Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong lưu vực của hai nhánh sông Mê Kông đổ ra biển Đông. Trải qua nhiều năm phù sa bồi đắp, đến nay ngoài những cánh đồng cò bay thẳng cánh, lúa xanh ngát một màu vẫn còn có những vùng trũng ngập nước mà dân gian quen gọi là lung, bàu, … Đây là môi trường lý tưởng cho nhiều loài cây cỏ mọc hoang như cây rau mác, năng, lát, cỏ ống, rau nhút, …
Rau mác là loài rau dại cùng họ với lục bình. Có điều lục bình bông tím nổi trên trên mặt sông, con rạch, còn rau mác thì mọc cố định ở đồng bưng. Cây rau mác có thể sống nhiều năm, lá nhọn, tròn hình tựa mũi mác, có lẽ từ đây mà người bình dân gọi tên loài cây này như thế.
Vào mùa nước nổi, rau mác theo nước vươn lên, cọng trắng phau, mập tròn. Đây cũng là lúc người dân các tỉnh miền Tây chống xuồng ra đồng hoang nhổ loài rau này về làm thức ăn.
Bên cạnh đó, nhiều người chọn việc nhổ rau mác để bán. Loại rau dại bình dị ở miền Tây sông nước giờ đây đã trở thành món đặc sản lạ ở thành phố mà không phải lúc nào cũng dễ dàng mua được. Với công việc này, trung bình mỗi người có thu nhập khoảng 400.000 đồng/ngày.
Các xã Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc là nơi còn nhiều rau mác nhất. Những khu vực này là vùng trũng, ngập sâu vào mùa nước nổi, nhờ thế rau mác mọc khắp các cánh đồng. Người dân cứ thế ra đồng nhổ về bán cho thương lái là có thu nhập mỗi ngày.
Gia đình anh Phan Văn Bạch (ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) có hơn 1,5ha đất trồng lúa. Mùa này trong vùng thường có mưa lớn nên việc tháo nước để gieo sạ lúa gặp nhiều khó khăn. Những hộ có điều kiện bắt đầu “chuyển dịch” đào bờ bao trồng sen để tăng thu nhập. Do chưa có điều kiện trồng sen nên vợ chồng anh Bạch mỗi ngày đều ra đồng nhổ rau mác đem bán.
Hằng ngày, vợ chồng anh Bạch ra đồng hái rau mác từ sáng sớm và kết thúc công việc vào buổi trưa để kịp bán cho thương lái. Thu nhập mỗi ngày của họ vào khoảng 400.000 đồng. “Mùa rau mác kéo dài khoảng hơn 2 tháng, tính cả mùa vợ chồng tôi cũng có thu nhập khoảng 15 triệu đồng”, anh Bạch chia sẻ với Dân Việt.
Anh Bình, một thực khách ở Tp.Cà Mau cho biết, cây rau mác gắn liền với tuổi thơ của anh. Tuy nhiên, khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, nhiều địa phương ở Tp.Cà Mau đã chuyển dịch sang hướng nuôi trồng thủy sản nên cây rau mác vì thế mà vắng bóng.
"Mỗi lần ăn món rau mác nhúng lẩu mắm là bao ký ức lại ùa về. Ngày xưa, trong bữa cơm gia đình vào mùa mưa thì hầu như đều cũng có rau mác", anh Bình nói.
Được biết rau mác có vị ngọt, dai mềm, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Cọng rau mác chọn lấy phần non, cắt bỏ một chút phía dưới để sạch bùn chấm với cá kho đặc biệt là lẩu mắm thì thật tuyệt vời. Cầu kỳ hơn một chút thì cắt cây rau mác ra thành những khúc vừa ăn, cỡ lóng tay, bóp mạnh cho nước trong cọng rau chảy ra bớt rồi phi mỡ tỏi để xào. Bên nồi cơm nóng, tô cá khô sền sệt nước chấm với rau mác xào mỡ cũng đủ để no lòng.
Cây rau mác chuyên dùng chữa sản hậu chóng mặt, đau nhói trong tim, cũng dùng chữa bệnh lậu có sỏi, chữa ho, ho ra máu nhưng uống nhiều thì có độc. Hoa làm sáng mắt, trừ chứng thấp, đinh độc, trĩ, lậu. Lá dùng chữa thũng độc lâu ngày, trẻ em nổi đơn độc, mụn lở và hôi nách (giã nát đắp vào).
Ở Trung Quốc người ta còn dùng trị sản dịch, an thai và bệnh ngoài da, rắn cắn ong đốt, các loại mụn nhọt lở ngứa, cảm nắng,trị lỵ, viêm ruột, viêm đau lợi răng, viêm họng.
Cũng là cây rau mác, ở Ấn Ðộ được người dân dùng rễ nhai chữa đau răng, vỏ cây ăn với đường trị hen, dùng dịch lá để chữa mụn nhọt, và cây được dùng làm thuốc chữa bệnh tâm thần.
Còn tại Philippines củ rau mác nấu lấy nước uống để trị đau bao tử và ngậm để trị nhức răng.
Rau mác có nhiều lợi ích tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ bài thuốc nào từ rau mác, nhất là đối với những người có bệnh nền hoặc đang dùng thuốc khác.
Minh Hoa (t/h)