Chuyện “soái ca Diệp Vấn” ở sân bay bị đe dọa xem xét về hành vi gây rối trật tự nơi công cộng, nếu khiên cưỡng xét dưới khía cạnh tâm lý của ông giám đốc cảng vụ, chắc cũng có thể hiểu được.
Sự việc xảy ra trong phạm vi quản lý của cảng vụ, nhân viên an ninh sân bay không làm tròn bổn phận, không bảo vệ được người nhà, để thiên hạ tấm tắc, lên đồng với hành động của người qua cảng, ông giám đốc có nóng mặt, miệng nhanh hơn não thì... mang tiếng chút, chứ xét theo luật, chắc gì ông ấy đã có thẩm quyền để có thể xem xét, xử lý hành vi gây rối trật tự công cộng.
Nhưng cảm giác lấn cấn về chuyện Phan Anh bỏ tiền của, công sức và kêu gọi mọi người ủng hộ đồng bào mình trong cơn hoạn nạn bão lũ, không những không được tạo điều kiện để nhân rộng, mà còn khiến không ít người lo lắng lại là chuyện khác.
Chiểu theo các quy định hiện hành, có thể chỉ MTTQ hay các quỹ từ thiện được cấp phép mới có thẩm quyền kêu gọi quyên góp và phân phát tiền hàng từ thiện. Không bàn về tính đúng sai của các quy định, bởi xưa nay, luật pháp được làm ra thường để nhằm tới việc trừng phạt người xấu chứ không phải vì mục đích nhân lên điều tốt.
Là vì, để nhân lên cái tốt thì chỉ hướng đến số ít người, có nhân lên cũng chẳng kiếm thêm được năm hay mười Phan Anh, nhưng để răn đe kẻ xấu là hướng đến số đông, tránh nguy cơ lợi dụng việc quyên góp để xà xẻo lòng tốt và niềm tin của người dân, để những con bò hay tải gạo không đi lạc nhà, và vì thế, mới duy trì được sự ngay thẳng cho xã hội.
Nhưng các quy định về pháp luật, nếu được vận hành, là nhằm để răn đe, trừng phạt kẻ xấu, kẻ gian, chứ nếu không thể bảo vệ, cũng không dùng để xử lý người ngay, việc tốt. Nguyên lãnh đạo Hà Nội - ông Phí Thái Bình - liên đới trách nhiệm trong việc vỡ đường ống sông Đà mấy chục lần, khiến mấy vạn nạn dân bao phen mất nước, còn được miễn truy cứu vì có nhân thân tốt, thì khi xem xét đến các hành vi của Soái ca ở sân bay, hay Phan Anh ở vùng lũ, không thể không xét đến động cơ làm việc của họ.
Cũng có lý khi nói rằng, việc những học sinh đủ ngàn like là làm những việc quá khích khi nhảy xuống sông hay đốt trường có trách nhiệm không nhỏ của gia đình, nhà trường và xã hội khi để đám trẻ phải chứng minh chúng không giống nhiều người lớn nói mà không làm hay nói một đằng làm một nẻo.
Suy nghĩ theo hướng như vậy thì cũng có thể thấy, việc Phan Anh huy động được nhiều tiền từ thiện, phần nào cũng vì nhiều người không còn gửi gắm niềm tin vào những địa chỉ mà lòng tốt của họ có thể bị lợi dụng hay xà xẻo. Tiền, lòng tốt hay niềm tin không tự sinh ra hay mất đi, mà chỉ được đặt vào địa chỉ này hay địa chỉ khác. Hiện tượng một cá nhân như Phan Anh, quyên góp từ thiện một cách tự nguyện, được nhiêu hơn tổ chức này hay đơn vị kia là điều đáng suy nghĩ về lòng tin trong xã hội hơn là vin vào điều này, luật kia để hạn chế, cấm đoán hoạt động của những người tốt, việc tốt.
Công Tiến
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả