Trúng tuyển nhưng không nhận công tác
Đầu tháng 9/2023, tại quận Bình Tân, tổng số giáo viên còn thiếu là 454 giáo viên các cấp, trong đó bao gồm nhu cầu giáo viên cho 5 trường học đang được xây dựng và dự kiến đưa vào sử dụng từ đầu năm 2024. Để chuẩn bị cho năm học mới, quận đã tuyển dụng được gần 300 giáo viên.
Còn tại quận 12, ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT quận 12 cho biết, các trường hiện đã tuyển được gần 80% lượng giáo viên thiếu hụt. Trong thời gian tới, quận sẽ rà soát lại chỉ tiêu của các trường, những trường hợp còn thiếu sẽ tiếp tục tuyển đợt 2. Công tác tuyển dụng giáo viên đang được quận đặc biệt quan tâm bởi năm nay, học sinh lớp Sáu tăng gần 3.000 em.
Riêng đối với Tp.Thủ Đức, với tổng cộng 160 trường học, số lượng giáo viên còn thiếu lên đến hơn 1.000 người. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD&ĐT Tp.Thủ Đức khẳng định, vấn đề này không quá căng thẳng, bởi nếu tính theo từng trường thì mức thiếu là không cao.
Theo ông Nguyên, khó khăn trong khâu tuyển dụng là do một số giáo viên đã được nhận nhưng sau đó lại nghỉ, hoặc một số giáo viên đang dạy, giáo viên mới ra trường chọn công tác tại trường tư. Vì thế, Tp.Thủ Đức vẫn đang tiếp tục có kế hoạch tuyển dụng cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Từ tháng 7/2023 đến nay, quận 1 đã tiến hành các công đoạn tuyển dụng giáo viên nhằm giúp nhà trường chủ động trong sắp xếp, ổn định nhân sự ngay năm học mới.
Đại diện Phòng GD&ĐT quận 1 cho biết, tuyển dụng sớm sẽ hạn chế được tình trạng ứng viên trúng tuyển bỏ nhiệm sở để tuyển dụng ở địa phương khác, dẫn đến trường học dù có ứng viên trúng tuyển nhưng lại không có giáo viên giảng dạy. Đặc biệt, khi tuyển dụng sớm sẽ giúp nhà trường chủ động giáo viên giảng dạy. Tuy nhiên, dù tuyển dụng sớm song nhiều trường vẫn không tuyển đủ giáo viên.
Năm học 2023-2024, Trường tiểu học Nguyễn Huệ, quận 1 thiếu 1 giáo viên tin học, 1 giáo viên nhiều môn. Sau khi hoàn tất tuyển dụng sớm, trường này chỉ tuyển được giáo viên tin học, vẫn thiếu giáo viên nhiều môn.
“Hiện trường tiến hành hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên mới ra trường để đảm bảo có đủ giáo viên đứng lớp trong năm học mới”, cô Bùi Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Huệ chia sẻ.
Tương tự, thay vì tuyển dụng giáo viên vào tháng 1 hàng năm (sau học kỳ 1 năm học), năm học 2023-2024, huyện Củ Chi tổ chức tuyển dụng và hoàn tất ngay trong hè năm 2023. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Huỳnh Long - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Củ Chi, mặc dù tuyển dụng sớm hơn mọi năm đến vài tháng nhưng nhiều trường tiểu học, nhất là các trường tiểu học ở vùng sâu, vùng xa vẫn không thể tuyển đủ giáo viên cho năm học mới.
“Thiếu nhiều nhất vẫn là giáo viên tin học, tiếng Anh, giáo viên nhiều môn. Có nhiều trường nhu cầu ít song tỉ lệ chọi của ứng viên lại rất cao, nhiều trường nhu cầu cao song lại không có ứng viên dự tuyển, thực trạng này dẫn đến các trường ở vùng sâu, vùng xa tiếp tục thiếu giáo viên trầm trọng”, ông Long lý giải.
Cần thống nhất thời gian tuyển dụng toàn thành phố
Lý giải về tình trạng thiếu nhiều giáo viên tiểu học hiện nay, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, việc tuyển dụng giáo viên hiện được quy định theo nhiều văn bản pháp lý (Luật viên chức, Nghị định 115/2020/NĐ-CP......).
Mỗi ứng viên dự tuyển có thể đồng thời đăng ký xét tuyển nhiều nơi nên dẫn đến tình trạng hồ sơ ảo, sau khi trúng tuyển có nhiều ứng viên bỏ nhiệm sở gây khó khăn trong việc bố trí sắp xếp nhân sự đầu năm học, ảnh hưởng đến tiến độ và hoạt động giáo dục của đơn vị.
Riêng giáo viên dạy tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc tiểu học không tuyển đủ số lượng cần do không có nguồn giáo viên, vì vậy việc tuyển dụng khó khăn không đủ giáo viên bổ sung cho các trường tiểu học.
Để khắc phục thực trạng trên, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết, trước mắt các trường tiếp tục thực hiện tuyển dụng để bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học. Từ năm học 2023- 2024, các trường tiếp tục vận động và tạo điều kiện cho số giáo viên hiện chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 tham gia học tập nâng chuẩn trình độ đào tạo.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM thừa nhận, mặc dù Thành phố này có điều kiện thuận lợi hơn các địa phương khác do có Nghị quyết 03 nhưng việc tuyển giáo viên vẫn gặp khó khăn vì giáo viên mới ra trường có thu nhập khá thấp. Đặc biệt, rất khó thu hút giáo viên dạy tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật. Vì thế, Sở đang xây dựng đề án để có thêm chính sách hỗ trợ giáo viên tiểu học.
Đáng nói ở chỗ, việc gian nan tuyển dụng giáo viên ngoài nguyên nhân thiếu nguồn tuyển thì lại xuất phát từ nhiều văn bản pháp luật. Chẳng hạn, hiện nay mỗi ứng viên dự tuyển có thể đồng thời đăng ký xét tuyển nhiều nơi nên sau khi trúng tuyển, nhiều người bỏ nhiệm sở, gây khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp nhân sự đầu năm học, ảnh hưởng tiến độ và hoạt động giáo dục…
Để hạn chế tình trạng hồ sơ ảo trong tuyển dụng giáo viên, tránh tình trạng “tuyển được mà vẫn thiếu”, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM cho hay, ngay trước thềm năm học mới, Sở đã làm việc với thường trực quận, huyện ủy Tp.Thủ Đức và các quận, huyện bàn về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đầu tư xây dựng trường học.
“Trong buổi làm việc, Sở và các địa phương đã thống nhất được thời gian tuyển giáo viên, công bố kết quả, tránh tình trạng dữ liệu ảo ở một số quận, huyện. Bởi thực tế địa phương tuyển dụng trước, một số quận, huyện tuyển sau gây ra tình trạng những ứng viên đã trúng tuyển rồi vẫn tiếp tục tham gia dự tuyển ở các quận, huyện khác, khó khăn trong công tác tuyển dụng, khiến trường đã thiếu giáo viên càng thêm thiếu…”, ông Nguyễn Văn Hiếu nói.
Năm học mới, Tp.HCM tăng thêm 35.000 học sinh
Năm học 2023-2024, dự kiến toàn Tp.HCM tăng 35.055 học sinh, gồm 22.592 học sinh công lập và 12.463 học sinh ngoài công lập.
Số học sinh trong năm học 2023-2024 tăng nhiều ở cấp học THCS, THPT tập trung tại Tp.Thủ Đức và một số quận, huyện như quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn.
Báo cáo của Sở GD&ĐT Tp.HCM đánh giá, việc gia tăng số học sinh dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách.