Các rào cản pháp lý khi thực hiện hợp đồng xã hội
Theo ước tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), các tổ chức xã hội có thể đóng góp từ 25% đến 50% trong việc cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của các tổ chức này đều đang dựa vào nguồn ngân sách viện trợ của các tổ chức quốc tế. Vì thế, khi nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm, các hoạt động này cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Theo PGS.TS Phan Thị Thu Hương- Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, khoảng 15 năm trước các nguồn viện trợ quốc tế chiếm đến hơn 80% tổng ngân sách chi cho các hoạt động phòng chống dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, đến nay con số này đã đảo ngược lại, hiện chỉ chiếm chưa tới 50%.
Vì thế, để huy động các tổ chức xã hội tham gia bền vững vào công tác phòng, chống HIV/AIDS rất cần có nguồn ngân sách trong nước hỗ trợ. Tuy nhiên, việc sử dụng ngân sách nhà nước để hợp đồng với các tổ chức xã hội tham gia phòng chống HIV/AIDS đang gặp một số rào cản về mặt pháp lý.
Ths.BS Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), chỉ ra 3 rào cản pháp lý để thực hiện việc ký hợp đồng với các tổ chức xã hội để họ cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS bằng nguồn ngân sách Nhà nước.
Thứ nhất, hiện nay các danh mục dịch vụ phòng chống HIV/AIDS chưa nằm trong danh mục các dịch vụ công được Thủ tướng phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1387/QĐ-TTg phê duyệt các danh mục dịch vụ y tế, dân số nhưng hầu hết các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS không nằm trong danh mục này nên không sử dụng tiền ngân sách để ký hợp đồng được.
Thứ hai, Nghị định 32 của Chính phủ hướng dẫn việc giao nhiệm vụ hay đặt hàng chỉ thực hiện với các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức xã hội không phải đơn vị sự nghiệp công lập nên không áp dụng được Nghị định 32 này.
Thứ ba, đến nay chưa có cơ quan nào ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cũng như khung giá dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Vì thế, chưa có cơ sở để thực hiện việc ký kết hợp đồng với các tổ chức xã hội để họ cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Khó khăn tham gia phòng, chống HIV bằng ngân sách trong nước
Hiện nay, việc thực hiện hợp đồng với các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ qua hình thức đặt hàng hay đấu thầu cung cấp dịch vụ các địa phương cũng gặp không ít khó khăn.
BSCKII Nguyễn Quốc Đạt - Trưởng khoa Phòng chống HIV, CDC Tiền Giang, cho biết, tại địa phương có 2 doanh nghiệp tham gia hoạt động phòng chống HIV/AID là Niềm tin Sông Tiền và Bầu trời xanh. Trong đó, mới chỉ có Niềm tin Sông Tiền tham gia cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS theo đề án thí điểm hợp đồng xã hội từ tháng 10/2022.
Bầu trời xanh hiện nay chưa tham gia hình thức hợp đồng xã hội vì doanh nghiệp này có trụ sở ở TPHCM và hoạt động chủ yếu tại đó.
"Điều vướng mắc lớn với chúng tôi là về thủ tục đấu thầu để thực hiện mô hình này. Theo quy định, phải có ít nhất 3 đơn vị tham gia đấu thầu trong khi nhiều địa phương chỉ có một doanh nghiệp trên địa bàn tham gia. Như tại Tiền Giang, cũng chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS", BS.Đạt chia sẻ.
Khi đấu thầu, chỉ có doanh nghiệp của Tiền Giang có thể tham gia. Đơn vị có trụ sở ở Tp.HCM không thể nắm rõ địa bàn để triển khai các hoạt đồng hoặc khi xuống Tiền Giang triển khai thì giá dịch vụ phải cao hơn các đơn vị trong tỉnh nên cũng bất lợi.
Vì thế, tỉnh lại quay về cơ chế là đặt hàng doanh nghiệp xã hội hoặc các tổ chức cộng đồng cung cấp dịch vụ.
Theo BS.Đạt, mô hình hợp đồng xã hội trong phòng chống HIV/AIDS mang lại nhiều hiệu quả. Các doanh nghiệp tham gia hợp đồng xã hội trong phòng chống HIV/AIDS được giao chỉ tiêu nên hiệu quả đo được khá rõ rệt.
Tuy nhiên, BS.Đạt cho biết, hợp đồng xã hội trong phòng chống HIV/AIDS vẫn đang ở giai đoạn thí điểm nên cần có văn bản chính thức từ các cấp trên để địa phương có căn cứ xây dựng kinh phí hoạt động.
Về phía các tổ chức dựa vào cộng đồng, họ cũng đang phải đối mặt với một số rào cản về mặt pháp lý trong việc tiếp cận mô hình hợp đồng xã hội.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng nhóm Cao nguyên xanh Sơn La (chuyên hỗ trợ các bạn trong cộng đồng LGBT, can thiệp HIV), cho biết, quy mô của nhóm ngày càng lớn nhưng nhóm không có bất cứ giấy tờ pháp lý nào và điều này đang gây ra một số khó khăn.
Ông mong muốn thành lập doanh nghiệp xã hội nhưng chưa tìm hiểu và cũng không có thông tin về việc thành lập doanh nghiệp xã hội như thế nào.
"Nguồn kinh phí hoạt động của nhóm hiện lấy từ các tổ chức phi chính phủ tài trợ cho tỉnh. Khi các dự án rút dần, nhóm cũng không có kinh phí hoạt động. Thiệt thòi lớn nhất là các bạn trong cộng đồng vì các bạn sẽ không được hưởng các dịch vụ y tế, quyền lợi mà các bạn đang có", ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, BS.Đoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, các tổ chức nhỏ lẻ, không có tư cách pháp nhân. Vì thế, năng lực, chuyên môn, kỹ năng của nhóm cộng đồng trong việc tham gia triển khai các hoạt động trong can thiệp phòng chống HIV/AIDS cũng có những hạn chế.
Chương trình thí điểm mô hình hợp đồng xã hội đã cho thấy những bước tiến quan trọng của Việt Nam hướng đến kiểm soát dịch HIV/AIDS vào 2030. Nó cũng là một tiền đề quan trọng trong việc chuyển dịch từ nguồn hỗ trợ quốc tế sang nguồn ngân sách Nhà nước trong những năm tới.
Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình này vẫn còn những rào cản ban đầu, cần sự chung tay của các Bộ, ban ngành, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp xã hội.