ những cổ vật còn giữ gìn được cùng những giá trị lịch sử mà ngôi đình đã được bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa.
Di tích đã được công nhận
Chúng tôi đặt chân đến xã Hà Mãn (huyện Thuận Thành) lúc trời vừa nhá nhem tối để tìm hiểu thông tin thời gian gần đây trong xã đang xôn xao trước việc rao bán, đấu giá cây gỗ Sưa của người dân thôn Đông Cốc. Ngay từ ngã tư Dâu, không khó để chúng tôi có thể tìm đến nơi có những cây Sưa hàng trăm năm tuổi mà số phận đang được đưa ra để định giá. Mở ra trước mắt chúng tôi là vẻ linh thiêng mờ ảo của không gian đình, chùa bên bờ con sông Dâu hiền hòa xưa cũ. Tiếng chuông chùa ngân vang, thoảng khói hương càng khiến không gian đình, chùa lúc sẩm tối thêm sự uy nghiêm, linh thiêng. Với chúng tôi, lần đầu tiên được biết đến có sự hình thành giữa quần thể chùa và đình nằm ngay sát cạnh nhau, chung sân nhau. Bước qua phần không gian của sân chùa, chúng tôi dễ dàng nhận ra những cây Sưa cổ thụ hàng trăm tuổi xõa bóng um tùm phủ kín mái đình.
Cây Sưa cổ thụ trên 400 năm tuổi phủ tán trên mái đình Đông Cốc.
Những kẻ lạ mặt như chúng tôi xuất hiện nhanh chóng được các vị bô lão nhận ra. Một phần họ có vẻ dò xét, phần có vẻ như họ đã quen với sự có mặt của người lạ bởi thời gian gần đây liên tục có những vị khách và “cò” Sưa đến ngã giá. Như bao người khách phương xa, chúng tôi được cụ Tuế (thủ từ tại đình Đông Cốc) đón tiếp và chia sẻ nhiều chuyện liên quan đến quần thể đình, chùa của làng.
Cụ Tuế cho biết, cụ đã làm công tác chăm lo việc hương khói của đình (thủ từ) được 4 năm, do vậy, những giá trị lịch sử, văn hóa về đình, chùa Đông Cốc cụ nắm được qua những ghi chép và cha ông truyền dạy lại. Cụ Tuế chia sẻ: "Đình, chùa thôn Đông Cốc là một trong những công trình tín ngưỡng tôn giáo vốn nổi tiếng của vùng Dâu. Hiện nay, đình còn bảo lưu được những di sản văn hoá vật thể là những cổ vật quý như thần phả, sắc phong, bia đá và di sản văn hoá phi vật thể như truyền thuyết, tín ngưỡng, lễ hội,... Qua đó, đã phản ánh về một bề dày lịch sử, văn hiến của quê hương, đất nước".
Theo tục lệ, hội các chùa Tứ Pháp được mở vào mồng 8 tháng 4 và nổi tiếng trong dân gian là hội của 3 tổng 12 làng xã vùng Dâu và có những nghi thức tục trò như: Rước Phật Tứ Pháp từ các làng thờ Tứ Pháp về chùa Dâu để tế lễ, rước Phật Tứ Pháp về bái tổ ở chùa Tổ thờ Phật Mẫu Man Nương, tục mẹ đuổi con để vào hội, tục cướp nước tại bãi hội chùa Dâu, thu hút hàng ngàn người về dự hội mỗi năm. Lễ hội chùa Tứ Pháp vùng Dâu là một trong những lễ hội Phật giáo lớn nhất của nước ta. Theo thư tịch sử sách cổ, thì chùa Thành Đạo là một trong các ngôi chùa thờ Tứ Pháp của vùng Dâu: Chùa Dâu thờ Pháp Vân, chùa Đậu thờ Pháp Vũ, chùa Tướng thờ Pháp Lôi, chùa Dàn thờ Pháp Điện và chùa Tổ thờ Phật Mẫu Man Nương. Truyền thuyết Phật Tứ Pháp ở vùng Dâu chính là kể lại quá trình Phật giáo từ Ấn Độ được truyền trực tiếp vào vùng Dâu ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên để có hệ thống chùa Tứ Pháp, là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta. Trong kháng chiến chống Pháp chùa Đậu bị phá, tượng Pháp Vũ phải gửi vào chùa Dâu. Năm 1999, dân làng Đông Cốc xây dựng lại chùa Đậu ngay sát đình làng tạo thành một quần thể di tích thâm nghiêm, có cảnh quan tuyệt đẹp như ngày nay.
Cây Sưa trên 200 năm tuổi đang được rao bán và đã được trả giá 50 tỷ đồng.
Bán Sưa sửa... đình?
Huyện chưa nắm được thông tin này Trao đổi qua điện thoại với PV báo Người đưa tin, ông Lê Đình Thanh, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành cho biết: "Huyện chưa nắm được thông tin này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ kiểm tra và trao đổi lại thông tin sau". |
Khi được hỏi về thông tin của việc bán cây Sưa, cụ Tuế khẳng định là có. Đình Đông Cốc đã được sửa lại vào năm 2007, dân làng Đông Cốc đã thống nhất bán bớt một cây Sưa và một nhánh của cây Sưa 400 năm tuổi để lấy tiền. Tỏ vẻ tiếc nuối, cụ Tuế nói: "Lần đó, mới chỉ bán một cây thân to bằng cột đình, dài chưa tới hai mét và một nhánh mọc lên từ dưới gốc của cây Sưa 400 năm tuổi mà được hơn một tỷ đồng. Như vậy là còn bị hớ đấy! Tất cả số tiền đó đều được dùng để trùng tu lại đình như hiện nay...".
Hiện tại trong khuôn viên của sân đình còn 3 cây gỗ Sưa, một cây theo như các cụ định tuổi cũng lên đến 400 năm tuổi, tán rộng sum suê ôm kín một phần mái đình, thân cây cao, đường kính thân phải đến 3 người ôm mới kín. Một cây nhỏ hơn ước tính lên đến 200 năm tuổi nằm ngay sát cột cổng đình, thẳng đuột, đường kính phải hai người ôm, đã được những chuyên gia khoan thăm dò, đang được rao bán và có người đã trả giá 50 tỷ đồng. Cây còn lại nhỏ nhất cũng tới 50 năm tuổi.
Khi chúng tôi thắc mắc về việc cây Sưa thuộc vào quần thể sân đình, mà đình đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa làm sao có thể bán được, cụ Tuế khẳng định: "Cần bán để có tiền trùng tu, chỉnh sửa lại toàn bộ không gian, cảnh quan quanh khu vực đình, chùa. Việc này là do tất cả các cụ bô lão cũng như người dân thôn Đông Cốc bàn bạc và quyết định". Tuy nhiên, tìm hiểu thêm được biết, xung quanh chuyện bán Sưa cũng còn những ý kiến trái chiều của người dân nơi đây. Anh Nguyễn Văn Khuyến chia sẻ: Trên thân cây Sưa rao bán đã được khoan thăm dò 2 lỗ nhưng có vẻ cũng không dễ để bán vì trước đây sau việc bán Sưa có lần công an đã vào cuộc điều tra, thu giữ gỗ của người mua. Cây thuộc khuôn viên di tích không thể bán, nếu bán là vi phạm pháp luật...
Trước sự việc này, bà Hiền (67 tuổi) lại tỏ vẻ đồng thuận: "Việc bán cây là do quyết định của các cụ và trưởng thôn. Nếu bán được sẽ dùng tiền để kè lại bờ sông phía trước đình, chùa. Tuy nhiên, cũng khó bán lắm vì không phải ai cũng có đủ tiền mua. Những người đến hỏi thường cũng chỉ là người môi giới, thậm chí có cả người Trung Quốc đến hỏi mà cũng đã bán được đâu".
Giá trị nổi bật Giá trị nổi bật của đình Đông Cốc chính là những cổ vật còn gìn giữ được như: Thần phả, sắc phong, bia đá và đồ thờ tự; đặc biệt là 10 đạo sắc phong của cả đình và chùa, cho biết rõ người được thờ ở đình Đông Cốc là Linh Thông đại vương, Phật được thờ ở chùa Đông Cốc là Phật Pháp Vũ. Các sắc phong có niên đại từ nhiều triều vua như: Cảnh Hưng 44 (1783), Minh Mệnh 2 (1821), Triệu Trị 4 (1844), Tự Đức 3 (1850), Tự Đức 4 (1851), Tự Đức 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1886), Duy Tân 3 (1909), 2 sắc Khải Định 9 (1924). Trong những đạo sắc này, có tới 5 đạo sắc phong cho Phật Pháp Vũ. Chùa Đông Cốc có tên chữ là Thành Đạo tự, tên nôm là Chùa Đậu. |
Thiên Bình - Lương Liễu